Cảm động người chồng cưng nựng vợ tàn phế

Google News

"Vợ tôi đã một đời tần tảo, cùng tôi chung vai gánh vác gia đình, nuôi dạy các con, nên khi cô ấy bệnh tật, dù tàn tạ, héo úa thế nào, tôi vẫn nhớ mãi vẻ đẹp của vợ!”, anh Sơn chia sẻ.

Cùng chị Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đến thăm nhà anh chị, chúng tôi chứng kiến cảnh anh Nguyễn Văn Sơn đang ở trần, mồ hôi như tắm, nắm hai bàn tay đang giơ lên chới với của vợ, anh dỗ dành: “Được rồi, được rồi, tôi đã đi làm về rồi, có bỏ em đâu!”…
Anh Nguyễn Văn Sơn đang chăm sóc vợ 
Người đẹp nhất đời tôi
Đôi tay thô ráp, to bè của anh Sơn (khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát) nhẹ nhàng vuốt vuốt tấm thân trơ xương của vợ một lúc, cơn giận của chị Huỳnh Thị Lê vợ anh, dịu lại. Chị chỉ cái ti vi. Anh bật lên, rồi xoay chiếc xe đẩy cho vừa tầm mắt vợ. Anh lấy khăn ướt lau mặt cho chị, giải thích: “Lẽ ra cô ấy không kêu như vậy. Chỉ vì sáng nay tôi đi đào đất phụ nhà hàng xóm, bỏ cô ấy nằm trên giường lâu quá, nên mới lên cơn dữ vậy”. Thấy vợ bắt đầu nghệch mặt cười với cái ti vi, anh quay sang chúng tôi: “Với tôi, vợ tôi vậy là đẹp rồi! Vợ tôi đã một đời tần tảo, cùng tôi chung vai gánh vác gia đình, nuôi dạy các con, nên khi cô ấy bệnh tật, dù tàn tạ, héo úa thế nào, tôi vẫn nhớ mãi vẻ đẹp của vợ!”.
Anh Sơn sinh năm 1957 trong một gia đình có đến 11 anh chị em ở TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Hoàn cảnh nghèo khó nên anh phải sớm đi học nghề, rồi ra đời kiếm sống. Vì mưu sinh, năm 1981, anh lặn lội lên tận Bến Cát làm thợ mũi cưa. Anh gặp Lê. Năm đó, chị mới 17 tuổi, da trắng, dáng thanh mảnh, hiền lành, ít nói. Hai năm sau họ cưới. Nhà Sơn nghèo, nhà Lê còn khó hơn. Người đông, nhà chật, không thể ở chung bên vợ lẫn bên chồng, cả hai dẫn nhau lên Lai Uyên khai hoang, làm rẫy trồng điều. Bảy năm ròng, biết bao mồ hôi, nước mắt đã đổ ra nhưng thời vận chưa tới. Hai con, người sinh 1984, người sinh 1987, đói ăn, thay nhau đổ bệnh. Nhìn vợ con đói khổ, anh Sơn không cầm được nước mắt. Anh khuyên chị về lại Bến Cát, nương nhờ bên ngoại, anh ở lại rẫy, thu vén, rồi về sau.
Ba mẹ chị Lê thương con gái, cắt cho chị khoảnh đất nhỏ, vừa đủ dựng một chái nhà lá để trú ngụ. Tiếc rẫy, anh Sơn ở lại vườn tiêu và điều, tẩn mẩn làm cỏ, bón phân, tưới nước… Cuối tháng, anh về thăm vợ một lần. Cùng thời gian này, con trai thứ ba, thứ tư của anh chị lục tục chào đời. Nhìn vợ bầu bì, con nhỏ dại, khuya nào cũng phải dậy đi chợ lấy cá, về còng lưng, ngâm tay trong nước bẩn để làm cá, anh Sơn quyết định bán rẻ vườn điều. Có tiền, anh về dựng lại nhà vách tôn cho sạch sẽ, rộng rãi hơn để cả nhà sáu người có nơi sinh hoạt. Phần tiền còn lại, anh “hùn” thêm vốn với vợ, cùng đi bán cá. Vợ chồng cùng làm nên dẫu khó khăn, bốn người con của anh chị đều được tới trường. Anh Sơn kể: “Từng đói ăn, thiếu mặc, nên thời điểm vợ chồng phải cùng thức dậy lúc 1, 2g sáng, đi chợ mua cá, rồi chở ra chợ Bến Cát ngồi bán đến xế chiều, người lúc nào cũng đầy mùi tanh cá, tay chân móp vọp, trắng hếu vì ngâm nước, nhưng chúng tôi lại thấy sung sướng, vì lo được cho con; vì đi đâu, làm gì vợ chồng cũng bên nhau …”.
Bị… trời thử sức
Một hôm, đang bán hàng cùng chồng, chị Lê bỗng lên cơn co giật, người tím tái rồi ngất lịm. Đưa vợ đi cấp cứu, anh Sơn tá hỏa khi bác sĩ cho biết Lê bị hở van hai lá, thông liên thất, suy tim độ 3. Anh nói: “Hóa ra tim của vợ tôi quá tải từ lâu nhưng vì cô ấy cứ gắng sức chịu đựng nên khi bệnh bột phát không cứu nổi”. Để có tiền mổ tim cho vợ, anh Sơn vay mượn khắp nơi, bán tất cả những gì gọi là “có giá” trong nhà, kể cả mấy tấm tôn đang dùng làm vách. Nguyễn Huỳnh Hiền, con trai lớn của anh chị nghỉ học, đi phụ hồ, giúp ba nuôi các em ăn học. Chị Hồng Nghĩa kể: “Khi chúng tôi biết việc gia đình anh Sơn lâm cảnh ngặt nghèo, đến thăm mới thấy thật thảm thương. Căn nhà bị rút vách, qua hai mùa mưa càng tơi tả. Con trai thứ hai của anh chị, cháu Nguyễn Huỳnh Thiện đậu đại học nhưng không có tiền đóng học phí. Nguyễn Huỳnh Sang đang đi học sĩ quan phải xin nghỉ, về cùng cậu út Nguyễn Huỳnh Giàu (cũng đã bỏ học) đi phụ hồ, giúp cha lo cho mẹ. Mẹ và các anh chị em chị Lê ở sát cạnh đều nghèo, không giúp được gì ngoài việc thỉnh thoảng chạy sang phụ trông chừng chị Lê để anh Sơn và các con đi làm mướn kiếm tiền. Thương quá, Hội Phụ nữ đã đóng góp dựng cho anh chị một căn nhà tình thương, cho vay tiền để Thiện đóng học phí”.
Họa vô đơn chí, tháng 2/2012, chị Lê bị tai biến. Lần này chị liệt toàn thân. Một tháng cấp cứu ở bệnh viện Bình Dương, bác sĩ khuyên đưa chị về nhà chăm sóc bởi khả năng hồi phục vận động, trí tuệ lẫn ngôn ngữ của chị quá thấp. Không nản lòng, anh Sơn đưa vợ về bệnh viện Mỹ Phước nằm thêm một tháng. Trong thời gian này, anh nhận ra một điều: Chẳng có thầy hay thuốc nào cứu nổi vợ ngoài anh và các con. Anh đưa vợ về nhà, gọi các con họp lại. Anh thông tin cho các con chiều hướng sức khỏe của vợ: “Mẹ sẽ sống rất lâu và sẽ hồi phục dần nếu cả nhà cùng chung lưng đấu cật”. Từ đó, cậu con cả và con út tuy đã có gia đình riêng, nhưng mỗi tháng đều dành dụm góp với ba tiền thuốc thang cho mẹ. Thiện vừa đi học, vừa đi làm để thành cử nhân như ước nguyện của mẹ (nay Thiện đã là sinh viên năm thứ tư ĐH Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, là phó bí thư chi đoàn khu phố). Giàu tạm gác hết ước mơ, là trụ cột kinh tế gia đình. Phần mình, anh Sơn vừa làm “điều dưỡng” cho vợ, vừa chạy việc thêm trong xóm. Anh ngậm ngùi: “Từ ngày Lê phát bệnh lần thứ hai, mỗi tháng chúng tôi có thêm khoản trợ cấp cho người tàn tật 680.000đ. Lần đầu tiên nhận món tiền này, tôi đã khóc vì nghĩ vậy là vợ mình tàn tật luôn sao? Tôi nhất định phải vực Lê dậy”.
 
Anh Sơn đi học cách bấm huyệt, cách vật lý trị liệu, về thực hành cho vợ. Anh không để vợ nằm một chỗ mà bắt chị phải ngồi xe lăn, tập nâng tay, nâng chân, quay đầu. Với sự nhẫn nại trợ giúp của chồng, sau một năm, chị Lê đã nhấc được từng bàn tay, bàn chân lên, biết xoay đầu để xem ti vi hay chào khách.
Không còn rên ư ử nữa, giờ chị đã nói lại được vài từ: “Sơn”, “nước”, “con”, “má”…
Bà Nguyễn Thị Hiền, má ruột chị Lê nói: “Thằng Sơn nó tốt hết biết! Nếu là người khác, chắc họ bỏ con Lê lâu rồi...”. Bà chỉ tay vào mấy tấm giấy vẽ sơ đồ huyệt đạo trên cơ thể người dán khắp nhà, nói: “Đó, vợ bệnh, nó thành thầy luôn. Tôi cảm ơn nó lắm!”.
Chia tay anh chị, bước khỏi căn nhà cấp bốn lợp tôn hừng hực nóng, chúng tôi thầm cầu mong gia đình anh Sơn đủ nghị lực vượt qua được quãng dốc cuộc đời này.
5000