BMW thấy trước bất ổn về nguồn cung khí đốt từ Nga?

Google News

Nguồn cung năng lượng ở châu Âu và chip bán dẫn toàn cầu là 2 yếu tố được BMW chỉ ra là sẽ ảnh hưởng đến sản lượng của hãng trong nửa cuối 2022.

  
Vào hôm 3/8/2022 vừa qua, hãng xe BMW đã hạ thấp sản lượng dự kiến và cảnh báo về nửa cuối năm đầy bất ổn. 2 yếu tố quan trọng để hãng BMW đạt được mục tiêu doanh thu của năm 2022 chính là nguồn cung năng lượng tại châu Âu và chip bán dẫn trên toàn cầu.
Lượng đơn đặt hàng mới dành cho xe BMW đã có dấu hiệu giảm sút. Tuy nhiên, theo giám đốc điều hành Oliver Zipse, lượng đơn hàng tồn trước đó khiến BMW tiếp tục bận rộn trong thời gian vài tháng tới.
BMW thay truoc bat on ve nguon cung khi dot tu Nga?
BMW thấy trước nửa cuối năm 2022 đầy bất ổn vì lo ngại về nguồn cung khí đốt từ Nga (ảnh: Reuters).
Trong khi đó, giám đốc tài chính Nicolas Peter tiết lộ nhu cầu mua xe ôtô điện của BMW đặc biệt cao. Thương hiệu xe sang BMW đang trên đà đạt mục tiêu gấp đôi doanh số xe điện so với năm ngoái. Ngoài ra, BMW còn kỳ vọng doanh số của hãng sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong nửa cuối năm nay nhờ sức mua lớn tại thị trường châu Á.
Tuy nhiên, BMW cũng dự đoán lượng xe giao cho khách đến hết năm nay sẽ không thể đạt được con số kỷ lục 2,52 triệu chiếc như năm ngoái. Lệnh trừng phạt dành cho Nga, nguồn cung khí đốt bị gián đoạn hay nguy cơ lan rộng chiến tranh tại Ukraine không được BMW nhắc đến như những yếu tố ảnh hưởng đến sản lượng của hãng trong nửa cuối năm nay.
"Yếu tố then chốt là tình hình nguồn cung sẽ tiến triển như thế nào, không chỉ chip bán dẫn mà còn cả nguồn cung năng lượng ở châu Âu", ông Zipse cho biết.
Ông Daniel Schwarz, một nhà phân tích đến từ Stifel, dùng cụm từ "khá thất vọng" để nói về viễn cảnh của BMW. Trong khi đó, công ty Berstein Research nhấn mạnh BMW là hãng xe đầu tiên bày tỏ sự cẩn trọng về sức mua.
Đức và các thành viên của Liên minh châu Âu hiện đã đưa ra những kế hoạch khẩn cấp để kiểm soát việc sử dụng khí đốt trước lo ngại Nga có thể cắt giảm hoặc ngừng cung cấp khí đốt cho châu lục nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt của phương Tây lên nước này sau cuộc chiến tại Ukraine.
Mỗi năm, các nhà máy của BMW tại Đức và Áo tiêu thụ lượng điện khoảng 3.500 gigawatt/giờ (GWh). 3/4 trong số đó đến từ khí đốt tự nhiên.
Ông Zipse cho biết, nhà sản xuất xe hơi này có thể thay thế khoảng 500 GWh điện do các nhà máy đồng phát điện và nhiệt chạy bằng khí đốt sản xuất bằng cách mua điện từ nơi khác. Tuy nhiên, thay thế khí đốt sử dụng trong quá trình sản xuất sẽ phức tạp hơn.
"Có thể bù trừ một phần... nhưng ngay cả nếu giải pháp đó phát huy tác dụng thì chắc chắn cũng tốn kém. Chúng tôi không có cách nào để duy trì chi phí điện như trước", ông Zipse chia sẻ.
Theo nghiên cứu của Viện Ifo của Đức, tình hình kinh doanh của các nhà sản xuất ô tô nước này đã bắt đầu xấu đi từ tháng 7 vừa qua với lượng đơn đặt hàng tồn đọng giảm xuống và giá kỳ vọng tụt sâu. So với đối thủ Mercedes-Benz, BMW bị tác động tiêu cực hơn. Vào tuần trước, Mercedes-Benz thông báo thu nhập của hãng giảm 31% xuống còn 3,4 tỷ Euro trong quý II năm nay mặc dù doanh thu tăng. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn mức ước tính 3,13 tỷ Euro của 8 nhà phân tích đến từ công ty Refinitiv trước đó.
Thảo Nguyễn