Video: Lý do các hãng xe hơi đang theo đuổi loại pin này.
Trong thông báo mới nhất, Toyota cho biết họ đã được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cấp chứng nhận cho phép sản xuất hàng loạt pin thể rắn Toyota thế hệ mới, có nhiều ưu điểm vượt trội. Chứng nhận này cho phép Toyota sản xuất pin thể rắn tại những công ty con là Prime Planet Energy Solution và Primeearth EV Energy.
Theo Toyota, loại pin thể rắn đem lại lợi ích rất đáng kể cho người dùng khi thời gian sạc từ khi cạn sạch đến lúc đầy 100% pin chỉ mất khoảng 10 phút, tức là lâu hơn một chút so với thao tác đổ xăng/dầu truyền thống, nhưng nhanh hơn rất nhiều các loại pin li-ion và LFP (dùng chất điện phân dạng lỏng) hiện nay. Tầm di chuyển, tính theo WLTP, cũng sẽ đạt được ít nhất là 1.000 km.
|
Pin thể rắn cho ôtô điện chạy được tới 1.000 km của Toyota. |
Lộ trình ra mắt pin xe điện mới của Toyota công bố cho thấy loại họ đang dùng cho mẫu bZ4X là pin li-ion với thời gian sạc nhanh 30 phút và tầm di chuyển chỉ 500 km. Hãng Nhật có kế hoạch giới thiệu bản nâng cấp “Performance” cho pin li-ion vào năm 2026, cải thiện thời gian sạc pin xuống 20 phút và nâng tầm di chuyển lên 800 km, đồng thời giảm chi phí khoảng 20%.
Song song đó, Toyota dự kiến cho ra mắt loại pin LFP được hãng gọi là “Popularisation” vào khoảng 2026-2027, hướng đến việc phổ biến xe điện nhớ chi phí giảm tới 40% so với pin của bZ4X, thời gian sạc nhanh vẫn chỉ 30 phút nhưng tầm di chuyển lên tới hơn 600 km. Tiếp đến, vào khoảng 2027-2028, hãng sẽ giới thiệu pin li-ion “High-Performance”, rẻ hơn 10% so với pin “Performance” trong khi thời gian sạc giảm xuống còn 20 phút và tầm di chuyển tăng lên hơn 1.000 km.
2027-2028 cũng sẽ là khoảng thời gian dự kiến để Toyota bắt đầu sản xuất pin thể rắn thế hệ mới. Ngoài ra, hãng còn muốn cải thiện hiệu quả của loại pin thể rắn này thêm nữa, để mang lại phạm vi di chuyển hơn 1.200 km trong một lần sạc, tuy nhiên đó là chuyện của tương lai xa hơn và chưa có lộ trình cụ thể.
|
Việc Toyota được Nhật Bản bật đèn xanh sản xuất pin xe điện có thể là một bước tiến lớn khi quốc gia này thể hiện rõ quan điểm muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. |
Trước đó, Toyota từng kỳ vọng có thể ra mắt xe điện chạy bằng pin thể rắn vào năm 2020, nhưng khi đó loại pin này chưa đủ hoàn thiện nên hãng đã trì hoãn cho đến nay. Thực tế, Toyota đã tuyên bố đạt được đột phá hồi tháng 6/2023, nhưng chỉ khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua, loại pin này mới có thể đưa vào sử dụng trong thực tế. Do đó, việc được Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản thông qua là một bước ngoặt lớn.
Việc Toyota được Nhật Bản bật đèn xanh sản xuất pin xe điện có thể là một bước tiến lớn khi quốc gia này thể hiện rõ quan điểm muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Theo SNE Research, Trung Quốc vẫn thống trị thị trường pin xe điện toàn cầu. CATL kiểm soát 37,6% thị phần tính đến tháng 7-2024, trong khi BYD đứng thứ hai với 16,1% thị phần.
Một số nguồn tin cho rằng những chiếc xe đầu tiên sử dụng ứng dụng pin thể rắn mới không phải là ôtô thuần điện mà là xe hybrid. Điều này hoàn toàn có cơ sở bởi trang bị pin thể rắn cho xe thuần điện sẽ khiến giá tăng rất cao. Do đó, pin thể rắn với dung lượng nhỏ trên xe hybrid hợp lý hơn cả vì không bị đội chi phí quá nhiều. Tuy nhiên trong tương lai xa hơn, khi chi phí có thể được tối ưu thì pin thể rắn vẫn sẽ xuất hiện trong xe thuần điện.
|
Một số nguồn tin cho rằng những chiếc xe đầu tiên sử dụng ứng dụng pin thể rắn mới không phải là ôtô thuần điện mà là xe hybrid. |
Toyota không phải là hãng sản xuất ô tô duy nhất có kế hoạch đưa pin thể rắn vào ôtô điện. MG thuộc sở hữu của SAIC cho biết họ sẽ ra mắt chiếc xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên chạy bằng pin thể rắn vào năm 2025, qua đó trở thành thương hiệu xe đầu tiên trên thế giới làm được điều này.
Một thương hiệu khác của SAIC, IM Motor, đã tiết lộ L6 có pin bán thể rắn 133 kWh hứa hẹn cung cấp phạm vi hoạt động lên tới 1.083 km (theo chu trình thử nghiệm CLTC của Trung Quốc). Sạc pin chỉ trong 12 phút sẽ đi thêm được 400 km.
Thảo Nguyễn