Thực tế, tỷ lệ thu hồi xe lỗi luôn chỉ đạt mức dưới 50% lại là một con số đáng giật mình. Theo Cục Đăng kiểm, ngay như năm 2013, thời điểm tần suất xuất hiện các chiến dịch triệu hồi dày đặc, thì kết quả mà các hãng xe ghi nhận cũng chỉ đạt khoảng 20%.
Số liệu tổng hợp từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh và Bộ Công thương đều cho thấy, hiệu quả của hầu hết các chương trình thu hồi với tổng lượng xe lỗi lên đến hàng trăm nghìn chiếc, đều ở mức rất thấp.
|
Số lượng khách hàng mang xe đến kiểm tra và sửa chữa miễn phí rất thấp. |
Lấy ngay ví dụ về xe Toyota, sau hai năm tiến hành thu hồi hơn 66 nghìn chiếc Innova và Fortuner (từ tháng 4/2011 đến giữa năm 2013), số lượng khách hàng của Toyota mang xe đến kiểm tra và sửa chữa miễn phí cũng chỉ đạt 18%.
Một ví dụ đạt hiệu quả thấp nữa từ VinaStar, đơn vị phân phối chính thức xe Mitsubishi ở Việt Nam. Đợt thu hồi lỗi nứt tay đòn treo và rò rỉ nhiên liệu trên hai dòng xe Pajero Sport và Triton chỉ đạt dưới 10%, dù 2 lỗi này khá nghiêm trọng.
|
Người tiêu dùng Việt Nam không mấy mặn mà với việc đưa xe đi kiểm tra và khắc phục lỗi. |
Nguyên nhân được viện dẫn là do người tiêu dùng Việt Nam không mấy mặn mà với việc đưa xe đi kiểm tra và khắc phục lỗi (nếu có) dù đã nhận được khuyến cáo kịp thời.
Tâm lý chủ quan hay nói đúng hơn là thiếu thông tin cũng như kiến thức cơ bản về sử dụng xe thấp ở bộ phận người tiêu dùng có thể là nguyên nhân. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, các chiến dịch thu hồi sản phẩm cũng ôtô, xe máy trong nước chỉ được nói đến nhiều trong vài năm trở lại đây, nhất là từ sau vụ việc lùm xùm của kỹ sư Tạch với Toyota Việt Nam.
Nguyễn Anh