Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, điều 33 của Hiến pháp quy định người dân có quyền kinh doanh trong ngành nghề pháp luật không cấm. Tuy nhiên, thông tư 20/2011 của Bộ Công thương quy định thêm điều kiện khi nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ phải có “giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà nhập khẩu, phân phối của chính hãng” hoặc “hợp đồng đại lý chính hãng”...
Việc quy định điều kiện kinh doanh trong ngành nghề không thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo các doanh nghiệp, là trái với quy định của Hiến pháp về tự do kinh doanh.
|
Theo các doanh nghiệp, điều 33 của Hiến pháp quy định người dân có quyền kinh doanh trong ngành nghề pháp luật không cấm. |
Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa nhập khẩu ôtô cũng khẳng định thông tư của Bộ Công thương là vi phạm Luật cạnh tranh 2004, không hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, không phù hợp thực tiễn và không có cơ sở pháp lý. Việc này còn có thể khiến các doanh nghiệp chuyển qua nhập khẩu ôtô Trung Quốc.
Cho rằng chất lượng xe nhập vào Việt Nam phải đảm bảo quy chuẩn, xe muốn lưu hành còn phải qua Cục Đăng kiểm, nên nhóm doanh nghiệp đề nghị Thủ tướng hủy bỏ thông tư 20/2011 của Bộ Công thương để đảm bảo môi trường kinh doanh ôtô lành mạnh.
Năm 2011, Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20 nhằm hướng dẫn việc nhập khẩu xe dưới 9 chỗ chưa qua sử dụng vào Việt Nam. Việc yêu cầu đơn vị nhập khẩu phải có hai giấy phép là giấy chứng nhận uỷ quyền nhập khẩu, phân phối của chính hãng hoặc có hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó. Hai là giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô do Bộ Giao thông Vận tải cấp. Chính quy định này đã loại hàng nghìn doanh nghiệp ôtô nhỏ ra khỏi cuộc chơi, thị phần nhập khẩu chủ yếu thuộc về tay một số ông lớn liên doanh, phân phối.
Sau 5 năm triển khai, ngày 1/7/2016 Thông tư 20 đã hết hiệu lực và hiện hai trường phái vẫn tranh cãi quyết liệt với việc một bên muốn giữ các quy định, còn bên kia muốn bãi bỏ, mở cửa thị trường.
TT (Video: VTC)