Trong lá thư gửi đến tờ The Hollywood Reporter, đạo diễn James Cameron cùng nhà làm phim lỗi lạc Sherry Lansing, giám đốc hãng phim Paramount và cũng là "mẹ đỡ đầu" của Titanic đã tiết lộ câu chuyện hậu trường khiến không ít người giật mình về những điều mà đoàn làm phim đã trải qua.
|
James Cameron chia sẻ những bí mật về bộ phim sau 20 năm ra mắt. |
Bội chi ngân sách và nguy cơ thua lỗ
Từ 100 triệu USD ngân sách dự kiến, con số mà đoàn làm phim phải bỏ ra đã vượt quá 200 triệu USD. Đây là một số tiền khổng lồ dành cho một bộ phim điện ảnh vào thập niên 1990. Và nếu thất bại ở phòng vé, thì đây sẽ trở thành cơn ác mộng kinh hoàng.
"Các nhà sản xuất tỏ ra vô cùng sợ sệt như thể toàn bộ công ty vừa phát hiện mình bị mắc bệnh hiểm nghèo. Không ai tin bộ phim sẽ hoà vốn. Tất cả đều chỉ cố gắng làm sao để thất bại một cách nhẹ nhàng nhất, không ảnh hưởng nhiều đến danh tiếng của hãng", đạo diễn chia sẻ trong bức thư.
Vị đạo diễn huyền thoại nhớ rõ mồn một không khí căng thẳng kéo dài trước ngày phim ra mắt. Chính ông cũng như hãng phim đều không có nhiều niềm tin vào tương lai của dự án điện ảnh này. Bản thân James Cameron cũng từng nghĩ rằng Titanic sẽ là dự án chấm dứt sự nghiệp làm phim của mình.
"Kẻ bạo chúa hung tợn" James Cameron
"Chi phí đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát. Các nhà sản xuất đã rất lo lắng và họ khuyên tôi không nên lãng phí thời gian, tiền bạc để đổi lấy chất lượng phim", James Cameron chia sẻ.
Chính đạo diễn cũng thừa nhận rằng sự cầu toàn của ông đã gây ra rất nhiều hệ luỵ tiêu cực cho đoàn. Thời gian trì trệ, hao tổn nhân lực, nhà sản xuất "méo mặt", diễn viên căng thẳng, nhân viên bất bình... đều xuất phát từ những đòi hỏi quá cao và được xem là "ngông cuồng" lúc ấy của vị đạo diễn này.
Fred Gallo, giám đốc kỹ thuật đã từng nổi giận hỏi đạo diễn rằng: "Tại sao phải là cảnh thật? Tại sao phải là một chiếc tàu ngầm duy nhất trên thế giới?".
Chỉ một ngày sau chiếc tàu duy nhất được mang từ Nga sang, nó đã gặp trục trặc kỹ thuật và không thể tiếp tục ghi hình. Không chỉ vậy, sau đó 1.500 công nhân đã được huy động để xây dựng con tàu Titanic có cấu trúc, nội thất và kích thước như một con tàu thật.
|
James Cameron cho đóng cả một con tàu có kích thước thật để ghi hình. Chiếc tàu được đóng tại bờ biển ở Mexico. |
Hay việc James dùng khoảng 10.000 tấn thuốc nổ để tạo ra một bể nước khổng lồ phục vụ cho việc ghi hình cảnh chìm tàu và khoảnh khắc tình cảm giữa Rose và Jack trên tảng băng cũng từng chịu không ít sự chỉ trích vì ngốn đi quá nhiều tiền bạc và thời gian chờ đợi của đoàn phim.
Không chỉ vậy, việc đạo diễn hình ảnh bị thay thế giữa chừng do không đáp ứng yêu cầu cùng với sự khó tính, nóng nảy của James đã khiến không khí trong đoàn trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Ngay cả nữ diễn viên Kate Winslet cũng rất lo lắng và không dám đối diện với ông. Lúc ấy, Jame Cameron bị mọi người gọi là "kẻ bạo chúa hung tợn".
Fox đòi chia sẻ, Universal phủi tay từ chối
Theo tiết lộ của đạo diễn, trước đó 20th Century Fox mới chính là hãng phim sản xuất độc quyền của dự án này. Giám đốc hãng Fox lúc đó là Bill Mechanic tin rằng với kịch bản thú vị, dàn diễn viên trẻ trung, bộ phim sẽ thành công.
Tuy nhiên sau thời gian đầu với việc bội chi ngân sách một cách chóng mặt, hãng Fox bắt đầu lo lắng và tìm cách đá "cục nợ" Titanic sang một hãng phim khác. Lúc này Fox tìm đến Universal và đề nghị san sẻ một phần bản quyền phát hành.
Ban đầu hãng Universal chấp nhận nhưng lại rất "nhát gừng" trong việc chi tiền sản xuất. Hãng này cho rằng rủi ro thua lỗ của Titanic quá cao, chưa kể đến thất bại ê chề của bộ phim hợp tác giữa họ và Fox là Waterworld năm 1995. Sau thời gian cân nhắc, Universal quyết định rút tay khỏi dự án này và nhường lại cho "kẻ thứ ba" là Paramount Pictures.
Sau khi đọc kịch bản, giám đốc hãng Paramount lúc ấy là Sherry Lansing tin rằng Titanic sẽ thành công vang dội. "Bà ấy tin tôi và tin câu chuyện tình giữa Jack và Rose trong vụ đắm tàu sẽ đủ sức lay động lòng người", James nói.
Cuối cùng, hợp đồng phim trị giá hơn 100 triệu USD đã được ký kết giữa hai hãng Fox và Paramount, mỗi bên chia đôi số tiền đầu tư.
|
Titanic được đồng sản xuất bởi hai hãng Fox và Paramount ban đầu có tên là Planet of Ice. Sự trù dập của báo chí |
Trái ngược với những lời tán dương của truyền thông và công chúng sau khi phim ra mắt, Titanic trước khi phát hành đã nhận không ít sự chỉ trích, trù dập của báo chí.
Đạo diễn đã gửi một bản phim demo dài 4 phút cho đơn vị phát hành ShoWest để thăm dò ý kiến. Thế nhưng, không những không nhận được phản hồi tích cực mà thay vào đó là hàng loạt câu chuyện tiêu cực trên mặt báo, từ việc ngân sách khủng cho đến những thay đổi về thời gian phát hành.
"Chúng tôi giống như những kẻ phạm tội nhất lịch sử Hollywood, còn báo chí thì có trong tay món vũ khí quá lợi hại, chỉ chực chờ bộ phim ra mắt để rút dao và đâm", Jame Cameron mô tả chi tiết.
Vì thế, ông quyết định đối phó bằng cách lùi lại ngày phát hành, để câu chuyện lắng xuống, giảm bớt sự chế giễu của truyền thông và chứng minh điều họ nhìn nhận là sai lầm.
Phát hành trễ vì hậu kỳ phức tạp
Nhà sản xuất muốn phim ra mắt dịp hè để thu hút tối đa khán giả vì mùa phim hè luôn là thời điểm đẹp nhất để ra mắt phim bom tấn.
"Chúng tôi đã cố gắng hết sức để hoàn thành nhanh nhất các hiệu ứng hình ảnh nhưng vẫn không kịp phát hành vào mùa phim hè. Tôi rất tiếc nhưng phải chấp nhận", đạo diễn chia sẻ.
Lý do cho việc chậm trễ này là bởi quá trình hậu kỳ phim mất quá lâu trong khi phim thì quá dài còn hiệu ứng hình ảnh thì quá cầu kỳ, phức tạp.
|
Phim trường Titanic trở nên căng thẳng vì sự cầu toàn của đạo diễn. |
Hai nhà sản xuất của Fox và Paramount đã tranh luận rất gay gắt về thời điểm dời ngày phát hành. Nhiều người cho rằng ra mắt một bộ phim đề tài thảm hoạ vào dịp Giáng Sinh ấm áp là hoàn toàn không phù hợp. Cuối cùng, bộ phim được thống nhất sẽ ra mắt vào tháng 11/1997.
Sau đó dù bộ phim đã có buổi trình chiếu trước thành công ở Minneapolis nhưng James vẫn chưa ưng ý vì bộ phim vẫn còn dài dòng, lê thê. Ông quyết định tiếp tục chỉnh sửa hậu kỳ phim.
"Làm bộ phim ngắn hơn mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ có thể cắt ngắn đi vài giây mỗi ngày. Nó giống như việc mài giũa một viên kim cương, nếu không làm khéo, nó sẽ trở nên xấu xí và vô giá trị", James Cameron cho biết. Cuối cùng, Titanic ra rạp với thời lượng 3 tiếng 15 phút, dài gần gấp đôi so với những bộ phim điện ảnh hiện nay.