Video: Khác biệt giữa diesel 0,001s và 0,05s.
Trong bối cảnh Việt Nam ngày càng siết chặt tiêu chuẩn khí thải phương tiện nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, nhiều hãng xe đã đi trước hoặc đáp ứng nhanh chóng cung cấp các mẫu ôtô đạt chuẩn, nhưng người tiêu dùng vẫn còn đó nỗi lo nguồn cung nhiên liệu sạch chưa đáp ứng đủ nhu cầu - đặc biệt là xe ôtô máy dầu tại Việt Nam.
Xu hướng chung của thế giới về sử dụng nhiên liệu sạch, Việt Nam cũng không ngoài lề
Biến đổi khí hậu cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày một nhiều hơn đã thúc đẩy các nước trên thế giới cùng tìm giải pháp chung tay khắc phục.
Nhiều quốc gia hiện nay đã chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo và nhiên liệu sạch để giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững: phát triển xe điện, sử dụng nhiên liệu sinh học, động cơ hybrid, xe chạy hydrogen… Bên cạnh đó, ngày càng nhiều chính phủ các nước ban hành chính sách khuyến khích và áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn (Mỹ: EPA Tier 4, Châu Âu: Euro 5, Euro 6; TQ: Euro 5).
|
Ngày càng nhiều chính phủ các nước ban hành chính sách khuyến khích và áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn (Mỹ: EPA Tier 4, Châu Âu: Euro 5, Euro 6; TQ: Euro 5). |
Trong tâm thế hội nhập quốc tế, Việt Nam cũng không nằm ngoài lề với các cam kết cải thiện chất lượng môi trường, không khí. Gần đây nhất, tại COP 26 (Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, tổ chức tại Anh năm 2021), Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 5 cho các loại ôtô: Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2011, các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022.
|
Theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/9/2011, các loại xe sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 5 (Euro 5) từ ngày 1/1/2022. |
Nhiên liệu Euro 5 (xăng RON 95-V và dầu DO 0,001S-V) có hàm lượng lưu huỳnh thấp, giảm mạnh các chất gây ô nhiễm như NOx, HC và PM, giúp giảm thiểu khí thải độc hại. Điểm chung của các mẫu xe đạt chuẩn khí thải Euro 5 là đều trang bị thiết bị cảm biến khí thải OBD cũng như các thiết bị lọc khí để làm giảm hàm lượng hạt phát thải gây ô nhiễm (PM) và các khí gây ô nhiễm (CO, HC, NOx) ra ngoài không khí.
Khan hiếm nguồn cung dầu diesel DO 0,001S-V và nỗi lo của người tiêu dùng
Không giống như xăng RON 95-V, hiện nay, nguồn cung dầu DO 0,001S-V rất hạn chế ở Việt Nam, gây khó khăn cho người tiêu dùng, đặc biệt là ở các vùng xa trung tâm.
Theo thống kê, tại TP HCM chỉ có khoảng 70 trạm bán dầu DO 0,001S-V trong tổng số hơn 580 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 12%. Hà Nội có khoảng 76 trạm, trong tổng gần 500 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Cả nước có khoảng 1.200 trạm có bán dầu DO 0,001S-V, trong tổng số 17.000 trạm bán xăng, dầu, chiếm tỷ lệ khoảng 7%.
Thực trạng trên khiến người tiêu dùng lo ngại về việc sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn sẽ ảnh hưởng đến động cơ và các vấn đề bảo hành của xe.
|
Nhiên liệu Euro 5 (xăng RON 95-V và dầu DO 0,001S-V) có hàm lượng lưu huỳnh thấp, giảm mạnh các chất gây ô nhiễm như NOx, HC và PM, giúp giảm thiểu khí thải độc hại. |
Theo Ford Việt Nam, trong trường hợp sử dụng nhiên liệu DO 0,05S-II (Euro 2), với hàm lượng lưu huỳnh cao gấp 50 lần so với Diesel DO 0,001S-V) theo thời gian các cặn lắng bao gồm thành phần lưu huỳnh bao phủ lên bộ Xúc tác DoC làm ngăn cản phản ứng tỏa nhiệt, tức là giải phóng nhiệt qua nó khi ở chế độ đốt muội than. Điều này dẫn đến việc tái tạo ở nhiệt độ thấp, từ đó dẫn đến tốc độ đốt cháy muội than kém (hoặc không đốt được muội than). Hậu quả của việc này là Bộ lọc muội diesel (DPF) không thể được làm thông thoáng, dẫn đến xe bị kẹt ở chế độ tái tạo liên tục hoặc khoảng cách rất ngắn giữa các lần tái tạo.
Ngoài ra, khi xe đời mới dùng nhiên liệu Euro 2 hoặc không đảm bảo chất lượng, động cơ dễ xuất hiện các vấn đề như công suất giảm, máy rung giật, dầu nhớt bên trong giảm tuổi thọ.
Thực tế đã có một số hãng xe đưa ra thông báo buộc người tiêu dùng phải tuân thủ tiêu chuẩn đổ nhiên liệu để bảo vệ an toàn cho động cơ.
Toyota Việt Nam yêu cầu khách hàng ký cam kết bằng văn bản, phải đổ đúng dầu DO 0,001S-V cho xe động cơ diesel tiêu chuẩn Euro 5 để không bị từ chối bảo hành. Những thương hiệu khác như Ford, Mitsubishi, Nissan... không có yêu cầu tương tự, nhưng nếu người dùng đổ dầu không như khuyến cáo, gây hư hỏng các chi tiết liên quan đến động cơ, hãng có thể từ chối bảo hành.
|
Việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là xu hướng tất yếu toàn cầu giúp nâng cao hiệu suất của phương tiện, bảo vệ môi trường và đóng góp vào phát triển bền vững. |
Bên cạnh đó, khi sử dụng nhiên liệu không đạt chuẩn làm tăng lượng khí thải độc hại, xe của người dùng dễ vi phạm quy định về khí thải dẫn đến việc không đạt kiểm định khí thải định kỳ.
Trước thực tế trên, VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam) đã nhiều lần đề xuất chính phủ cải thiện hệ thống cung cấp nhiên liệu sạch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, VAMA và các thương hiệu ô tô như Toyota và Ford đều chủ động triển khai truyền thông trực tiếp tại các đại lý phân phối và trực tuyến trên mạng xã hội về vấn đề sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn.
Việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch là xu hướng tất yếu toàn cầu giúp nâng cao hiệu suất của phương tiện, bảo vệ môi trường và đóng góp vào phát triển bền vững. Tuy nhiên, để hiện thực hóa vấn đề sử dụng nhiên liệu đạt chuẩn tại Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ban, ngành hữu quan; các nhà sản xuất và phân phối ô tô cũng như người tiêu dùng.
Nguyễn Anh