|
Trung Quốc là nơi có các điều kiện lý tưởng để virus cúm gia cầm phát sinh, biến đổi và lây lan.
|
Cuối tháng 3/2013, chính phủ Trung Quốc thông báo 3 người bị nhiễm virus cúm H7N9 và 2 người sau đó không qua khỏi. Bắc Kinh đưa ra các thông điệp lạc quan nhằm tránh gây hoang mang dư luận rằng virus H7N9 khó có thể truyền từ người này sang người khác, trong khi cơ quan y tế cũng đang thực hiện những biện pháp chưa từng có để theo dõi và dập tắt dịch bệnh.
Tuy nhiên, mấy tuần sau đó, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Ngày 2/5, Trung Quốc thông báo số người chết vì H7N9 tăng lên con số 27. Hiện tổng số ca nhiễm cúm H7N9 ở Trung Quốc là 127 người.
Trước tình hình trên, quan chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới tuần qua cảnh báo, H7N9 là một trong những "loại virus nguy hiểm nhất" mà họ từng biết đến và có khả năng lây từ gia cầm sang người một cách dễ dàng.
Sự phát tán của loại virus này cùng với tình hình dịch bệnh ngày càng trở nên nghiêm trọng bất chấp hàng loạt biện pháp ngăn chặn và phòng ngừa “chưa từng có” của chính phủ Trung Quốc là hồi chuông cảnh báo rằng dịch H7N9 còn lâu mới đến hồi kết.
Các chuyên gia cảnh báo, H7N9 sẽ tiếp tục lây lan tại Trung Quốc trong thời gian tới – chủ yếu do tại đây quy tụ các điều kiện thuận lợi để virus phát triển. Với sự kết hợp của yếu tố sinh thái và văn hóa, Trung Quốc biến thành “ổ dịch chết chóc” của các dịch cúm gia cầm.
“Tôi không tin có một biện pháp hoàn hảo để ngăn chặn bệnh cúm trong tương lai. Trong cộng đồng khoa học, tất cả chúng tôi đều bối rối, hoang mang, chưa biết làm cách nào để xử lý ổ dịch tại Trung Quốc”, Tiến sĩ Marius Gilbert, một nhà dịch tễ học chuyên nghiên cứu sự lây truyền của dịch cúm gia cầm thuộc Đại học Tự do Brussels nhấn mạnh.
Hai yếu tố chính biến Trung Quốc trở thành một ổ dịch cúm gia cầm mới là mật độ người sống chung với một số lượng lớn gia cầm dày đặc một cách đặc biệt và khác thường hơn nhiều so với các khu vực khác cộng với hệ thống thị trường gia cầm sống phát triển mạnh ở khắp đất nước mà không thể kìm hãm.
Việc tiêu thụ gia cầm và chim sống ở Trung Quốc có nguồn gốc văn hóa và hiện nay, trở thành yếu tố sống còn đối với nền kinh tế địa phương nước này.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là nơi có sự đa dạng các loài chim, trong đó, tại cùng một môi trường hoặc khu vực, một số lượng đáng kể gia cầm do con người nuôi chung sống với các loài di trú, hoang dã và với cả cộng đồng dân cư đông đúc.
“Việc các loài chim vừa hoang dã vừa được nuôi xe lẫn với nhau trong những không gian chật hẹp (bao gồm cả ở các khu chợ lớn nhỏ khác nhau) tạo ra điều kiện hoàn hảo cho các loại virus cúm lây lan từ loài này sang loài khác và thực hiện quá trình biến đổi khôn lường để thích nghi. Do virus cúm biến đổi thường xuyên và liên tục, nó tạo ra những mối nguy chết người và một khi dịch cúm bùng lên, chúng ta khó lòng nhanh chóng kiểm soát tình hình”, Tiến sĩ Tanya Graham thuộc Đại học bang Nam Dakota cho biết.
Ngoài ra, tại Trung Quốc, khoảng 10 nghìn loài gia cầm, chim và con người đang sống lẫn lộn trong những không gian chật chội, bao gồm cả các khu chợ gia cầm. Đây là điều kiện lý tưởng để virus cúm phát sinh, biến đổi và lây lan từ gia cầm sang người.
“Nhiều người có thể cho rằng, các điều kiện mất vệ sinh ở các khu chợ buôn bán chim sống hoặc các khu vực khác là nguyên nhân khiến dịch cúm phát sinh và lân lan. Nhưng theo tôi, mật độ đông đúc và chật chội mới là yếu tố quan trọng hơn các điều kiện mà gia cầm được nuôi và giao dịch”, ông Gilbert nhấn mạnh.
“Viễn cảnh dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên phạm vi toàn thế giới là nhãn tiền”, vị tiến sĩ nhấn mạnh thêm.
Ngoài ra, theo một bài viết đăng trên tạp chí Nature, “ổ dịch hiện nay của virus H7N9 – Trung Quốc” cũng là một địa điểm quan trọng của hệ thống giao thông hàng không toàn cầu, nâng cao nguy cơ dịch cúm lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới.
“Nếu virus H7N9 thực sự có khả năng lây lan từ người sang người hoặc biến đổi để có khả năng lây lan từ người sang người, dịch cúm sẽ lan rộng trên toàn thế giới chỉ trong vài ngày. Nếu kịch bản này xảy ra, sẽ vô cùng khó khăn và phức tạp để ngăn chặn dịch bệnh”.
Hiện các chuyên gia y tế đang gấp rút tìm hiểu về virus H7N9, xác nhận nguồn gốc và theo dõi sự lây lan của nó. Một vấn đề hóc búa là, các loài chim nhiễm virus không biểu hiện bất cứ triệu chứng gì. Điều đó đồng nghĩa với việc rất khó để xác định, kiểm tra chúng. Ngoài ra, các chuyên gia y tế cũng đang tích cực điều chế vắc xin phòng cúm nhưng sớm nhất phải 6 tuần nữa công việc này mới hoàn thành.
Trong khi việc H7N9 có khả năng biến đổi hay không vẫn đang là mối bận tâm hàng đầu của các chuyên gia y tế toàn cầu thì thực tế tại các trang trai và thị trường gia cầm ở Trung Quốc cũng đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự xuất hiện và phát triển của các loại virus cúm mới trong tương lai gần.
TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU
Bạch Dương (Theo The Verge)