Sở dĩ, tôi gọi đó là “huyền thoại”, bởi, chuyện tình của chị còn cao cả, đặc biệt và đẹp hơn một câu chuyện trong cổ tích.
Rồi câu chuyện chị mang thai, sinh con trong khi bị liệt nửa người từ ngực trở xuống, chị sinh con mà không một chút cảm giác đau đớn. Có lẽ chẳng ai tin. Nhưng tôi dám khẳng định, đó là sự thật!
Sự tàn nhẫn của vị thần số mệnh
Chị là Nguyễn Thị Phương, nhà ở xóm Gia Đề - xã Nghĩa Dũng - huyện Tân Kỳ - Nghệ An. Có người gọi chị là “người đàn bà đau khổ”, cũng có người gọi là “người đàn bà may mắn” hay “người đàn bà hạnh phúc”. Dù sao, họ cũng đúng khi gọi chị như vậy, vì nó hợp với tình cảnh của chị. Tôi biết chị cũng thật tình cờ khi có dịp về công tác ở Nghệ An. Ngồi nghỉ ở một quán nước ven đường, nghe mọi người kể chuyện đời của chị, về mối tình huyền thoại giữa chị với anh Trương Văn Chín, quê ở Tiền Giang.
Tôi đến thăm chị vào buổi xế chiều, khi chị đang cố ngoái cổ nhìn chăm chăm ra cánh đồng trước của nhà, ở đó mọi người đang nhộn nhịp cày cấy. Còn trong gian nhà bé nhỏ kia, chị Phương đang phải “dán” chặt tấm thân mỏng manh, nặng chưa đầy 30kg xuống chiếc giường gỗ. Có lẽ, chị đang ước có đôi chân đi lại được như những người ngoài kia. Thấy tôi xách cặp, mang máy ảnh - chị hỏi: “Chú nhà báo hôm qua gọi điện cho chị phải không?”. Sau đó tôi mới biết chị nhầm tôi với nhà báo - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Thế đã gọi điện cho chị trước đó, hỏi thông tin để làm phóng sự ảnh về chị. Nhận không đúng, chị nhoẻn miệng cười. Rồi, chị nằm kể về cuộc đời mình.
Sinh năm 1979, 33 tuổi thì 17 năm trời chị bị căn bệnh u tủy hành hạ. 10 năm trở lại đây, căn bệnh quái ác đã ăn sâu vào xương, hút hết tủy sống của chị, khiến chị bị liệt nửa người không đi lại được. Mọi sinh hoạt ăn uống, vệ sinh cá nhân của chị Phương đều được “định vị” trên giường. Nhớ lại ngày mình phát bệnh vào năm 1995, lúc ấy chị mới chỉ là một thiếu nữ mới lớn, chưa nghĩ đến mức độ nguy hiểm của căn bệnh. Khi thấy đôi chân mình “khác lắm, sưng to lắm, đau nhức các khớp khó đi lại”, trong suy nghĩ non nớt của cô bé 16 tuổi chỉ là “Mình đi nhiều nên mỏi chân, nghỉ một chút là khỏi thôi mà”. Thời ấy, Bệnh viện tuyến huyện chỉ chẩn đoán Phương bị gai đốt sống, bị thần kinh tọa. Để rồi, khi căn bệnh đã quật ngã Phương, đôi bàn chân chị đã không còn cảm giác, không thể đứng vững được nữa thì gia đình mới đưa đi chữa trị ở Hà Nội. Tới lúc bác sĩ Nguyễn Văn Thành - một người cùng làng với gia đình Phương, làm ở Bệnh viện 103 chẩn đoán rồi khẳng định Phương bị u tủy, phải làm phẫu thuật thì cả nhà mới giật mình. Thời kỳ đó, một bát phở ở Hà Nội chỉ có 3000 đồng, nhưng gia đình chị đã phải bán mấy con trâu, vay mượn, tích góp mãi mới đủ 15 triệu để chữa bệnh cho chị. Gia đình chị khó khăn, nay lại thêm phần khốn đốn.
Sau hơn hai tháng phẫu thuật, đôi chân chị có thể đi lại được bình thường. Khỏi phải nói, chị đã vui sướng như thế nào. Cứ ngỡ, những ngày về sau chị lại được sống bình dị như bao người khác. Nhưng vị thần số mệnh đã quá khắc nghiệt, không chịu buông tha cho “người đàn bà đau khổ” ấy. Năm 2000, vùng quê này có phong trào đi miền Nam làm công nhân dày da. Chị Phương cũng “đầu quân” đi làm cho doanh nghiệp Duy Hưng ở Bình Dương. Vào Nam gần được 1 năm, bệnh u tủy của chị lại tái phát. Sợ bố mẹ biết lại phải lo lắng, thế là chị dấu biệt. Nằm chịu đựng một mình, từ đận đó tới nay thấm thoắt cũng đã 10 năm rồi. Chị không bao giờ dám nghĩ rằng, mình phải nằm lâu như thế, cũng không nghĩ mình sẽ không bao giờ đứng dậy được nữa.
|
Chuyện tình của Phương và Chín như một cuốn truyện tình cảm động thời hiện đại |
Rồi mẹ chị cũng biết. Bà thuê xe vào chăm sóc chị, nhìn chị, bà trách thì ít mà thương thì nhiều. Bà bảo rằng, vị thần số mệnh đã quá tàn nhẫn với cô con gái bé bỏng của bà. Chị Phương lại bảo trời định phận như vậy, chị không trốn tránh, cũng chẳng oán trách ai. Trời bắt chị bị bệnh trọng rồi “xui khiến” chị gặp được anh Chín, để anh chị viết tiếp câu chuyện tình huyền thoại đang còn dang dở…
Cổ tích giữa đời thường
Không phải vì tôi khéo “đưa đẩy” vấn đề, mà vì chuyện tình của anh chị quá cao cả, quá đẹp - đẹp hơn trong tiểu thuyết. Nó cao cả đến mức, một ai đó nghe chuyện của anh chị đều phải ngả mũ thán phục, và cũng chẳng ít người đã phải rơi nước mắt. Tôi đã nghe kể nhiều, cũng đã viết nhiều, chứng kiến những mối tình cảm động đầy nước mắt. Nhưng khi ngồi nghe chị Phương kể về “huyền thoại tình yêu” ấy, tôi lại có một cảm giác rất khác, cảm giác lâng lâng trước một tình cảm thiêng liêng ở miền cổ tích.
Trương Văn Chín, sinh năm 1978, quê ở Tiền Giang - được nhắc tới như một huyền thoại về sự tử tế. Lẽ sống vị tha của anh luôn khiến bất kỳ ai cũng phải sửng sốt. Anh Chín là một chàng công tử “miệt vườn” xứ Nam bộ. Khi trưởng thành, nhập ngũ vào Quân đoàn 4, đóng ở Bình Dương. Trong đợt dịch bệnh zô-na năm 2001, anh Chín cũng bị lây bệnh và phải nhập viện Quân đoàn 4 để điều trị. Tại đó, anh chị đã gặp nhau.
Nhớ lại lần đầu anh gặp chị, như mọi ngày chị Phương vẫn ra khuôn viện bệnh viện để dạo cho khuây khỏa. Trên chiếc ghế đá thân quen ngày nào chị vẫn thường ngồi ấy, hôm nay lại có thêm một chàng trai. Chị vẫn còn nhớ rõ, hôm đó anh mặc một chiếc áo thun trắng, trên áo dính đầy thuốc kháng sinh. Hai người mới lần đầu gặp nhau mà nói chuyện cứ như quen biết từ lâu lắm. Rồi những ngày tiếp theo ở bệnh viện, anh chị đi lại với nhau, chia nhau từng ly sữa, từng múi cam. Dần dà, như một thói quen, một ngày không gặp nhau là hai người cảm thấy thiếu thiếu một cái gì đó. Rồi nhớ, rồi thương.
Ngày bệnh cũ tái phát vào tháng 9/2002, chị vào viện mà không cho anh biết. Anh vào thăm với cặp mắt mọng nước, đỏ au. Nhìn chị nằm một chỗ, anh chỉ lặng lẽ chăm sóc, không một lời oán trách. Anh khóc. Có lẽ anh hiểu được vì sao chị lại làm như vậy với mình. Đã hơn một lần chị khuyên anh bỏ chị, tìm một ai đó hơn chị có thể mang lại hạnh phúc cho anh. Thậm chí, chị hắt hủi, cầu mong anh “buông tha” cho chị. Khi ấy, nước mắt anh lại rơi, anh “xin” được bên cạnh chăm sóc chị. Anh nói: Trời quá tàn nhẫn với em, lấy đi của em tất cả, em đã chịu thiệt thòi quá nhiều rồi. Cuộc đời không cho em cái gì, nhưng lại cướp đi của em đôi chân. Hãy để cho anh được bên em, bù đắp cho em. Trời sinh anh ra cứ như chỉ để dành riêng em”. Anh nói thế, chị không biết nói gì cả. Chỉ biết im lặng và ôm anh mà khóc. Khi đó, anh vẫn chưa ngỏ lời yêu chị.
Chị lặng lẽ về quê, chỉ nghĩ đó là cách tốt nhất giải thoát cho anh, và cả chị nữa. Sau 4 tháng trời xa cách, không một hình thức liên lạc, cứ nghĩ anh đã quên chị. Cũng không ai ngờ, anh lại vượt chặng đường gần hai nghìn cây số từ Tiền Giang ra thăm. Anh xin làm con ở lại gia đình chị để được chăm sóc cho chị. Anh Chín bảo, trừ khi anh chết đi, không yêu thương chị được nữa, khi đó anh mới rời xa chị.
Thời gian trôi đi, tình yêu của họ vẫn chân chất, giản dị và thật như chính cuộc đời của họ vậy. Anh chăm sóc từ miếng ăn đến giấc ngủ, mọi sinh hoạt cá nhân của chị Phương đều một tay do anh chu tất. Đến một ngày, bệnh viện Quân đoàn 4 gọi điện ra bảo chị Phương vào để chữa bệnh bằng phương pháp mới do một giáo sư người Pháp thực hiện. Thất bại, sức khỏe của chị lại giảm xuống thảm hại hơn. Trước đó, chị còn có thể ngồi dậy được, nhưng sau khi chữa trị chị chỉ nằm được một chỗ, từ ngực trở xuống chị không còn một chút cảm giác. Ba năm ở bệnh viện chữa bệnh, anh Chín đã làm thêm hết mọi công việc từ rửa bát, nhân viên phục vụ, bảo vệ để lấy tiền đóng viện phí. Tan giờ làm là anh lại vào viện thăm chị. Anh đã thuộc lòng từng bậc thang, từng ngóc ngách, quen từng bác sĩ của bệnh viện. Vậy mà anh không một lời oán thán. Đến bây giờ, đã hơn 10 năm trôi qua mà anh vẫn thế. Dường như, anh nén tất cả vào trong lòng để dành tình thương cho chị, để chăm sóc chị nhiều hơn. Ai cũng gọi, chị Phương là “người đàn bà may mắn!”.
Hồi sinh…
Mải ngồi nghe chuyện, tôi quên đẵng đi sự có mặt của Bảo Phúc - con trai của anh chị. Chỉ bảo, tình yêu của anh chị đã đẹp, nhưng nó lại trở nên kỳ diệu hơn khi có cháu bé. Cứ ngỡ, cuộc đời của chị phải khép lại sau những ngày đen tối ấy. Và chị cũng chưa bao giờ dám nghĩ tới cái “thiên chức” được làm mẹ của một người phụ nữ cả. Nhưng trời nào có diệt đường sống của ai bao giờ!
Khi nghe được câu chuyện tình cảm động của anh chị, ông Nguyễn Hữu Khai - Tổng Giám đốc Tập đoàn Đông Nam dược Bảo Long, đích thân về đưa chị đi chữa trị miễn phí ở bệnh viện Tập đoàn Bảo Long tại Sơn Tây. Anh Chín cũng được đưa ra làm bảo vệ để tiện chăm sóc cho chị. Sau hơn 1 tháng điều trị, sức khỏe của chị dần được cải thiện, tăng lên 2kg. Rồi một ngày, chị Phương thấy trong người khác, đưa tay sờ xuống bụng thì thấy có một “cục u” lồi lên. Giật mình, chị cứ nghĩ mình mang thêm mầm bệnh. Cái “u” ấy cứ lớn dần lên trong niềm vui sướng của mọi người. Chị mang thai mà ai cũng biết, cũng mừng cho chị, mừng cho một điều kỳ diệu đang xảy ra. Còn anh Chín, anh đứng lặng người khi cầm trên tay giấy khám thai của chị. Buồn khóc đã đành, vui anh cũng khóc. Khi ấy, Bảo Phúc đã được bốn tuần tuổi.
Câu chuyện mang thai của một cô gái liệt nửa người lan rộng khắp bệnh viện. Rồi nó lớn lên thành một cuộc “nội chiến” giữa Đông y và Tây y ở Tập đoàn Bảo Long. Họ tranh luận nên giữ hay bỏ bào thai, vì khi đó cơ thể của chị Phương quá yếu, nặng chỉ 30kg nên sinh nở trong thời kỳ này rất nguy hiểm. Rồi ông Khai cũng quyết định giữ lại đứa con của anh chị. Ông khẳng định: Trời đã cho Chín - Phương một bào thai thì sẽ cho họ một đứa con khỏe mạnh. Ngày 26/16/2007, ông Nguyễn Hữu Khai đã tổ chức đám cưới cho anh chị ngay tại Bệnh viện Bảo Long. Lúc này, họ mới chính thức là vợ chồng. 9 tháng mang nặng, chiều ngày 13/6/2008, chị Phương đã sinh cháu bé nặng 2,1kg. Mẹ tròn con vuông. Bảo Phúc là cái tên ông Khai đặt cho cháu. Thật ý nghĩa, tại Bảo Long đã mang tới cho Chín Phương một cái Phúc tốt lành.
Kể về “thành tích” ấy, chị Phương nghĩ sẽ chẳng ai sinh con như chị. Mang thai ở tình trạng từ ngực trở xuống không còn cảm giác đã là một thành tích, nhưng khi chị sinh còn nhanh hơn cả người bình thường. Đó là điều lạ. Trong khi các bác sĩ đang chuẩn bị đưa chị lên bàn mổ, Bảo Phúc đã cất tiếng khóc chào đời trong sự ngạc nhiên của mọi người. Ai cũng tròn mắt nhìn chị, thán phục chị. Sinh con mà không một tiếng la hét, không một cảm giác đau đớn. Nhiều lúc chị nghĩ, đẻ cũng khỏe chứ không như người ta nói. Đẻ không đau, không phải vật lộn, không mệt mỏi, không một cảm giác. Chắc hẳn, bất kỳ người phụ nữ nào cũng muốn. Riêng chị thì không. Bởi chị hiểu, không cảm nhận được cái đau ấy cũng là một nỗi đau.
Theo Gia Đình Việt Nam