Video: Đề xuất giảm 50% phí trước bạ với ôtô (Nguồn THHN).
Mới đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đề xuất cân nhắc không thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước.
Dựa trên quá trình đánh giá cơ sở hiệu quả việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết, đây là chính sách có tác động tích cực tới ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp mua sắm ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính cho biết, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường với nhiều khó khăn, thách thức.
|
Việc triển khai chính sách giảm giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể khiến Việt Nam đối mặt với các vi phạm. |
Ở trong nước, tình hình kinh tế có xu hướng phục hồi tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế mặc dù đạt kết quả khả quan nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức từ áp lực lạm phát, tỷ giá có xu hướng tăng, thị trường tài chính, tiền tệ vẫn tiềm ẩn rủi ro, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí là cần thiết để góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương và các bộ, ngành có liên quan, Bộ Tài chính cho biết dự thảo giảm lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất trong nước có thể khiến nước ta vi phạm cam kết quốc tế dẫn tới nguy cơ bị xử phạt vi phạm hoặc trả đũa từ các nước mà Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang.
|
Mức giảm LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP, giữ nguyên kế hoạch giảm lệ phí trước bạ. |
Trong tờ trình lên Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án:
Phương án 1: Không thực hiện giảm mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Phương án 2: Giảm 50% mức thu LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước trong 6 tháng.
Trên cơ sở phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án, Bộ Tài chính đề xuất thực hiện theo phương án 1.
|
Từ đợt dịch Covid-19 đến nay, Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm LPTB với xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, năm 2021 và năm 2023). |
Tuy nhiên, tại Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến về việc hầu hết các ý kiến tại cuộc họp thống nhất trình Chính phủ quy định việc giảm LPTB đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước thực hiện đúng theo Nghị quyết số 44/NQ-CP, qua đó giữ nguyên kế hoạch giảm lệ phí trước bạ.
Bộ Tài chính cần bổ sung nội dung phân tích, đánh giá tác động đảm bảo đầy đủ, toàn diện, nhất quán (tác động đến thu ngân sách, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, mức độ vi phạm các cam kết, khả năng khiếu nại, khiếu kiện), báo cáo lên Chính phủ. Từ thông tin được cập nhật, nhà nước sẽ xây dựng phương án ứng phó trong trường hợp Việt Nam bị khởi kiện vi phạm các cam kết quốc tế.
Từ đợt dịch Covid-19 đến nay, Bộ Tài chính đã có 3 lần giảm LPTB với xe ôtô sản xuất lắp ráp trong nước (gồm năm 2020, năm 2021 và năm 2023), mỗi lần kéo dài 6 tháng.
Thảo Nguyễn