Ôtô thành phẩm, DN ôtô Việt nội địa bao nhiêu %?

Google News

Sản phẩm của các doanh nghiệp ô tô Việt sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô thường đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp.

Theo kỹ sư cơ khí ô tô Vũ Tấn Công – Thư ký Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), nền công nghiệp sản xuất vật liệu yếu kém (công nghiệp luyện kim, công nghiệp sản xuất vật liệu phi kim loại…) là nguyên nhân chính làm cho công nghiệp sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô chỉ đơn thuần là gia công.
O to thanh pham, DN o to Viet noi dia bao nhieu %?
 
Giá trị gia tăng thấp, hạn chế thu hút đầu tư nước ngoài là những vấn đề của ngành sản xuất chi tiết tổng thành ô tô của Việt Nam hiện nay.
Nhỏ bé – giá trị thấp
“Nhỏ bé” là tính từ mà ông Công lặp đi lặp lại để mô tả về ngành sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô VN. Theo đó, các sản phẩm đa số chỉ để đáp ứng các nhà sản xuất ô tô trong nước và “rất khó” để xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường khu vực.
Thống kê cả nước, hiện chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp ô tô Việt quy mô nhỏ trong ngành công nghiệp sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô. Các sản phẩm làm ra thường rất đơn giản với hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ nội địa hóa của ô tô sản xuất trong nước rất thấp.
Các chi tiết – tổng thành ô tô sản xuất trong nước hiện chỉ có: ghế và kính bên cạnh, nhíp cho ô tô thương mại, cản trước và sau, một số chi tiết nội thất, bó dây điện cho ô tô du lịch, ắc quy, lốp và lọc khí – lọc dầu cho tất cả các loại xe.
Trong đó, do quy mô thị trường ô tô Việt Nam quá nhỏ bé, không đủ lớn để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ô tô thực hiện đầu tư.
Quá nhiều chủng loại xe với sản lượng thấp của từng chủng loại cũng khiến cho việc nội địa hóa rất khó khăn.
Theo đó, các nhà sản xuất ô tô trong nước đầu tư vào công nghiệp sản xuất chi tiết – tổng thành ô tô chỉ “đếm được trên đầu ngón tay”: CTCP Ô tô Trường Hải, Toyota Việt Nam, CTCP Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), TCT Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor) và TCT Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM).
Những việc cần làm ngay
Theo Thư ký VAMA đề xuất, Việt Nam cần phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu đáp ứng được với nhu cầu ngành công nghiệp chi tiết - tổng thành ô tô dựa trên các vật liệu thô có sẵn tại Việt Nam như: luyện hợp kim nhôm, luyện chất dẻo, cao su, vật liệu phi kim loại, luyện thép đặc biệt, luyện găng, sản xuất kính, kim loại màu…
Cụ thể như phát triển luyện hợp kim nhôm dựa trên quặng nhôm có sẵn để chế tạo các chi tiết như pít tông động cơ, thân và nắp động cơ xăng, thân bơm nước, vỏ hộp số ô tô du lịch, ống két nước – két dầu, lá răng nhôm…
Hoặc sản xuất vật liệu cao su (lấy từ nguồn cao su sẵn có và sản phẩm phụ của nhà máy lọc dầu Dung Quất) để chế tạo các chi tiết nội thất, gioăng thân xe, các ống dẫn khí nén, dầu, phớt động cơ - hộp số - cầu xe, ghế, quạt gió, dây đai (cua roa) tấm ma sát của bộ côn (ly hợp), má phanh, lọc khí, lọc dầu, lọc nhiên liệu…
Ngoài ra, VAMA cũng đề xuất thành lập 3 cụm công nghiệp hỗ trợ ô tô ở Hải Phòng, Quảng Nam - Đà Nẵng và Đồng Nai - TP.HCM - Bình Dương.
Các khu vực trên đều gần cảng biển, có thể hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu và cung ứng chi tiết – tổng thành ô tô cho các nhà sản xuất trong nước.
VAMA đề nghị cần đồng thời giảm tối đa chi phí sản xuất, logistics (vận chuyển), phí thủ tục hành chính hải quan, thuế, ngân hàng giúp nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trong nước.
Có chính sách và cơ chế ưu đãi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ ô tô như thu xếp tín dụng (thủ tục đơn giản hơn - thời hạn tín dụng nên kéo dài từ 7 - 10 năm); ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; hỗ trợ về đào tạo; đơn giản hóa thủ tục hải quan, thuế; cho phép nhập máy móc đã qua sử dụng; miễn toàn bộ thuế nhập khẩu cho máy móc dùng để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô.
Đồng thời, VAMA cũng đề xuất Chính phủ tập trung bảo đảm tính công bằng trong việc tính thuế tiêu thụ đặc biệt giữa ô tô sản xuất trong nước dạng CKD (xe lắp ráp trong nước với 100% linh kiện được nhập khẩu) và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc dạng CBU (xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về VN); hỗ trợ một phần chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp trong nước và giảm đến mức thấp nhất các phí - thuế đăng ký ô tô.
Theo TTVN