Lợi ích, ưu điểm khi sử dụng ôtô điện kinh doanh taxi tại Việt Nam

Google News

Để làm rõ hơn về những lợi ích, ưu điểm của xe điện đối với hoạt động kinh doanh vận tải, mới đây Báo Giao thông tổ chức tọa đàm với chủ đề "Xu hướng sử dụng xe điện kinh doanh taxi tại Việt Nam".

Tại Việt Nam, kinh doanh vận tải taxi công cộng bằng ôtô điện là mô hình mới, có bước phát triển đột phá trong hai năm qua, giúp giảm phát thải đối với các hãng taxi, từng bước thay thế đội xe chạy xăng, thúc đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi toàn bộ taxi chạy xăng sang xe điện vào năm 2030. Đây cũng là mốc thời gian được nêu tại Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Loi ich, uu diem khi su dung oto dien kinh doanh taxi tai Viet Nam
Toàn cảnh buổi tọa đàm. 
Hai năm qua, thị trường gọi xe Việt Nam có diễn biến bất ngờ khi taxi điện nhãn hiệu Xanh SM ra mắt, chỉ sau một năm đã vươn lên đứng thứ hai thị phần gọi xe. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), tính đến hết năm 2023, chỉ sau 7 tháng kể từ khi chính thức khai thác, hãng taxi điện này đã đạt 70 triệu km di chuyển xanh, giúp giảm phát thải 13,4 triệu kg CO2, tương đương việc trồng mới hơn 600.000 cây xanh. Sau một thời gian trải nghiệm, người dân ở nhiều thành phố đã bắt đầu quen và hào hứng với việc sử dụng dịch vụ taxi điện.
Nhiều hãng taxi truyền thống đang từng bước chuyển đổi dàn phương tiện từ xe xăng sang xe điện, như taxi MaiLove (Nghệ An), taxi Én Vàng (Hải Phòng), taxi Lado (Lâm Đồng), taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)... đã đầu tư từ vài trăm đến hàng nghìn xe ôtô điện mới với phương thức đầu tư đa dạng, từ mua, thuê hoặc thuê mua xe điện.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô (Đại học Bách khoa Hà Nội), xe điện có nhiều lợi thế khi sử dụng để kinh doanh vận tải khi chi tiết cấu thành ít hơn xe dùng động cơ đốt trong. Xe điện không có hộp số, mô tơ điện cũng bền hơn động cơ đốt trong, không cần thay dầu, thay lọc gió, lọc dầu… Do đó, chi phí bảo trì, bảo dưỡng ô tô điện cũng giảm nhiều.
Loi ich, uu diem khi su dung oto dien kinh doanh taxi tai Viet Nam-Hinh-2
Taxi điện ngày càng được nhiều người lựa chọn vì giảm tiếng ồn và giảm ô nhiễm môi trường. 
Trong khi đó, công nghệ pin ôtô điện phát triển nhanh chóng. Xe điện do VinFast sản xuất cam kết bảo hành pin 7 năm và có chính sách cho thuê pin. "Như vậy, toàn bộ rủi ro về pin nhà sản xuất đã chịu trách nhiệm. Tài xế taxi điện hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng" - ông Phúc nhận định. Theo ông Nguyễn Văn Định - chủ tịch HĐQT Công ty taxi Én Vàng (Hải Phòng), trong quá trình sử dụng xe điện làm taxi cho thấy 1km lăn bánh có chi phí 400 - 600 đồng, xe xăng tốn 1.200 - 1.600 đồng.
Xe điện có chi phí bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20 - 30% so với xe xăng. Do chính sách thuê pin cộng với chi phí tiết kiệm nên tài xế xe điện có lợi 3 - 4 triệu đồng/tháng so với xe xăng.
Theo PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, doanh nghiệp taxi chuyển đổi sang xe điện có lợi khi giảm chi phí nhiên liệu, chi phí bảo trì, bảo dưỡng xe. Còn Nhà nước được lợi khi đã cam kết cắt giảm CO2 theo Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Mặt khác, theo quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành giao thông vận tải, từ năm 2030 toàn bộ taxi thay thế, đầu tư mới phải sử dụng điện, năng lượng xanh; đến năm 2050 toàn bộ xe buýt, taxi sử dụng điện, năng lượng xanh. Do vậy, doanh nghiệp tiên phong sử dụng xe điện đang góp công lớn trong thực hiện cam kết của Chính phủ thì phải sớm được hưởng chính sách hợp lý. Doanh nghiệp thấy được chính sách hỗ trợ để kinh doanh có lãi sẽ sẵn sàng chuyển đổi sang xe điện.
>>> Xem thêm video: Định danh biển số thế nào khi một người sở hữu nhiều ô tô, xe máy
  
Thảo Nguyễn