Nhà kinh tế Carsten Brzeski của Hãng ING cảnh báo, “Nếu doanh số của Volkswagen sụt giảm ở Bắc Mỹ trong những tháng tới thì cả nền kinh tế Đức sẽ gặp rắc rối to”.
Chỉ tính riêng trong năm 2015, hãng xe Volkswagen đã bán ra 9,5 triệu xe trên toàn thế giới, trong đó có gần 600.000 chiếc tại thị trường Mỹ.
Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho biết Volkswagen có thể phải đối mặt với mức phạt lên đến 18 tỉ USD. Hiện Volkswagen có khoản tiền mặt lên đến 24 tỉ USD, nhưng chắc chắn hãng sẽ phải cắt giảm nhân sự hàng loạt.
|
Người ta đang tính đến một mối lo ngại, đó chính là hiệu ứng dây chuyền. |
Với những thiệt hại trên, người ta đang tính đến một mối lo ngại lớn hơn - đó chính là các hãng xe hơi khác ở Đức như Daimler và BMW... cũng sẽ dính hiệu ứng dây chuyền.
Mới đây Chính phủ Đức tuyên bố ngành công nghiệp ôtô vẫn sẽ là trụ cột quan trọng của nền kinh tế bất chấp cuộc khủng hoảng Volkswagen. Tuy nhiên sự phụ thuộc vào ngành ôtô có thể là mối đe dọa đối với nền kinh tế Đức, dự báo sẽ tăng trưởng 1,8% trong năm nay.
“Nếu doanh số xe hơi sụt giảm, hàng loạt nhà cung ứng thiết bị cho ôtô cũng sẽ lao đao và nền kinh tế rơi vào rắc rối” - chuyên gia Martin Gornig của Tổ chức nghiên cứu DIW cho biết.
Năm 2014, gần 775.000 người Đức làm việc trong ngành công nghiệp xe hơi, trong đó Volkswagen tuyển dụng tới 270.000 lao động. Xe hơi và phụ tùng là mặt hàng xuất khẩu thành công nhất của Đức. Tổng doanh số bán hàng trong nước và nước ngoài lên đến 430 tỉ USD, tương đương 14% GDP Đức.
|
Nếu doanh số xe hơi sụt giảm, hàng loạt nhà cung ứng thiết bị cho ôtô cũng sẽ lao đao và nền kinh tế rơi vào rắc rối. |
“Trọng tâm của nền kinh tế Đức bị dính một cú đòn nặng” - nhà kinh tế Michael Huther, chủ tịch Viện IW, nhận định. Chuyên gia Brzeski cho rằng điều mỉa mai lớn nhất là mối đe dọa không đến từ bên ngoài như khủng hoảng Hi Lạp hay kinh tế Trung Quốc suy giảm, mà xuất phát từ một công ty biểu tượng của quốc gia.
Truyền thông quốc tế cũng đánh giá vụ gian lận của Volkswagen sẽ còn ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của ngành công nghiệp sản xuất Đức vốn rất được thế giới tôn trọng và ngưỡng mộ.
Báo Washington Post dẫn lời giáo sư luật Thomas Donaldson của Đại học Pennsylvania (Mỹ) đánh giá cuộc khủng hoảng này có quy mô đối với ngành công nghiệp Đức chẳng kém vụ xì căng đan Watergate đối với chính trị Mỹ.
Nguyễn Anh