"Khi đi nhậu đàn ông có thể đang cảm thấy đau khổ, tổn thương, bất lực vì nhiều lý do. Vợ hãy hiểu tâm tư, cảm thông, chia sẻ, biết nấu món nhậu để chồng mời bạn về nhà, thậm chí nhậu cùng...", chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh khuyên các bà vợ.
Lấy chồng là việc rất khó khăn nhưng giữ chồng còn khó khăn hơn rất nhiều lần. Nhiều phụ nữ sau khi lấy chồng đã rất vui vẻ, ngày càng trẻ trung yêu đời hơn nhờ tìm được người bạn đời hiểu và chia sẻ mọi việc, nhưng cũng có không ít người đã rơi vào bế tắc khi lấy phải anh chồng mà cả hai bên đều không hiểu nhau, nên gia đình thường xảy ra cảnh bát đĩa “biết bay” hay “đồng sàng dị mộng”, hoặc có chồng cũng như không và đỉnh điểm là chia tay.
Chia sẻ với nhà tâm lý, chị Lan Anh kể: "lúc mới cưới tụi mình rất hạnh phúc, đi đâu anh cũng đưa mình theo để giới thiệu với mọi người, chiều hết giờ làm là anh về nhà ngay không la cà hay tụ tập bạn bè. Vậy mà từ lúc có con nhỏ anh bắt đầu la cà nhậu nhẹt, khi về nhà người nồng nặc mùi bia rượu, mình đã rất bực tức vì mình vừa phải chăm sóc con vừa phải tiết kiệm chi tiêu vì anh đã dùng tiền để nhậu nhẹt bù khú. Mình không hiểu tại sao anh lại đổ đốn như vậy. Vì chuyện này mà vợ chồng thường xuyên lục đục".
|
Ảnh minh họa. |
Không giống như chị Lan Anh, chị Mai kể: "Trước đây anh thỉnh thoảng đi nhậu bạn bè, mình vẫn vui vẻ vì nghĩ đó là khoảng trời riêng của anh, đôi khi mình còn làm vài món để chồng cùng bạn nhậu lai rai, cuối tuần gia đình có những bữa cơm ấm cúng. Nhưng từ khi anh lên chức, anh đi suốt ngày, bữa cơm tối của gia đình trong một tháng sự có mặt của anh chỉ tính trên đầu ngón tay. Khi mình nói sao anh đi nhậu nhiều thế ? Anh trả lời rằng có chức rồi phải đi tiếp khách nhiều, phải giao lưu nhiều để thiết lập mối quan hệ, để có ê kíp làm việc tốt… Điều mình sợ là mỗi khi đi nhậu về người đầy mùi rượu bia, rồi anh nôn ọe khắp giường. Các con đang tuổi dậy thì nên mình sợ chúng bị ảnh hưởng về cách anh đang sống".
Cũng lấy phải ông chồng ham nhậu, nhưng sau 5 năm kết hôn, quan hệ của chị Thu Thủy với chồng vẫn rất tốt đẹp, thậm chí chị còn "cai" được tật xấu này của chúng.
"Trước khi lấy mình anh đi nhậu nhiều đến mức tụt men gan luôn. Từ khi lấy nhau anh ít đi nhậu lắm, một năm chỉ nhậu khoảng trên dưới 10 lần. Giờ đi khám bệnh men gan đã về mức bình thường. Mình đùa rằng nhờ lấy em mà anh khỏe mạnh hết bệnh tật nhé. Bí kíp của mình rất đơn giản mình về nhà luôn vui vẻ. Mình là lao động chính trong gia đình nhưng không vì thế mà mình chì chiết hay khinh bỉ chê bai anh, mình luôn động viên và cảm ơn anh vì anh đã trông con, đã làm việc nhà để mình có thời gian làm việc kiếm tiền", chị nói.
Theo nghiên cứu của một số nhà khoa học, đàn ông Việt rất tử tế và lý do họ tử tế là vì họ “nể vợ”. Khi họ đi nhậu có nghĩa là họ cảm thấy đau khổ, tổn thương, bất lực vì không làm tròn bổn phận người chồng người cha. Họ thường xuyên bị vợ hoặc gia đình vợ xem thường nên đi nhậu để giải stress và lấy dũng khí về để chửi, đánh vợ. Nếu có rượu vào thì họ không còn sợ gì hết vì rượu là chất kích thích rất mạnh. Ngoài ra, cũng có người đi nhậu để bàn việc làm ăn, kiếm nhiều tiền về lo cho vợ con.
Để giữ chân chồng và giúp chồng ăn nhậu khoa học, các chị em nên làm như sau:
- Thứ nhất: cần hiểu tâm tư nguyện vọng của chồng, khi chồng yếu đuối, khi chồng làm việc mệt mỏi… cần chia sẻ, tâm sự với anh ấy, thậm chí có thể cùng đi nhậu hay nấu món ngon bổ dưỡng cho chồng…
- Thứ hai: “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, phụ nữ nên thường xuyên khen ngợi, động viên chồng, không nên chê bai, so sánh anh ấy với người khác. Sự chê bai không làm cho người ta tốt hơn mà càng làm cho họ trở nên xấu đi, nếu cần chê phải chê có nghệ thuật.
- Thứ ba: Chị em nên tích cực nhờ chồng một số công việc đặc biệt là việc liên quan đến con cái như đưa đón con, tắm cho con, dạy con học bài…và biết nói lời cảm ơn vì những gì chồng đã làm mà không xem đó là bổn phận của họ.
- Thứ tư: Phụ nữ trong gia đình nên luôn vui vẻ, sống giữ mình, giữ gìn nhà, cửa sạch sẽ, ngăn nắp, nấu nhiều món ngon, món lạ, đối nội đối ngoại tốt vì thế chồng càng yêu vợ và tôn trọng vợ, họ sẽ thích về nhà hơn.
- Thứ năm: Nên học cách nấu một số món nhậu để lâu lâu mời bạn của chồng về cùng nhậu tại gia đình, vui vẻ khi chồng mời bạn về nhà và giữ gìn thể diện cho chồng trước mọi người kể cả trước con cái.
- Cuối cùng, nếu công việc của chồng buộc phải đi nhậu, khi chồng về nhà người vợ nên quan tâm chăm sóc cho chồng như pha ly nước giải rượu, lau mặt cho chồng, hay để sẵn một chiếc thau… Không nên gọi điện thoại nhiều lần để nhắc nhở chồng về mà nên đặt ra quy định trước khi chồng đi nhậu. Đừng chửi mắng anh ấy khi đã có rượu vì khi có rượu thì ngôn từ và hành động là do rượu điều khiển không còn tỉnh táo nữa.
Theo Nguyễn Thị Minh
Ths. Tâm lý học, chuyên viên tư vấn tâm lý
VnExpress
Bài đọc nhiều:
[links()]