|
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden: "Người hùng" hay "kẻ phản bội"?
|
Cả Châu Âu đòi phía Mỹ giải thích
Theo đài
Tiếng nói nước Nga, Liên minh châu Âu dự định sẽ yêu cầu một lời giải thích từ phía Mỹ liên quan đến tiết lộ của cựu nhân viên CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Edward Snowden. Trong tháng 5/2013, ông Snowden đã từ Mỹ trốn sang Hong Kong.
Người phát ngôn của Thủ tướng Angela Merkel nói rằng chủ đề theo dõi toàn cầu sẽ được đưa ra trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tuần tới tại Berlin. Ủy ban châu Âu tuyên bố cũng sẽ làm vậy trong cuộc gặp EU-Mỹ vào ngày 14/6 tại Dublin. Theo báo chí châu Âu, vụ bê bối này có thể “dìm chết” thỏa thuận vừa được ký kết giữa Mỹ và Liên minh châu Âu về bảo vệ dữ liệu điện tử.
Ở Đức, phe đối lập đòi Cơ quan tình báo liên bang (BND) phải thừa nhận có biết về chương trình PRISM bí mật của Mỹ và mức độ hợp tác với NSA. Yêu cầu tương tự đã được nêu lên tại Ý, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ và Hà Lan.
Hầu hết tất cả các châu Âu đều phẫn nộ vì sự tồn tại của hệ thống điện tử Boundless Informant, hoặc "Cung cấp thông tin vô biên" - công cụ chính để thu thập thông tin cho PRISM. Theo báo Anh Guardian, hệ thống Boundless Informant hoạt động trong tất cả các nước châu Âu. Nó là công cụ để thu thập dữ liệu, vào sổ các cuộc gọi điện thoại, ngày giờ cuộc gọi, nơi gọi và ghi âm cuộc trò chuyện.
Tại Washington, Tổng thống Barack Obama một lần nữa phải bảo vệ PRISM. Ông gọi chương trình này công cụ hữu ích cho sự an toàn của công dân Mỹ và nói: “Chương trình này giúp chúng ta dự đoán và ngăn chặn các hành vi khủng bố có thể”.
Chủ tịch Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ Diane Feinstein thì yêu cầu NSA sửa đổi và thắt chặt các quy định về giám sát điện tử công dân Mỹ. Nhiều nghị sĩ quốc hội coi hành động tố cáo của Snowden là "phản bội".
Có "dấu ấn Trung Quốc"?
Xét theo tin từ Hồng Kông, Edward Snowden đã ra khỏi khách sạn, nơi ông sống trong vài tuần. Hiện tại không biết ông ta ở đâu. Trong cộng đồng tình báo Mỹ, phản ứng trước tin này là gần như hoảng sợ. Theo Washington Times, nhiều quan chức cao cấp hiện tại và trước đây của NSA và CIA khẳng định rằng Snowden hoàn toàn không ngẫu nhiên mà chạy sang Hong Kong. Các chuyên gia nhận thấy trong hành động của cựu nhân viên CIA và NSA này có “dấu ấn Trung Quốc”. Biết đâu, Snowden có thể chuyển cho Bắc Kinh những thông tin bí mật vô giá.
Giáo sư Đại học Hong Kong Simon Young tán thành quan điểm trên: “Quyết định của Snowden chạy đến Hong Kong là không tồi. Hong Kong bảo vệ tốt cho những người muốn tị nạn chính trị. Pháp luật của chúng tôi về tị nạn chính trị đang trong tình trạng lấp lửng, đang xem xét để phê duyệt. Điều này có nghĩa rằng chính quyền Hong Kong dựa vào hoàn cảnh từng trường hợp cụ thể, khi giải quyết vấn đề tị nạn. Và tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đại lục sẽ can thiệp vào quyết định của chúng tôi trong trường hợp Snowden”.
|
Người tố cáo Edward Snowden: "Tôi không cho phép chính phủ Mỹ thủ tiêu đời tư và các quyền tự do cơ bản".
|
Trong cơ quan mật vụ Mỹ, "vụ Snowden" đã được so sánh với vụ đào tẩu của các nhân viên mật mã NSA là William Martin và Mitchell Bernon năm 1960. Họ đã tiết lộ nhiều phần mềm gián điệp Mỹ. Cho đến nay, NSA coi vụ này là thất bại nặng nề nhất trong lịch sử cơ quan mật vụ. Vụ Snowden có thể còn vượt qua vụ Martin và Mitchell.
Những người dân Mỹ có thái độ khác nhau đối với vụ này. Nhà Trắng đã nhận được bản kiến nghị tôn vinh Snowden là “anh hùng dân tộc”. Chỉ một ngày đêm đã có 22.000 người đặt chữ ký của mình dưới kiến nghị này. Nếu trong vòng một tháng, số người ủng hộ lên đến 100.000 người, chính quyền sẽ phải xem xét đề nghị đó một cách chính thức.
Theo The Guardian số ra hôm nay, trong tương lai gần Edward Snowden sẽ còn đưa ra những tố cáo “nghiêm trọng” khác.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Văn Bình (theo VOR)