Trong những năm gần đây, rất nhiều bệnh phát sinh mà nguyên nhân gây ra bởi khói bụi và tình trạng ô nhiễm không khí. Một số người thậm chí đã tử vong vì sống trong những ngôi nhà có quá nhiều formaldehyd, một loại hóa chất dễ bay hơi được dùng phổ biến trong các ngành công nghiệp. Chất lượng không khí đã dần trở thành một trong những vấn đề trọng tâm, góp phần tạo nên cơn sốt về mặt nạ, khẩu trang và máy lọc không khí. Nhưng nhiều người không biết rằng ô tô, phương tiện đi lại phổ biến hàng ngày, mới chính là nơi bị ô nhiễm nặng nhất.
Nguồn ô nhiễm "bẩm sinh"
Nguồn không khí ô nhiễm trong ôtô đến từ hai khía cạnh. Thứ nhất là chất kết dính được sử dụng trong quá trình lắp ráp ôtô và thứ hai là sơn được sử dụng trong các phụ kiện nội thất. Đây là thủ phạm chính trong việc giải phóng khí độc. Ngoài ra, bản thân chiếc xe cũng có thể phát tán carbon dioxide và carbon monoxide từ động cơ, với nồng độ cao và có khả năng đe dọa đến tính mạng con người.
Thêm vào đó, do không gian bên trong xe hẹp và kín gió, nồng độ khí độc càng cao hơn so với các nguồn ô nhiễm không khí bên ngoài.
|
Hiện đại và sang trọng nhưng xe hơi cũng có thể là chiếc quan tài đang bao bọc lấy bạn. |
Giải pháp chống ô nhiễm không khí cho xe hơi
Cách tốt nhất để loại bỏ ô nhiễm không khí trên xe hơi tất nhiên là mở cửa sổ. Nhưng, thông gió bằng cửa sổ rõ ràng là không đủ để đáp ứng trong tất cả các trường hợp. Trong mùa hè nóng bức, không khí nóng thổi hầm hập bên ngoài, cùng với khói bụi khiến việc mở cửa sổ đôi khi bất khả thi. Trong mùa đông lạnh giá, thậm chí nhiều người còn ngại mở điều hòa không khí để thổi gió nóng.
Nhưng chắc chắn phải có ai đứng ra giải quyết vấn đề này đúng không? Có, có rất nhiều nhà sản xuất phụ kiện xe hơi muốn đứng ra đảm nhận việc này. Họ thường quảng cáo về các loại máy lọc không khí gắn trên xe, có thiết kế giống như máy lọc không khí trong nhà bạn, tuyên bố rằng nó có thể làm sạch không khí bên trong xe, đảm bảo sức khỏe của người sử dụng. Nhưng máy lọc không khí trên ôtô có thực sự hữu ích hay không?
80% máy lọc không khí cho xe hơi là vô dụng
Đầu tiên cần nói tới nguyên tắc hoạt động của máy lọc không khí. Máy lọc không khí thường bao gồm hai phần, phần động cơ và bộ lọc. Trong quá trình vận hành, động cơ hút không khí bẩn vào máy lọc, sau đó không khí đi qua bộ lọc, chất gây ô nhiễm bị hấp thu và luồng khí này sau đó được thổi ra ngoài.
Với máy lọc không khí trong gia đình thì động cơ càng khỏe, lượng không khí bị hút vào càng lớn, giá trị CADR càng cao. CADR là viết tắt của "clean air delivery rate" (Tạm dịch: Tỉ lệ phân tán không khí sạch). Đại lượng vật lý này là thước đo tốc độ của máy lọc có thể cung cấp không khí sạch. Giá trị CADR càng lớn, hiệu quả lọc của máy lọc không khí càng cao. Tiếp đó bộ lọc càng cao cấp, độ sạch sau quá trình lọc càng lớn. Nếu lượng than hoạt tính trong bộ lọc càng nhiều, khí độc hại có thể bị hấp phụ cũng càng nhiều.
Nhưng đối với máy lọc không khí dành cho ôtô, vì không gian bên trong xe rất nhỏ và không cần tốc độ lọc quá nhanh, sự phụ thuộc vào động cơ hút không lớn lắm. Do đó, điều quan trọng nhất là bộ lọc. Nhưng đây cũng chính là nguyên nhân khiến 80% máy lọc không khí cho xe hơi là vô dụng.
Tại sao lại nói vậy? Cũng chính bởi kích thước của máy lọc trên xe hơi bị hạn chế, bộ lọc thường rất nhỏ. Với một bộ lọc nhỏ hẹp, hàm lượng than hoạt tính cũng như các lớp lưới lọc sẽ không cao, không nhiều. Nó sẽ tạo ra một vấn đề gọi là bão hòa và ô nhiễm thứ cấp.
Hiện tượng bão hòa và ô nhiễm thứ cấp là gì?
Khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm của các bộ lọc không khí, ví dụ như lớp than hoạt tính, là vô cùng hạn chế. Đối với các khí độc hại như formaldehyd và benzen, than hoạt tính không thể phân hủy các khí độc hại này. Tất cả những gì nó có thể làm là hấp phụ. Than hoạt tính có hiệu quả tốt nhất trong việc hấp phụ benzen và loại bỏ mùi hôi. Còn đối với formaldehyd, hiệu quả của nó có, nhưng không nhiều. Và nếu diện tích của lớp lưới lọc này càng nhỏ, hiệu quả mang lại càng thấp.
Hơn nữa, sự hấp phụ cũng giống như ăn. Khi bạn no, bạn không thể ăn nữa. Tương tự như vậy, khi sự hấp phụ của than hoạt tính đã bão hòa, nó không còn có thể tiếp tục hấp thụ formaldehyd nữa. Ngược lại, nó sẽ từ từ giải phóng formaldehyd đã bị hấp phụ .... gây ra sự ô nhiễm thứ cấp.
So sánh thực nghiệm hai loại máy lọc không khí
Zol, chuyên trang tiếng Trung về đồ điện tử gia dụng đã tiến hành so sánh thử nghiệm hay nhãn hiệu máy lọc không khí khá nổi tiếng ở Trung Quốc, để thực hiện phép đo hiệu quả thanh lọc. Để tránh sự nghi ngờ về quảng cáo sản phẩm, logo các thương hiệu đã bị ẩn đi.
|
Tạm đặt tên hai sản phẩm là A và B, được mua trực tuyến từ trang thương mại điện tử JD. |
Trong thử nghiệm, chiếc xe hơi ban đầu được mở hết cửa, thông gió trong 5 phút, sau đó đóng tất cả cửa sổ. Sau nửa giờ, chất lượng không khí bên trong xe đã tương đối ổn định, ở mức PM1.0 = 20μg/m 3; PM2,5 = 31 g/m 3; PM10 = 35 g/m 3; formaldehyd = 0,02 mg/m 3. Đây được xác định là giá trị tiêu chuẩn.
|
Chất lượng không khí ở trạng thái ổn định trong xe. |
Sau đó, máy lọc không khí A được đặt trong xe 10 phút, quan sát sự thay đổi về giá trị. Tiếp đó mở lại tất cả các cửa sổ trong 5 phút, sau đó lại đóng cửa sổ trong nửa giờ để môi trường không khí trở về mức ổn định, rồi tiếp tục sử dụng máy lọc không khí B. để thử nghiệm. Chúng tôi đã nhận được kết quả sau đây. Dưới đây là kết quả:
|
Chất lượng không khí thu được khi sử dụng máy lọc A và B rất khác nhau. |
Tại sao lại có kết quả chênh lệch khác biệt đến như vậy?
Để tìm hiểu nguyên nhân, hãy cùng tìm ra sự khác biệt giữa hai loại máy lọc không khí trên xe hơi này.
Đầu tiên, hãy nhìn vào kích thước bộ lọc, bao gồm diện tích và độ dày. Bộ lọc càng nhiều "nếp nhăn", diện tích bề mặt càng lớn, nó sẽ càng dày và nặng và càng có nhiều thứ có thể bị hấp phụ và lọc. Đi kèm với đó là ngưỡng bão hòa càng tăng, khả năng ô nhiễm thứ cấp cũng giảm. Kết quả là thời gian sử dụng tăng nhưng đi kèm cũng là chi phí tương ứng tăng theo.
|
Bộ lọc của máy B có diện tích tiếp xúc lớn hơn so với bộ lọc máy A.
|
|
Độ dày bộ lọc B gấp đôi bộ lọc A. |
Tiếp đó là so sánh chỉ số CADR.
Giá trị CADR là một tham số quan trọng trong việc đánh giá các sản phẩm máy lọc không khí. Đơn vị của CADR là m3/h. Giá trị CADR càng cao, càng nhiều không khí được lưu thông trên mỗi đơn vị thời gian, vì vậy thông số này rất quan trọng.
|
So sánh chỉ số CADR của máy lọc A và B. |
Máy lọc không khí trên ôtô mà có giá trị CADR thấp là thiết bị vô dụng. Như bảng trên thì máy lọc A có khả năng lọc formaldehyd tốt hơn máy B, nhưng không nhiều. Còn khả năng lọc bụi, như bụi PM2.5 là thua kém rất xa.
Để tính toán thì nếu máy lọc không khí có CADR là 9, tương đương với việc nó có thể được lọc được 9m3 không khí mỗi giờ. Không gian trên ô tô giả định là khoảng 3 mét khối, như vậy trong một giờ, không khí trên xe được thanh lọc ba lần và thời gian cần thiết để thanh lọc là 60/3 = 20 phút.
Khái niệm 20 phút trên ô tô là gì? Nghĩa là có thể bạn đã di chuyển xong quãng đường mà thiết bị vẫn chưa hoàn thành xong một chu kỳ lọc. Do đó, giá trị CADR của máy lọc không khí ôtô càng cao càng tốt. Tất nhiên hãy nhớ rằng có hai chỉ số CADR, và máy lọc bụi tốt không có nghĩa là lọc formaldehyd tốt.
Nhưng nói một cách đơn giản, hãy luôn chọn thiết bị có chỉ số CADR cao. Càng cao càng tốt.
Vậy ngoài bộ lọc và các chỉ số, bạn còn cần điều gì khi chọn mua máy lọc không khí cho xe ôtô nữa? Đó chính là chức năng, hay tính năng của thiết bị.
Bạn phải kiểm tra xem thiết bị có chức năng nhắc nhở thay thế bộ lọc hay không. Nếu không có tính năng lời nhắc thay bộ lọc, nó cuối cùng cũng biến thành một cỗ máy sản xuất chất độc thứ cấp mà thôi. Chưa kết tới việc, nếu không thay bộ lọc kịp thời, thiết bị có thể tạo ra mùi axit. Nó có mùi chua khá gắt và khó chịu, tạo ra từ chính vi khuẩn cư trú bên trong bộ lọc.
Tóm tắt lại thì khi mua máy lọc không khí cho xe ôtô, hãy chú ý đến ba điểm nêu trên. Mặc dù chúng không thể đảm bảo rằng bạn sẽ mua được một thiết bị hoàn hảo, nhưng ít nhất nó vẫn đảm bảo rằng các sản phẩm bạn mua là có tác dụng nhất định, và hữu ích.
Nhưng một lần nữa hãy chú ý rằng, trong thử nghiệm ở trên, việc loại bỏ formaldehyd không có tác dụng rõ ràng. Vì vậy, nếu điều kiện cho phép, hãy mở cửa sổ để thông gió cho chiếc xe và sức khỏe của bạn.
Phương Thảo (TH)