Khi mua xe ôtô mới, tất cả chúng ta đều cân nhắc khá nhiều yếu tố để đưa ra lựa chọn xe mới phù hợp nhất với nhu cầu của mình. Trong khi một bộ phận chọn xe rộng rãi, khoang hành lý rộng thì số khác lại rất quan tâm đến các công nghệ tiện ích như điều hòa hay âm thanh cao cấp.
Tuy nhiên, có một sai lầm mà khá nhiều khách hàng mua xe mắc phải chính là không chú ý đến các công nghệ an toàn ôtô vốn cần được ưu tiên. Vậy đâu là những công nghệ an toàn cần có trên một chiếc xe ôtô đời mới hiện nay mà khách hàng nên lưu ý khi mua xe nhằm đảm giảm thiểu khả năng xảy ra tai nạn cũng như giúp phần nào bảo vệ người dùng khi đi đường?
|
Khi mua xe, người dùng nên chú ý chọn mua các mẫu xe được trang bị các công nghệ an toàn như túi khí, phanh ABS, hệ thống cân bằng điện tử... |
Túi khí
Từ năm 1998, túi khí chính thức trang bị tiêu chuẩn bắt buộc phải có trên xe. Ngày nay, công nghệ túi khí hiện đại đến mức có thể nhận diện cân nặng và vị trí của tài xế hay hành khách ngồi ở ghế trước. Tính năng này rất quan trọng bởi nó có thể giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương cho tài xế cũng như hành khách.
|
Từ năm 1998, túi khí chính thức trang bị tiêu chuẩn bắt buộc phải có trên xe ôtô |
Ngoài túi khí phía trước, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng túi khí hai bên thân xe cũng là trang bị cần có trên xe nhằm đảo bảo an toàn cho hành khách. Trong đó túi khí có khả năng bảo vệ cả đầu lẫn ngực có hiệu quả giảm chấn thương cao hơn so với túi khí chỉ bảo vệ vùng ngực của hành khách.
Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS)
Tương tự như túi khí, công nghệ chống bó cứng phanh ABS cũng trở thành trang bị tiêu chuẩn bắt buộc trên xe ô tô trong những năm 90 của thế kỷ trước. Vai trò của phanh ABS là hỗ trợ tài xế dừng xe trong quãng đường ngắn nhất, đồng thời tránh tình trạng khóa cứng phanh khi tài xế đạp chết phanh, khiến xe bị trượt bánh hoặc mất lái. Nói cách khác, ABS sẽ hỗ trợ cho tài xế kiểm soát việc đánh lái xe tốt hơn, ngay cả khi xe đang phanh nhằm giảm thiểu nguy cơ tai nạn cho đạp chết phanh bất ngờ.
Hệ thống cân bằng điện tử (ESC)
Sau năm 2012, hệ thống cân bằng điện tử trở thành trang bị tiêu chuẩn cần có trên xe để được bán ra tại một số thị trường. ESC sử dụng hệ thống các cảm biến tính toán nhằm giúp tránh nguy cơ trượt ngang hoặc lật xe. Hệ thống cân bằng điện tử đặc biệt cần thiết trên các mẫu xe cao như SUV hay bán tải.
Hệ thống giám sát áp suất lốp
Nếu bạn chưa biết, lốp xe là một trong những trang bị quan trọng nhất trên xe ôtô do bộ phận này phụ trách chịu tải toàn bộ chiếc xe, giúp xe bám đường tốt hơn. Là trang bị quan trọng nhưng lốp xe lại là thứ dễ hỏng hóc nhất khi đi đường. Dị vật trên đường hay sự thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến lốp xe xuống hơi, giảm áp suất, dẫn đến việc lốp xe nhanh mòn và dễ nổ.
Vì vậy, việc giám sát áp suất lốp định kỳ và ngẫu nhiên sẽ giúp tài xế biết được tình trạng của bộ lốp xe nhằm khắc phục kịp thời khi lốp xe bị giảm áp. Từ đó tăng cao khả năng vận hành của xe cũng như đảm bảo an toàn cho người lái và hành khách khi đi đường.
Hệ thống đèn pha thích ứng
Gần một nửa số vụ tai nạn giao thông hiện nay đều xảy ra về đêm khi điều kiện sáng yếu. Hệ thống đèn pha thích ứng sẽ tự điều chỉnh đèn dựa trên tốc độ, hướng đánh lái và độ cao bố trí đèn nhằm mang đến cho tài xế tầm nhìn tốt nhất có thể cũng như tăng mức độ nhận diện cho xe với các phương tiện tham gia giao thông khác trên đường.
Hệ thống cảnh báo điểm mù
Khá nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra với nguyên nhân chủ yếu do tài xế không thể nhìn được phương tiện hoặc vật cản nằm ở điểm mù của xe. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo điểm mù với tập hợp cảm biến rađa hoặc camera giám sát có thể nhận biết hoặc hỗ trợ tầm nhìn cho tài xế về phương tiện hoặc vật cản nằm ở điểm mù của xe.
Hiện nay, một số hệ thống cảnh báo điểm mù còn được tích hợp tính năng cảnh báo bằng âm thanh cho tài xế khi có xe ở điểm mù, hoặc tự bật đèn xinhan khi tài xế chuyển làn và có phương tiện phía sau nằm ở điểm mù.
Hệ thống tránh va chạm
Hệ thống tránh va chạm là công nghệ mới tích hợp các hệ thống cảm biến rađa hoặc camera nhằm nhận diện vật cản hoặc phương tiện khác đi vào đường đi của xe. Trong trường hợp có phương tiện khác bất ngờ đi vào hướng di chuyển của xe, hệ thống tránh va chạm này sẽ tự động sử dụng phanh nếu tài xế không kịp phản ứng.
Hiện tại nhiều nhà sản xuất xe đã trang bị công nghệ này trên các sản phẩm của mình với các tên gọi khác nhau, nhưng có cùng tính năng. Ngoài ra, các công nghệ như cảnh báo va chạm trước, phanh tự động khẩn cấp, cảnh báo chuyển làn, hỗ trợ giữ làn đường, cảm biến điểm mù hay hỗ trợ đỗ xe đều có thể giúp giảm nguy cơ gây tai nạn cho người dùng.
Trên đây là các công nghệ cần và nên có trên xe ôtô để giúp việc điều khiển xe trở nên an toàn hơn. Dù vậy, nhằm đảm bảo an toàn tối đa khi tham gia giao thông, người lái xe cũng cần chú trọng việc lái xe an toàn, luôn chú ý và đề phòng bất kỳ tình huống bất ngờ nào xảy ra trên đường.
Thảo Nguyễn