Nói dối là một căn bệnh “mãn tính” ở người lớn, bởi ai trong chúng ta đều có đôi lần
nói dối: Vì công việc, vì bất đắc dĩ, vì thói quen… Còn trẻ con, căn bệnh này hiếm khi xảy ra, do tâm hồn trẻ thanh khiết, trong sáng như tờ giấy trắng không vấy mực.
Những lời trẻ nói thường có độ tin cậy rất cao nên trong trường hợp cần làm nhân chứng cho sự việc nào đó, nếu có trẻ con tham gia, người ta vẫn tin lời trẻ nói nhiều hơn.
Tuy nhiên, xã hội thời nay dường như đã xáo trộn. Do tác động của nhiều phương tiện truyền thông đại chúng, từ sự lừa lọc của người lớn đã làm cho trẻ con có những biểu hiện nói dối và trở thành thói quen. Nhưng suy cho cùng, sự giáo dục con cái cẩu thả của các bậc phụ huynh là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh nói dối ở trẻ thơ.
|
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet) |
Dạy con nói dối
Đã gần 40 tuổi, vợ chồng anh Quân (Quận 10, TP.HCM) mới sinh con đầu lòng, lại là một thằng cu kháu khỉnh với biệt danh Su Hào. Cứ nhìn cách anh chị chăm con thì ai cũng hiểu thằng bé quan trọng đối với anh chị đến nhường nào. Anh Quân cưng con như trứng mỏng, chiều chuộng con hết mình nên đôi khi có phần thái quá.
Đại loại là thằng bé té trên nền gạch có tí xíu mà anh hoảng hốt, cuống cuồng đến phát tội. Thậm chí Su Hào làm nũng đòi mua quà, chỉ cần cháu giả bộ khóc thôi, là anh vội vã đi mua ngay. Chính vì lý do nuông chiều con thái quá mà càng lớn cháu càng sinh hư, đặc biệt là chuyện nói dối có bài bản.
Mỗi lần hàng xóm, bà con hay bạn bè đến nhà chơi là anh chị kể về Su Hào với vẻ hài lòng lắm. Chẳng hạn như: “Khôn trước tuổi, thông minh, có duyên, hiếu động và đặc biệt là cái “tài” biết tùy cơ ứng biến, nói dối như… thần”.
Ví dụ cháu leo trèo làm vỡ đồ đạc rồi đổ tội cho con mèo, hay cháu sợ đi mẫu giáo nên cứ mỗi sáng là giả vờ nhăn nhó kêu đau bụng để được ở nhà… Thậm chí Su Hào thường đánh những đứa trẻ hàng xóm mà anh Quân cứ ngồi cười khẩy, còn dặn con là đổ lỗi do bạn kiếm chuyện trước.
Nhiều lần anh chị không muốn tiếp những vị khách không mời, hoặc né tránh giúp ai việc gì đó thì phải nhờ đến “tài” vẽ chuyện của Su Hào. Anh chị căn dặn con kỹ càng: “Nhớ nói là ba đi công chuyện, không có ở nhà”, “Mẹ con về ngoại hôm qua, chưa có lên”…
Có lần anh dẫn Su Hào đi siêu thị, do cháu đòi mua nhiều đồ quá nên anh căn dặn: “Mẹ có hỏi thì con nhớ nói là chú Út mua tặng nghe chưa”. Bởi vợ anh vốn tính tiết kiệm, hễ thấy mua đồ nhiều là chị lại hét toáng lên, nhất là mua những thứ không cần thiết.
Ở trường, Su Hào cũng nói dối thường xuyên như ở nhà. Những lúc mẹ Su Hào ngủ dậy muộn, đưa Su Hào đi học trễ, chị dặn con nói dối là đụng xe, kẹt xe, đau bụng, nhức đầu…để bác bảo vệ mở cổng cho vào và cô giáo không mời phụ huynh đến.
Có hôm cô cho bài tập thủ công về nhà làm, nhưng do Su Hào vụng tay nên mẹ cháu đã làm giúp. Nhìn thấy những hình cắt dán sắc sảo, cô giáo đoán là không phải Su Hào làm, nhưng do cháu thề thốt hết lời nên cô bỏ qua.
Đối với bạn, Su Hào hay chơi lấn lướt và thường vẽ ra những chuyện không có thật, hoặc hơi quá sự thật để lừa đồ chơi và quà bánh của bạn. Có lần Su Hào nói với bạn mình rằng: “Món đồ chơi của mình được người bà con bên Mỹ tặng. Mình có hai món giống hệt, bạn có muốn đổi không?”. Nghe nói đồ chơi đắt tiền, lại ở Mỹ, nên bạn Su Hào ham thích và đổi ngay. Kết quả là Su Hào được món đồ chơi xịn.
Những người hàng xóm của Su Hào dường như không thích cháu, vì đã nhiều lần họ bị cháu dối gạt đến mức độ nghiêm trọng. Họ góp ý với ba mẹ Su Hào, nhưng đều bị phớt lờ vì hai người thương con quá mức.
Vợ chồng anh Quân cho rằng vì cháu thông minh hơn những đứa trẻ trong khu phố nên mới bị người ta ganh tị, ghét bỏ. Cũng chính vì điều này mà anh chị dần dần trở nên cô lập với những người xung quanh, vì hễ hàng xóm góp ý là lại có sự cãi vã quyết liệt. Anh Quân vẫn bảo vệ con mình đến cùng.
Bẵng đi thời gian khá lâu, Su Hào giờ đã là học sinh lớp 6. Một hôm, người ta thấy vợ anh Quân khóc như mưa khi chở con từ trường về nhà. Chị mắng con té tát: “Mày là đồ ăn hại! Mày làm tao nhục nhã quá”…
Thì ra, Su Hào đã biết nói dối để trốn học đi chơi game, biết viện lý do bị bệnh khi không học thuộc bài, không làm bài tập về nhà… Tệ hại hơn, cháu đã dùng tiền học phí để ăn vặt rồi nói dối làm mất; cháu trộm cả tiền của phụ huynh (khi họ đứng cạnh cháu trước cổng trường) rồi đổ tội cho bạn khác.
Đừng dạy trẻ hư hỏng
Trẻ con lúc mới sinh ra chưa biết đâu là mặt tốt, đâu là mặt xấu. Trong mắt trẻ, mọi thứ luôn là màu hồng tươi đẹp. Trẻ cần học hỏi, sự dạy bảo của mọi người xung quanh, của ba mẹ để thích nghi với điều kiện sống mà tồn tại.
Tuy nhiên, tiêu cực phát sinh từ người lớn khiến cho những đứa trẻ “gần mực thì đen” bị vấy bẩn theo. Đúng như lời trẻ con hay nói: “Người lớn thường phức tạp”. Chính vì sự phức tạp đó nên mới nảy sinh nhiều vấn đề, trong đó có lời nói dối, khiến cho trẻ con ảnh hưởng theo.
Chẳng những thế, phụ huynh còn lợi dụng sự ngây thơ của con cái, dạy con nói dối để đạt được những mục đích của mình. Họ không nghĩ rằng, chính vì sự khởi đầu “xấu xí” này đã vô tình tạo cho tương lai con trẻ thêm mù mịt.
Đồng ý rằng đôi khi chúng ta cần nói dối vì một mục đích mang tính tích cực, để cho người đối diện và kể cả mình không phải khó xử. Tuy nhiên nên hạn chế và tuyệt đối không được nói dối hay cổ súy lời nói dối khi có mặt con trẻ.
Trẻ cần một tâm hồn thanh khiết, một bộ não tinh hoa để làm nên một người có ích cho xã hội. Đừng vì những lời nói dối tức thời mà làm cho hàng xóm, bạn bè, cộng đồng xa lánh trẻ và trẻ hủy hoại cả tương lai tươi sáng của mình. Để không mắc phải những sai lầm đó, trẻ cần có những ông bố, bà mẹ tốt theo đúng nghĩa.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Nông Nghiệp Việt Nam