Cụ thể, sẽ có 1.524 chiếc xe sedan Honda City lắp ráp trong nước, bao gồm cả các phiên bản sử dụng hộp số tự động (vô cấp) và hộp số sàn, sẽ phải triệu hồi để thay thế cụm bơm túi khí bên vị trí hành khách phía trước. Các mẫu Honda City dính lỗi nằm trong diện triệu hồi lần này tại Việt Nam được sản xuất từ ngày 25/5/2013 đến 06/1/2014.
|
Honda City dính lỗi nằm trong diện triệu hồi lần này tại Việt Nam được sản xuất từ ngày 25/5/2013 đến 06/1/2014. |
Honda Việt Nam cho biết, toàn bộ chi phí của đợt triệu hồi lần này sẽ do hãng chịu. Chương trình triệu hồi sẽ được thực hiện tại tất cả các đại lí ủy quyền của Honda trên cả nước, thời gian bắt đầu từ 10/3/2018 và dự định kéo dài đến 9/3/2019, với thời gian kiểm tra và thay thế trong 30 phút.
Kể từ xảy ra cuộc khủng hoảng về túi khí do Takata cung cấp từ năm 2015 đến nay, Honda Việt Nam đã có gần 10 đợt triệu hồi với số lượng hơn 30.000 xe;, đợt triệu hồi gần đây nhất là vào cuối tháng 12/2017, liên quan đến 652 chiếc Odyssey và Accord nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản và Thái Lan.
Túi khí an toàn trang bị trên các xe nhằm giảm thiểu các rủi ro tai nạn liên quan đến con người hoặc giảm thiểu chấn thương ở vùng đầu, cổ, ngực và mặt của người lái và hành khách khi xe bị va chạm từ phía trước. Khi xảy ra va chạm đủ mạnh, bộ điều khiển nhận được tín hiệu sẽ cung cấp dòng điện để kích nổ túi khí, bộ thổi khí sẽ tạo khí nhằm tạo ra một túi đệm khí tránh cho một số bộ phận của cơ thể người va chạm trực tiếp với các phần cứng của xe, sau đó túi khí sẽ tự động xả hơi để không làm kẹt người lái và hành khách trong xe. Trong trường hợp bộ thổi khí tạo ra áp suất quá lớn tại thời điểm túi khí bị kích hoạt khi xe va chạm, vỏ bộ thổi khí hoặc các linh kiện nhỏ có thể bị vỡ, bắn ra gây tổn thương cho người lái và hành khách.
Nguyễn Anh