Cái chết của người chồng khờ

Google News

Riết thành quen, bác và con gái không biết nấu nướng, giặt giũ. Việc gì cũng đến tay chồng lo. Mỗi ngày, hai mẹ con chỉ ngồi vào bàn thêu.

Bữa cơm, cả nhà tôi quây quần ăn uống vui vẻ. Ba mẹ tôi nói hết lời nhưng bác giúp việc vẫn không chịu ngồi vào ăn mà lặng lẽ tìm một góc khuất trong nhà, ngồi khóc rấm rứt. Tưởng bác gặp chuyện gì đau buồn, mẹ tôi gặng hỏi. Bác thú thật, nhìn thấy gia đình tôi sum họp bên nhau, bác nhớ đến người chồng quá cố nên tủi thân.
Bác kể, ngày trước bác là chủ một tiệm thêu nổi tiếng. Chồng bác hiền lành đến khờ khạo, tính toán làm ăn không rành, phải ở nhà nội trợ, cơm nước cho hai mẹ con bác, vợ sai gì làm đó, không dám nói lại nửa lời. Quần quật với công việc nhà nhưng bác trai luôn bị vợ con cằn nhằn, trách mắng.
Bác kể, những ngày khách đặt hàng gấp, mỗi lần đến giờ cơm, bác trai lên gọi hai mẹ con xuống ăn cơm là bác nạt ngay: “Khách đang hối hàng, ăn gì mà ăn. Ông đói thì ăn trước đi. Suốt ngày chỉ giỏi ăn thôi”. Bác trai vội vã đi ra ngoài, không dám mời đến lần thứ hai. Vậy nên bữa cơm nào nấu xong, bác trai cũng lủi thủi ăn một mình.
 Ảnh minh họa.
Sống với nhau mấy chục năm nhưng chẳng mấy khi vợ chồng, con cái ngồi cùng mâm. Chồng bác tuy ngoại giao kém nhưng lại có tài bếp núc, món ăn từ Tây đến Tàu ông đều chế biến thành thục. Một tuần, mẹ con bác không bao giờ ăn trùng món. Mỗi lần nói thích ăn món nào là hôm sau ông nấu ngay món đó.
Gần 30 năm, mọi việc nội trợ lớn nhỏ trong nhà đều một tay chồng bác lo liệu, mẹ con bác không phải đụng tay vào bất cứ việc gì. Riết rồi thành quen, bác và con gái không biết nấu nướng, giặt giũ. Việc gì cũng chờ đến tay chồng lo. Mỗi ngày, hai mẹ con chỉ ngồi vào bàn thêu.
Cách đây khoảng 5 năm, ngày nọ bác nghe bác trai than nhức đầu, nhờ bác bắt gió giúp. Bác cứ nghĩ ông lớn tuổi sinh tật nhõng nhẽo nên càu nhàu: “Tôi việc làm không hết. Ông không phụ được thì thôi. Gió với máy gì”. Sau câu nói ấy chỉ một giờ, bác trai đã ra đi mãi mãi, để lại cho bác nỗi ân hận không nguôi.
Đó là dấu hiệu tai biến mạch máu não nhưng bác không biết, cứ nghĩ chồng nhức đầu, sổ mũi như mọi khi. Bác trai mất mà không trăng trối được lời nào. Bữa cơm cuối cùng của cuộc đời ấy, ông vẫn phải ăn một mình...
Kể đến đâu, nước mắt bác giúp việc tuôn đến đó. Từ ngày chồng mất, mẹ con bác đau buồn, không thiết tha gì với việc thêu thùa nữa. Bác đi giúp việc nhà cho khuây khỏa nỗi nhớ chồng. Con gái bác đi làm công nhân. Hằng ngày, nếu không ăn cơm ở chỗ làm, mẹ con bác toàn cơm hàng cháo chợ.
Bác nói, chỉ ước thời gian quay lại để gia đình bác còn đủ vợ chồng, con cái cùng ngồi ăn chung với nhau một bữa đầm ấm.
Theo Phụ Nữ Online