Bàn về vấn đề này, các ông chồng thường nghĩ ngay đến thời quá khứ: rất thuận lợi để quen biết, gặp gỡ, bày tỏ cử chỉ đẹp và giám sát… đối tượng. Nhờ có tính nhất cự ly, vừa có nhì tốc độ nên chẳng mấy chốc từ yêu người cùng cơ quan chuyển sang chế độ sống với người cùng cơ quan.
Ông Trần Ngọc Chinh, cho biết, thời gian đầu lấy nhau, vợ chồng cùng đi làm, cùng về nhà, vợ chồng như đôi sam, khiến cho các bà vợ có chồng làm khác cơ quan tha hồ ganh tỵ. Cái lợi quá rõ khi tiết kiệm được một khoản tiền xăng đầu do cả hai đi cùng một xe, tiết kiệm cả tiền gọi điện thoại, và đặc biệt là tiết kiệm được…năng lượng khi không cần nói nhiều với vợ về công việc với chồng. Khi nào chồng có thêm việc phải ở lại cơ quan, hoặc phải đi công tác đột xuất với sếp, vợ tự đi xe về nhà, còn chồng thì từ từ đi xe ôm về sau. Cuộc sống thật là êm đềm. Thế nhưng dần dần, ông chồng nhận ra chỉ có vợ là người hưởng lợi, còn chồng thì…bỗng dưng cứ muốn… khóc.
|
Ảnh minh họa.
|
Đấy là bi kịch khi đi làm mà chẳng bao giờ ông chồng cầm được đồng tiền nào từ phòng tài vụ. Thẻ ATM vợ giữ, một khoản tiền mặt vợ lãnh giùm. Tất nhiên, vợ có đưa tiền lại cho chồng, nhưng chỉ khi các khoản chi được chồng báo cáo cụ thể. Giờ cơm trưa, vợ đăng ký cơm trưa tại cơ quan, vợ chồng cùng ăn, chồng hiếm khi có mặt tại các cuộc “gài độ” của anh em trong cơ quan, vì “chở vợ về, còn ghé đón con”, dần dần chồng được các nam đồng nghiệp bình chọn là người đàn ông của gia đình, cũng từ đó nên chồng cũng lọt ra khỏi trong danh sách “chiến hữu” rượu chè.
Không xả được với bạn bè, mà về nhà chồng cũng bí luôn. Đó là khi gần 4 năm chung sống, vợ chồng gần như hết chuyện nói. Nói gì nữa khi vợ chồng biết hết mức độ công việc, kết quả thi đua của nhau…tại cơ quan. Vợ là kế toán, chồng làm ở phòng kinh doanh, cách nhau một dãy lầu. Chồng có chuyện gì muốn nói với vợ, vợ đều bảo: “Em biết rồi”, nhất là lúc chồng làm việc tốt, được thưởng một ít tiền, vợ còn biết nhanh, biết sớm hơn chồng. Hóa ra, thông tin đi nhanh thật. Còn những lúc, chồng bị sếp khiển trách, công việc không thuận lợi, chồng cũng quê với vợ, không nói. Vợ cứ đi tìm thêm thông tin, chỗ này, chỗ kia, về nhà nói với chồng, chồng bịt tai không nghe, bảo mệt quá. Đấy! Những lúc cần chia sẻ, thì vợ làm rối chuyện, lần sau, hai người cứ vờ không biết “điểm kém” của nhau trong công việc ở cơ quan.
Chung nơi làm việc, đối với ông Lê Thanh Ngân, là chung luôn ngôi nhà thứ hai. Lúc mới cưới, vợ chồng gặp nhau hoài, là một điều thú vị: bởi có điều kiện săn sóc nhau. Buổi trưa, nắng, vợ lười ra ngoài, chồng chạy mua cơm hộp. Thế nhưng, điều làm ông “đau lòng” mà không biết tỏ cùng ai, là mọi chuyện xảy ra trong ngôi nhà thứ nhất, vợ ông đều to nhỏ với các bạn đồng nghiệp cùng phòng trong cơ quan (vì họ cũng là bạn chung của chồng). Theo vợ, những tâm tình đó, giúp cho tình người trong cơ quan đậm đà hơn, mà biết đâu cùng nhau nghĩ ra các giải pháp khi có sự cố. Phụ nữ lại rất nhiệt tình trong việc giúp nhau gỡ rối…
Cũng từ quan điểm đó, mà việc vợ chồng vừa mới mua cái này, cái nọ, khách nào đến chơi nhà… đến chuyện vợ vừa dính bầu, rồi chuyện người yêu cũ của chồng xuất hiện…đều được chị em trong cơ quan “đánh giá” trong giờ nghỉ trưa. Ông chồng cảm thấy “khổ”nhất là khi vợ chồng gặp cảnh “cơm không lành, canh không ngọt”, là mấy chị, mấy em trong cơ quan “nhào vô” “cấp cứu” cho cuộc hôn nhân của ông, lúc đó ông phải gồng mình lắng nghe những lời tâm huyết của các nhà tư vấn…không chuyên nhưng có kinh nghiệm đầy mình.
Thực tế, không ít bà vợ, ông chồng khi có cơ hội đã dọn đến làm việc nơi khác, để cảm thấy “ham muốn” được gặp nhau cuối ngày. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào cũng có một cơ hội như ý, nên tốt hơn hết là cho nhau trải nghiệm “càng gần nhau, càng thân nhau hơn”.
Theo Tuổi Trẻ Cười