Tình trạng thiếu chip bán dẫn vẫn đang ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp ôtô thế giới. Ngoài việc cắt giảm sản lượng, nhiều hãng còn buộc phải kéo dài thời gian giao xe cho khách. Bộ ba thương hiệu ôtô Hàn Quốc Hyundai và Kia, ngoài ra Genesis cũng không ngoại lệ.
Theo tờ Korea Times, một số khách hàng mua xe ôtô Hyundai và Kia, Genesis tại Hàn Quốc phải chờ đến 30 tháng mới được giao xe. Điều này khiến khách hàng Hàn Quốc cảm thấy bức xúc.
|
Khách hàng mua xe Hyundai và Kia bức xúc vì phải chờ 30 tháng. |
"Tôi phải chờ tận 2,5 năm để mua một chiếc xe Genesis hoặc SUV do Hyundai hoặc Kia sản xuất ư? Tôi không thể hiểu nổi nữa", một khách hàng nêu ý kiến trên diễn đàn ở Hàn Quốc. "Cách đây 1 năm, thời gian giao xe chỉ bị chậm khoảng 7 tháng tôi. Sao họ không làm nhanh lên chứ?"
Tập đoàn Hyundai sở hữu 3 thương hiệu ôtô Hàn Quốc kể trên giải thích nguyên nhân kéo dài thời gian giao xe là do thiếu chip bán dẫn và nhu cầu của khách hàng tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khách hàng Hàn Quốc tin rằng tập đoàn này ưu tiên thị trường nước ngoài hơn để tận dụng việc tỷ giá hối đoái giữa đồng Won và USD giảm 20%. Việc tỷ giá hối đoái giữa đồng Won và USD giảm mạnh khiến các hãng có thể bán hàng hóa với giá rẻ hơn ở thị trường toàn cầu.
Theo tìm hiểu của tờ Korea Times, quả thực các mẫu xe Hyundai, Kia và Genesis tại Hàn Quốc hiện có thời gian giao xe cho khách khá dài. Theo đó, khách hàng mua 26 mẫu xe của 3 thương hiệu này sẽ phải chờ đến tận 30 tháng, tăng đến 19 tháng so với thời điểm đầu năm nay.
|
Nhiều khách hàng tại Hàn Quốc cho rằng tập đoàn Hyundai ưu tiên thị trường nước ngoài hơn để tận dụng việc tỷ giá hối đoái.
|
Ví dụ, Kia K3 và K5 có thời gian giao xe khoảng 3-5 tháng. Một số phiên bản của Kia K5, K8 và Sorento Hybrid có thời gian giao xe 8,5 tháng. Trong khi đó, khách hàng mua Hyundai Avante, Sonata, Grandeur và Santa Fe sẽ phải chờ khoảng 6 - 20 tháng mới được giao xe.
Một lãnh đạo của tập đoàn Hyundai đã phủ nhận thông tin ưu tiên thị trường nước ngoài. Theo vị này, đứt gãy chuỗi cung ứng là hiện tượng toàn cầu. "Không chỉ khách hàng Hàn Quốc mà người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài cũng đều bị giao xe chậm. Thông tin chúng tôi ưu tiên khách hàng nước ngoài hơn người tiêu dùng trong nước là sai sự thật", vị này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo này, xe càng cao cấp thì càng đòi hỏi nhiều chip bán dẫn và những bộ phận liên quan: "Dù là ôtô điện hay xe hybrid, những mẫu xe đời mới nhất đều cần đến chip và các phụ tùng mới nhất. Chúng tôi phải mất thời gian để mua những linh kiện này. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để đáp ứng nhu cầu mua xe mạnh của những khách hàng đã chọn mua xe của chúng tôi".
|
Không chỉ khách hàng Hàn Quốc mà người tiêu dùng ở thị trường nước ngoài cũng đều bị giao xe chậm. |
Không chỉ riêng Hàn Quốc, khách hàng ở những thị trường khác như Nhật Bản cũng phải "chờ dài cổ" mới có thể nhận xe. Ví dụ như cặp đôi Toyota Land Cruiser và Lexus LX 600 2022 đều có thời gian giao xe lên đến 4 năm. Hiện Toyota cũng đã ngừng nhận đặt hàng 2 mẫu xe này ở thị trường nội địa.
Trong khi đó, tại Việt Nam, nhiều mẫu xe cũng rơi vào tình trạng khan hàng, kéo theo hiện tượng "bán bia kèm lạc" tại đại lý. Cụ thể hơn, khách hàng Việt Nam khi mua một số mẫu xe sẽ phải chi thêm tiền mua phụ kiện nếu muốn nhận xe sớm. Ví dụ như Ford Everest 2022 với mức "lạc" gần trăm triệu đồng. Ford Ranger 2022 cũng không thua kém khi kèm "lạc" 70 triệu đồng. Cá biệt có trường hợp của Toyota Land Cruiser 2022 từng với mức "lạc" lên đến 1,3 tỷ đồng, đủ để mua một chiếc Camry mới.
Thảo Nguyễn