Bi kịch vợ chồng khắc khẩu

Google News

Nhiều cặp vợ chồng nói câu trước, câu sau đã cãi nhau. Thay vì nói cho nhau hiểu, họ lại dè bỉu, xúc xiểm, thậm chí xúc phạm nhau.

Có việc ghé TAND quận 3, TP HCM mới đây, tôi tình cờ chứng kiến cuộc hòa giải bất thành vụ kiện ly hôn của đôi vợ chồng trẻ. Vị thẩm phán cho biết đây đã là lần thứ hai tòa hòa giải vì thấy nguyên nhân ly dị chẳng đáng. Thế mà nói câu trước, câu sau hai vợ chồng đã cãi nhau chí chóe. “Nhiều cặp vợ chồng trẻ bây giờ rất lạ. Họ xem chuyện cưới xin rồi ly hôn là rất bình thường. Trong đó, những vụ ly hôn vì khắc khẩu là không hiếm. Nhiều cặp ra tòa mà vợ nói câu trước, chồng nói câu sau là bắt đầu gây gổ, chẳng ai nhịn ai” - vị thẩm phán chia sẻ.
Chuyện gì cũng cãi
Lân la làm quen với cô vợ trẻ, tôi được biết họ đang ở nhà thuê gần chợ Bàn Cờ, quận 3, TP HCM. Vợ chồng họ cưới nhau mới 2 năm nhưng trước đó đã có thời gian yêu nhau gần 4 năm. L., cô vợ trẻ, kể: “Hồi quen nhau, hai đứa cũng có cãi vã nhưng thường thì ảnh chịu thua trước. Sau này cưới nhau rồi thì chuyện gì cũng cãi. Đến nỗi tối lên giường, giành nhau cái chỗ nằm cũng cãi”. Vừa nghe cô vợ nói vậy, anh chồng đã cắt ngang: “Chị đừng có tin cô ấy. Đàn bà gì mà lắm lời. Bảo tôi lau nhà, tôi lau chưa xong thì cằn nhằn là vắt khăn không khô; bảo tôi xếp quần áo, tôi đang làm thì cô ấy lại xổ tung ra xếp lại rồi chê tôi làm cẩu thả. Thậm chí, chuyện tắm rửa của tôi cổ cũng cằn nhằn chê tôi tắm lâu mà không sạch...”. Đến nước này thì tôi hiểu tại sao tòa hòa giải không thành!
Minh họa. (Ảnh: Ngân Hà)
Để mái ấm luôn rộn tiếng cười, vợ chồng phải biết tôn trọng, nhường nhịn nhau
Một lần khác, tôi tình cờ chứng kiến cuộc đấu khẩu của một đôi chuẩn bị cưới. Linh, tên cô gái, cho biết dù sắp đến ngày cưới nhưng nếu không hóa giải được mâu thuẫn thì sẽ hủy hôn. Anh chồng sắp cưới của Linh than thở: “Tôi nói ra cái gì cô ấy cũng nói ngược lại. Hình như không nói, cô ấy ăn cơm không ngon”. Linh cũng không vừa: “Làm người thì phải có chính kiến, chẳng lẽ con mèo mà bảo nói con chó cũng phải nói theo à?”.
Lôi nhau ra tòa
Nhiều người cho rằng cãi nhau làm cho vợ chồng hiểu nhau hơn và điều chỉnh cho phù hợp nhưng thực tế, nhiều cặp vợ chồng cãi nhau quá hăng say dẫn đến những hệ lụy đáng buồn. Như anh Phương, chị Chi, nhà ở quận 4, TP HCM. Những cuộc “chuyện trò” của họ thường làm cho hàng xóm bị đinh tai, nhức óc. Có lần, buổi sáng, lối xóm thấy hai vợ chồng vui vẻ ra khỏi nhà và vui vẻ trở về. Lát sau có xe của cửa hàng điện máy chở chiếc tủ lạnh tới. Vậy là chỉ tích tắc hàng xóm đã nghe anh chị to tiếng. Chị bực dọc: “Đã nói rồi, nhà nhỏ thì mua cái nào be bé thôi. Vậy mà cứ ham cái to”. Anh cự lại: “Vậy chứ ai ước có cái tủ rộng rãi để đựng nhiều thức ăn?”. Chị đốp lại: “Ao ước thế thôi còn anh phải biết là nhà mình chật chội chứ!”. Anh bực bội: “Nói xuôi cũng cô mà nói ngược cũng cô. Im cái miệng cho người khác nhờ”. Anh nói một câu, chị đốp lại một câu, trận chiến kéo dài tới trưa.
Còn anh Chiến, chị Hà ở quận Thủ Đức, TP HCM thì “cuối con đường cãi nhau là tòa án”. Cha mẹ ly hôn, mẹ chị Hà đi bước nữa, rồi lại gãy đổ đến mấy lần. Đối với chị Hà, đây là một nỗi đau và chị mong mình đừng bước theo con đường của mẹ. Thế nhưng, mỗi khi vợ chồng có chuyện rầy rà, anh lại mang mẹ chị ra để mỉa mai. Đỉnh điểm là khi cô em gái của chị có người yêu nhưng gia đình bạn trai không đồng ý. Thấy vậy, anh Chiến châm chọc: “Mẹ em thế kia, nhà trai nghe không sợ mới lạ”. Chị bực bội: “Anh tưởng nhà anh tốt lắm à? Thằng em anh cũng hút chích, nghiện ngập chứ có tốt đẹp gì đâu?”. Sau lần đó, họ đưa đơn ra tòa.
Theo Người Lao Động