Mới đây, Bộ Tài chính đã trình lên Thủ tướng Chính phủ văn bản số 14246/BTC-CST báo cáo về việc thực hiện chính sách miễn giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp dưới tác động của đại dịch Covid-19. Trong đó, để hỗ trợ ngành sản xuất ôtô, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP vào ngày 28/6/2020 áp dụng mức lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP ban hành ngày 21/2/2020 về lệ phí trước bạ ôtô.
|
Văn bản số 14246/BTC-CST của Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, đi kèm một số kiến nghị liên quan đến đường lối thực hiện trong năm 2021. |
Theo đó, Nghị định 70/2020/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021 và theo ước tính của Bộ Tài chính, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô nội địa làm giảm thu ngân sách Nhà nước tới khoảng 3.700 tỷ đồng. Trong văn bản báo cáo, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh đây là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng trong nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đồng thời trong quá trình áp dụng, Đại sứ quán một số nước như Thái Lan, Indonesia và Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCharm) đã kiến nghị tới Bộ Tài chính về việc phân biệt đối xử giữa ôtô sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Do đó, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ không tiếp tục xem xét kéo dài thời hạn áp dụng Nghị định 70/2020/NĐ-CP sang năm 2021.
Như vậy, nếu Nghị định 70/2020/NĐ-CP không được kéo dài sang năm sau, người dùng Việt sẽ chỉ còn hơn 1 tháng để kịp hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô nội địa. Hiện tại, một số mẫu xe đang lâm vào tình trang khan hàng do sức mua lớn đến từ người dùng, ví dụ điển hình như Mercedes-Benz GLC hay VinFast Fadil. Thậm chí, một số mẫu xe rục rịch ra mắt phiên bản mới như Honda City cũng có thể gặp ảnh hưởng về sức bán do chưa rõ có khả năng giao xe cho khách kịp trong năm nay hay không.
Thảo Nguyễn