Cụ thể, Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hiện 21 ôtô, xe rơmoóc và sơmi rơmoóc, 2 xe máy chuyên dùng và 9 môtô, xe gắn máy nhập khẩu không đạt tiêu chuẩn chất lượng; 17 xe chuyên dùng và 2 xe môtô hai bánh nhập khẩu có số khung, số động cơ bị đục sửa, đóng lại.
“Việc phát hiện các xe nhập khẩu vi phạm trên thông qua công tác kiểm tra chất lượng và thử nghiệm để đánh giá chất lượng phương tiện, thiết bị và phòng thử nghiệm của cơ sở sản xuất, nhập khẩu phương tiện. Các trường hợp đục lại số khung, số máy phương tiện đều được Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo tới doanh nghiệp và cơ quan hải quan để giải quyết theo quy định tại Nghị định 69/2018 của Chính phủ về quy định chi một số điều của Luật Quản lý ngoại thương”, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết.
|
Kể từ đầu năm 2019 đến nay đã phát hiện hơn 50 trường hợp ôtô, xe máy nhập khẩu vi phạm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật. |
Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, thông tư hướng dẫn về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới nhập khẩu quy định, cơ quan đăng kiểm khi kiểm tra phát hiện các trường hợp: xe ôtô có khung gầm xe đã qua sử dụng, xe ôtô cứu thương đã qua sử dụng, xe đã qua sử dụng trên 5 năm, xe ôtô các loại đã qua sử dụng và đã thay đổi kết cấu so với thiết kế ban đầu; xe ôtô có số khung, số động cơ, mã số nhận dạng (nếu có) bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại; xe cơ giới có vô lăng lái bố trí không ở bên trái… sẽ bị dừng các thủ tục kiểm tra, chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu và lập biên bản.
Trong thời hạn không quá 3 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận vi phạm quy định về tiêu chuẩn chất lượng xe nhập khẩu, cơ quan đăng kiểm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân nhập khẩu và cơ quan hải quan (nơi làm thủ tục nhập khẩu) để giải quyết theo quy định.
Thảo Nguyễn (TH)