Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với tờ báo The National, thị trưởng của thành phố Dubai, ông Hussain Lootah đã nhận xét rằng thành phố của ông hiện có rất nhiều xe cá nhân và việc gia tăng phương tiện sẽ khiến các con đường bị bịt kín. “Nếu tiếp tục giải quyết vấn đề tắc đường như hiện tại, chúng ta sẽ phải có thêm đường và cầu vượt ở khắp mọi nơi”, thị trưởng Lootah nói.
Để giải quyết vấn đề nan giải trên, thị trưởng Dubai đang xem xét đưa ra quy định về mức thu nhập tối thiểu để người dân được mua xe ôtô. Quy định này được kỳ vọng sẽ khuyến khích nhiều người sử dụng giao thông công cộng ở Dubai.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập tới viêc tăng nhận thức sử dụng phương tiện công cộng cho người dân, ông Hussain Lootah đã bác bỏ thẳng thừng. “Hiện ở Dubai có tới 200 dân tộc đang sinh sống, tôi cho rằng giáo dục và nâng cao nhận thức cho tất cả sẽ gặp khó khăn”, ông nói.
Thêm một lý do nữa mà vị thị trưởng Dubai đề cập đến khó khăn để người dân lựa chọn phương tiện công cộng là giá xe khá rẻ và gần như mọi người có thể mua xe dễ dàng. Dubai hiện đang mở rộng hệ thống tàu điện ngầm, xe buýt sang trọng nhưng chưa thể bù đắp được so với lượng xe cá nhân đang tăng rất nhanh. Các nhà sản xuất xe hơi như Toyota, Mercedes năm vừa qua báo cáo bán hàng tăng trưởng 2 con số trong khi đó sân bay quốc tế Dubai đón thêm 8,7 triệu hành khách, tăng 15% so với năm 2012.
|
Ở Dubai không thiếu nhà giàu chơi xe sang và người nghèo cũng dễ dàng có ôtô nhờ giá bán xe khá rẻ. |
Ngoài việc muốn áp đặt quy định mức thu nhập tối thiểu được mua xe, Dubai cũng đang xem xét việc tăng phí đỗ xe, bảo hiểm và giá nhiên liệu. Hiện 1 gallon (3,78 lít) xăng đang được bán khoảng 2 USD và so với các nước châu Âu và Mỹ vẫn còn khá rẻ.
Vấn nạn tắc đường vì nhiều xe hiện đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia. Nhiều nước đã có những chính sách điều chỉnh thói quen dùng xe cá nhân. Tại Pháp, thành phố Paris có những ngày không xe hơi. Tại Anh, khoảng 60 phần trăm của giá xăng dầu là thuế. Nhiều thành phố châu Âu thì áp dụng phí tắc nghẽn, áp dụng vào các khung giờ khác nhau. Tiêu cực hơn là khống chế lượng xe đăng ký mới mỗi năm ở một số thành phố lớn.
Biện pháp của thị trưởng Dubai kỳ quặc, nhưng cũng không khác mấy so với ở Việt Nam. Đánh thuế thật cao khiến giá xe tăng lên chót vót gấp 2-3 lần ở các nước khác thực chất cũng là một cách hạn chế mua xe dựa trên thu nhập. Tệ hơn nữa, cách làm này còn khiến chất lượng xe lắp ráp ở trong nước dù đã qua hơn 2 thập kỷ vẫn không thể bằng xe ngoại nhập.
Theo Songmoi