2000 bức thư tình viết tay của “cặp đôi hoàn hảo”

Google News

(Kienthuc.net.vn) - Đôi vợ chồng khuyết tật Trương Thị Thà và anh Nguyễn Quý Xuân giờ vẫn thường tủm tỉm cười khi ôn lại kỷ niệm 2000 lá thư tình một thuở.


“Cho anh được làm quen em nhé!”

Đó là câu nói đầu tiên mà để bắt đầu chuyện tình yêu của chị Thà và anh Xuân. Chị bảo, người “xe duyên” lại là người bạn thân từ hồi cấp ba của chị. Nếu như người bạn không đưa thông tin cá nhân của chị lên diễn đàn kết bạn, mong chị tìm được niềm vui khi chia sẻ với bạn bè bốn phương thì chị sẽ không có cơ hội biết đến anh Xuân. Và nếu không có lá thư đầu tiên khiến chị tò mò, thì cũng sẽ không có chuyện tình yêu kéo dài hơn 7 năm, với hơn 2000 lá thư trao gửi ân tình. 

 Nên duyên từ những lá thư tay. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Tuổi thơ chị Thà là những chuỗi ngày sống trong mặc cảm vì khuyết tật. Vừa tròn 2 tuổi, chị Thà bị hậu sốt virut. May mắn được cứu sống, nhưng cho đôi chân, đôi tay chị trở nên co quắp, các khớp xương và ngón tay cử động khó khăn. Không cam chịu, chị tự đánh vật với những bước đi.

Thành giường, ghế, cột nhà… trở thành “bệ đỡ” cho những bước đi tập tễnh của chị. Những cố gắng đó không có nhiều kết quả. Đôi chân chị vốn đã yếu, chỉ có thể cho chị đứng dậy và đi lại khó nhọc. Năm 9 tuổi, chị Thà xin đi học, chỉ mong được “biết đọc, biết viết” như bao người khác.

Lá thư đầu tiên chị Thà nhận được từ người bạn xa lạ là lúc chị Thà đang là học sinh lớp 10, trường THPT Thường Tín. Những dòng chữ nguệch ngoạc, run run với lời nhắn nhủ: “Anh tình cờ biết được tên và địa chỉ của em trên diễn đàn Kết bạn qua thư. Cho anh được làm quen với em nhé…” đã thu hút chị. Chàng trai giới thiệu tên là Phạm Quý Xuân, xã Xuân Quang (Tam Nông, Phú Thọ).

“Thêm bạn sẽ thêm niềm vui” – chị nghĩ. Chị đáp lại nguyện vọng kết bạn của anh bằng một bài thơ, có câu: “Mong sao thư đi qua lại đừng quên nhé/ Giờ này năm sau vẫn giữ nguyên…”. Hai ngày sau, chị nhận tiếp lá thư thứ hai từ anh Xuân. Từ đó, đều đặn 2 ngày, chị nhận được một lá thư và hồi âm lại cho người bạn xa lạ chưa một lần gặp mặt.

Thấy chị nhận nhiều thư, các bạn trong lớp tò mò, hồ nghi, rồi xúm xít hỏi. Có người nghi ngờ chị có “người yêu xa”. Chị đỏ mặt, trả lời qua quýt: “một người bạn xa”. Nhưng trong lòng cô gái đang tuổi lớn cũng nhen nhóm một niềm yêu mến đặc biệt. Hai người tưởng đã hiểu nhau rất nhiều, tâm sự với nhau từ chuyện gia đình, công việc, bạn bè.

Nhưng có một bí mật mà không ai nói ra cho đến ngày gặp lại, đó là cả hai đều bị khuyết tật vận động. Một trận ốm đã cướp đi đôi chân của anh Xuân, khiến cuộc đời anh gắn chặt với chiếc xe lăn. Anh Xuân chỉ bóng gió kể cho chị nghe về người em trai bị khuyết tật vận động với những nỗi buồn không thể nói ra. Chị đồng cảnh ngộ, nhưng không dám nói cho anh biết, chị cũng là một cô gái khuyết tật, chỉ khuyên anh thường xuyên bên cạnh giúp đỡ, làm động lực cho em trai mình.

Chị bảo: “Mấy lá thư nói về sức khỏe, tôi chần chừ, rồi cất trong góc tủ mà không được gửi đi. Sau này, anh Xuân kể cũng làm như thế”.

Chân không thẳng nhưng trái tim thì vững chắc

Hơn 5 năm viết thư qua lại, hai người nhẩm tính đến hơn 2000 lá. Tất cả thư được cất trong vali làm kỷ niệm, thỉnh thoảng đưa ra đọc. Hôm sinh nhật chị, anh Xuân gửi quà tặng chị. Chị Thà gửi cho anh bức chân dung cá nhân. Chỉ vì anh Xuân không giữ lời hứa gửi lại ảnh cho chị, mà chị Thà đã đốt sạch tất cả kỷ niệm hơn 5 năm nâng niu, gìn gữ. “Thấy không gửi lại ảnh, tôi nghĩ anh ấy coi thường và chỉ bông đùa với tôi. Lòng tự trọng dâng lên, tôi đốt hết thư và từ đó không còn liên lạc nữa” – chị Thà ngậm ngùi.

Thấy chị im lặng, anh Xuân cũng lặng lẽ giấu kỷ niệm vào góc nhỏ của ký ức. Tưởng mối lương duyên đó chỉ kỷ niệm đẹp, câu chuyện nàng “công chúa lọ lem” và chàng “hoàng tử cóc” muôn đời vẫn chỉ là cổ tích. Năm 2003, nghe thông tin ở Sơn Tây (Hà Nội) mở một trường dạy nghề cho người khuyết tật, anh Xuân đăng ký tham gia khóa học may.

Hôm nhập học, thầy giáo đọc tên 26 học viên trong lớp, có tên Trương Thi Thà (sinh năm 1979, quê ở xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) làm anh giật nảy mình. Nhìn sang, đúng là cô gái bước ra từ trong ảnh. Chị Thà cũng hết sức bất ngờ khi nghe đến cái tên quen thuộc ngày ngày được chị viết ngoài phong bì thư. Chị ngờ ngợ mà không dám nhận.
 Tổ ấm hạnh phúc tròn đầy của anh Xuân chị Thà. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Anh Xuân biết con gái giấu mình trong thư bao nhiêu năm qua, tìm cơ hội để tiếp cận. Có lần, chị ốm rất nặng. Hơn 10 ngày chị mê mệt là cả 10 ngày có bóng dáng anh Xuân chăm sóc, lo lắng. Đến khi chị khỏe lại thì đôi mắt anh đã trũng sâu, mệt mỏi. Sau đợt đó, chị đồng ý đi chơi riêng với anh. Dưới ánh trăng, anh thủ thỉ: “Chân anh bước đi không vững, nhưng trái tim anh vững chắc. Anh sẽ nắm tay em  bước qua những chặng đường gian khó nhất”.

Chị Thà bảo, anh Xuân sống rất tình cảm và luôn nghĩ cho vợ con. Buổi tối, anh thường dạy con học. Ban ngày lại đi lấy hàng cho vợ. Tết đến, chồng gói bánh, vợ luôc bánh, bao giờ cũng gói riêng bánh nhỏ cho hai con. Tầm 29 tết, cả nhà lại cùng nhau trên chiếc xe ba gác, thẳng tiến” về quê nội ở Phú Thọ đón Tết.

Cả năm chỉ nghỉ có mấy ngày Tết, anh chị dành trọn thời gian đưa con đi “du xuân” bằng xe ba gác cũ kỹ đó. “Năm nào cũng đón Tết ở quê nội đến mồng 5 Tết mới trở lại Hà Nội để đi bán hàng. Hai đứa nhỏ thích thú lắm” – chị Thà hào hứng. Trong căn nhà nhỏ, tiếng cười tiếng nói cứ vang vọng mãi…

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU
Xuân Quỳnh