|
Một số nhân vật chính liên đới đến vụ bê bối Bạc Hy Lai.
|
Bạc Hy Lai đã không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 3/2012 và chắc chắn ông này sẽ bị tòa án phán quyết là có tội.
Mặc dù các cáo buộc tham nhũng chống lại Bạc Hy Lai có thể dẫn đến một bản án tử hình, nhưng cho đến nay, chưa có một ủy viên Bộ chính trị ĐCS Trung Quốc bị ngã ngựa nào phải lĩnh mức án đó.
Nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc hy vọng rằng phiên tòa xét xử Bạc Hy Lai chấm dứt các vụ bê bối chính trị lớn nhất kể từ khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, họ sẽ bị vỡ mộng. Mặc dù họ sẽ không còn nói về Bạc Hy Lai sau khi ông này được gửi đến nhà tù Qincheng nổi tiếng ở ngoại ô Bắc Kinh, nơi giam cầm các quan chức cấp cao bị kết án, vấn đề được đặt ra là dư âm của vụ Bạc Hy Lai sẽ vẫn còn dai dẳng.
Vụ Bạc Hy Lai hé lộ tình trạng tranh giành quyền lực ở Trung Quốc, trong đó bên chiến thắng phần nhiều là nhờ khả năng tập hợp được một liên minh mạnh mẽ hơn. Đối với bên thua cuộc, họ sẽ bị “thân bại danh liệt”. Thực ra, Bạc Hy Lai không phải là ủy viên Bộ chính trị đầu tiên bị ngã ngựa. Trước ông này, hai cựu ủy viên Bộ Chính trị cũng đã phải “bóc lịch” tại nhà tù hạng sang Qincheng ở ngoại ô Bắc Kinh, với những tội danh tương tự như tham nhũng, lạm dụng chức quyền.
Khi Bạc Hy Lai đang thăng tiến (từ năm 2009 đến 2011), hầu như tất cả các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc - trừ Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào - đã đến tham quan “mô hình Trùng Khánh”. Nhưng khi sự nghiệp chính trị của Bạc Hy Lai bị lụn bại bởi việc “cánh tay phải” là Giám đốc công an Trùng Khánh Vương Lập Quân đào tẩu vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô, không ít những người bạn đã quay lưng lại với ông ta.
Mặc dù nhận được khá nhiều lời khen ngợi về việc “làm trong sạch” Trùng Khánh, Bạc Hy Lai không nổi nên thành một một nhà quản lý xuất chúng. Ông ta là một người quá tham vọng, quá phiêu lưu mạo hiểm và sử dụng các chiến thuật tàn nhẫn để chống lại đối thủ. Bạc Hy Lai đã tự đẩy mình lên tuyến đầu và bộc lộ một số nhược điểm chết người mà đối thủ có thể khai thác triệt để.
Là một chính khách “cha truyền, con nối”, Bạc Hy Lai rốt cuộc cũng sẽ hiểu được sự nghiệt ngã của chính trường, nhận ra cái gì đã giúp ông ta thăng tiến vượt bậc và cái gì khiến ông phải “thân bại danh liệt”.
Lê Chân (theo Bloomberg)
Lê Chân (theo Bloomberg)