Ngày nay, xe hơi với hộp số tự động đã trở nên rất phổ biến. Việc lái xe số tự động đơn giản và dễ dàng hơn rất nhiều so với xe số sàn bởi không phải điều khiển chân côn và không cần nhớ các mức số rắc rối. Tuy nhiên, chính từ sự đơn giản ấy khiến nảy sinh những thắc mắc, trong đó nhiều nhất là về công dụng của số N và hiệu quả của nó khi dừng đèn đỏ.
Hầu hết người lái xe số tự động có thói quen chỉ chuyển qua lại giữa số P và số D (hoặc số R để lùi xe). Số D tất nhiên là dùng khi chạy xe, còn số P dùng lúc đỗ xe hoặc thậm chí nhiều người dùng lúc dừng xe trong thời gian dài mà vẫn để nổ máy. Số N ít khi được dùng đến, trừ khi gặp phải lúc xe bị hư hỏng cần đẩy hoặc kéo đi.
Riêng đối với trường hợp dừng đèn đỏ, có nhiều cách xử lý khác nhau. Có người để số D và giữ phanh rồi nhả khi cần đi tiếp. Người khác lại chuyển về số P cho rảnh chân. Cuối cùng là ý kiến chuyển về số N. Cách nào cũng có ưu/nhược điểm riêng. Dưới đây chúng ta sẽ phân tích từng cách:
- Ưu điểm: đỡ phải thao tác nhiều, có thể nhanh chóng chuyển xe từ trạng thái dừng sang di chuyển.
- Nhược điểm: động cơ vẫn tải, gây tiêu tốn nhiên liệu và hao mòn hệ thống phanh; người lái dễ mỏi chân.
Như vậy, cách này xem ra chỉ phù hợp với những lúc dừng đèn đỏ không quá lâu.
2. Chuyển về số P
- Ưu điểm: động cơ dừng tải, không hao phí nhiên liệu vô ích; người lái rảnh chân; bánh xe khóa lại nên không bị trôi.
- Nhược điểm: để di chuyển lại cần nhiều thao tác hơn, mất thời gian hơn; nếu bị tác động sẽ làm hỏng hộp số.
Nhìn sơ qua thì cách này có vẻ tốt hơn cách thứ 1, nhưng thực chất cũng không hề tốt. Số P là dùng để đỗ xe chứ không phải dừng xe. Nếu trong lúc dừng xe mà gài số P, chỉ cần một tác động từ bên ngoài vừa đủ cho xe di chuyển sẽ khiến hộp số hỏng luôn - tốn tiền sửa chữa và rất nguy hiểm.
3. Chuyển về số N
- Ưu điểm: động cơ dừng tải, không hao phí nhiên liệu vô ích; người lái có thể rảnh chân tùy trường hợp.
- Nhược điểm: thao tác nhiều giống số P; bánh xe không khóa nên xe vẫn có thể bị trôi nếu gặp tác động.
Với cách này, sẽ là hợp lý nếu dừng đèn đỏ lâu. Tuy nhiên, người lái cũng cần lưu ý là chỉ nên áp dụng khi đường bằng phẳng. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cao nhất sẽ cần giữ phanh chân và kéo cả phanh tay nữa.
Tóm lại, chọn cách xử lý nào sẽ tùy thuộc vào thời gian dừng đèn đỏ và quan điểm của bạn về việc dồn sự "vất vả" cho xe (giữ động cơ tải, nguy cơ hỏng hộp số) hay nhận lấy về mình (thao tác nhiều, giữ phanh mỏi chân)... Không có cách nào là toàn vẹn cả, hãy hiểu rõ cả 3 cách và ứng biến sao cho phù hợp với từng thời điểm nhất.
Theo Autovina