“Lượng tiêu thụ điện trung bình trên đầu người tại Mỹ hiện đang là 10,908 kWh. Liệu chúng ta có thể dùng chính các con đường hiện tại để tạo ra 2/3 lượng điện ta tiêu thụ mà không tạo ra chút khí thải nào?”, cục Thông tin năng lượng Mỹ đã đặt ra câu hỏi này.
Tham vọng của cục Thông tin năng lượng Mỹ là hoàn toàn có cơ sở nếu mô hình tiên tiến của các nhà khoa học Hà Lan được nhân rộng. Công trình của họ có tên SolarRoad. Nó bao gồm các tấm panel năng lượng mặt trời được làm từ kính, silicon và cao su.
|
Con đường bao gồm các tấm panel năng lượng mặt trời. |
Các tấm panel này được trải lên mặt đường và nó có thể chịu trọng lượng của xe tải 12 tấn. Mỗi panel được gắng với một công tơ riêng có nhiệm vụ quản lý lượng điện mỗi panel tạo ra và thắp sáng đèn đường cũng như truyền tải vào lưới điện chung.
Một con đường thử nghiệm dài 100 mét dành cho xe đạp đã được nhóm nghiên cứu tạo ra tại thành phố Krommenie, cách Amsterdam 15 km hồi tháng 11 năm ngoái. Sau 6 tháng hoạt động, con đường pin mặt trời này đã tạo ra hơn 3.000 kWh điện năng, một kết quả hết sức khả quan.
“Ta có thể ước lượng sản lượng điện tương đương 70 Kwh/1 mét vuông/12 tháng – con số vượt quá kỳ vọng của nhóm nghiên cứu. Do đó, ta có thể coi 6 tháng vừa qua, dự án SolarRoad đã thành công rực rỡ”, ông Sten de Wit, đại diện nhóm nghiên cứu phát biểu.
|
Đã có hơn 150.000 chiếc xe đạp đã đi qua quãng đường 100 mét này. |
Duy chỉ có một điểm trừ duy nhất là lớp tráng đặc biệt nhằm tạo độ bám cho bề mặt bóng láng của phần kính bảo vệ trên cùng đã bị bong một phần. Nguyên nhân được cho là do sự dãn nở tự nhiên của mặt kính (mặt đường vốn tích nhiệt rất mạnh vì luôn được mặt trời chiếu sáng). Nhóm nghiên cứu cho biết họ sẽ cải tiến lớp tráng này để khắc phục tình trạng trên.
Dù sao thì đây cũng là một công nghệ rất triển vọng và hữu ích. Theo thống kê, hơn 150.000 chiếc xe đạp đã đi qua quãng đường 100 mét này và không có vấn đề gì xảy ra cả. Nhóm nghiên cứu đang thuyết phục chính quyền Hà Lan để thi công nhiều con đường pin mặt trời hơn và bang California, Hoa Kỳ cũng ký thỏa thuận hợp tác với các chuyên gia Hà Lan trong 5 năm.
Tuấn Nguyễn