Chỉ vì cái đoạn phim thời sự của đài truyền hình mà anh cạnh khóe, soi mói rồi gây gổ với tôi.
Như những lần bắt đầu gây gổ trước, anh luôn mở màn bằng câu: “Cái con khỉ mốc! Chỉ giỏi lừa bịp...”. Biết anh kiếm chuyện, tôi im lặng. Anh lại châm chọc: “Hai giỏi cái con khỉ mốc. Bà và mấy con mẹ đó chỉ giỏi bẹo hình, bẹo dạng với mấy lão già trong cơ quan chớ giỏi gì?”. Tôi vẫn im lặng. Khi đó trên tivi cũng vừa chấm dứt đoạn phóng sự về chị em nhân ngày phụ nữ. Tôi lấy remode chuyển kênh, anh giật lại: “Để tao coi”.
Đến nước này thì tôi hết chịu nổi rồi. Tôi đứng dậy: “Đề nghị anh nói năng có văn hóa chút đi, tôi không quen mày tao...”. “Tao biết mà, tao biết mày học giỏi, học cao, mày có văn hóa. Ừ, tao vậy đó!”- Trung cười nhạt. Tôi nhìn thẳng vào mặt Trung: “Anh thôi cái giọng đó đi. Hồi nào quen tôi, anh nói anh tự hào vì tôi là người học cao, hiểu rộng; tôi là tấm gương cho anh học hỏi, phấn đấu. Anh cũng chỉ giỏi ba xạo”. Câu nói của tôi chạm đúng chỗ yếu của Trung nên anh gầm lên: “Mày giỏi lắm, được rồi, tao sẽ nói cho cả cơ quan mày biết mày là cái đứa không ra gì, suốt ngày đàn đúm, bỏ chồng, bỏ con...”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Tôi không muốn cãi cọ nữa nên dắt xe bỏ đi, còn kịp nghe Trung nói với theo: “Mày có tin...”. Tôi ra quán cà phê ngồi chờ đến giờ cu Tí học xong để đón con. Lẽ ra việc này là của Trung nhưng anh không làm với lý do: “Thằng Tí con bà thì bà đưa rước đi”. Lý do anh nói vậy là vì ngay cả thằng con tôi cũng không ưa ba nó. Suốt ngày nó lầm lì không nói chuyện, khi anh gây gổ với tôi mà có mặt nó thì nó sẽ lên tiếng bênh vực tôi. Chính vì vậy mà anh ghét nó chứ chẳng phải nó là con riêng của tôi.
“Mẹ ly dị ổng đi, mắc gì phải chịu đựng như vậy? Con chưa thấy một người nào mà lười biếng, ở dơ như vậy”- vừa nghe tôi kể, thằng Tí đã bực bội nói. Tôi biết thật không hay chút nào khi kể cho một đứa trẻ 15 tuổi biết những xích mích của ba mẹ nó, nhưng tôi không thể kể với người ngoài, đành phải trút hết lên con. Mà chuyện này cũng chỉ mới khoảng 1 năm trở lại đây chứ lúc trước tôi vẫn cố giấu, ngay cả khi nó vặn hỏi vì thấy mắt tôi sưng húp.
Trung là con trai thứ hai trong một gia đình có 6 anh chị em. Ông nội anh vốn là địa chủ nổi tiếng ở An Giang trước đây nhưng sau này, do ăn chơi vô độ nên ruộng đất phải bán dần. Đến đời ba anh thì chỉ còn vài chục công ruộng. Cuộc sống gia đình chỉ vừa đủ ăn chứ không khấm khá gì, thế nhưng hình như trong người anh vẫn còn dòng máu chủ cả nên lúc nào anh cũng muốn người khác phải phục tùng.
Ngày mới biết nhau, thú thật là tôi không hề nghĩ sau này anh sẽ như thế. Anh là giáo viên tiểu học ở một xã vùng sâu, còn tôi là chuyên viên Sở Giáo dục Đào tạo. Gặp anh mấy lần trong khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, thương anh vất vả, tôi đã tìm cách xin cho anh chuyển về gần nhà. Từ đó tình cảm phát sinh. Anh xem tôi là thần tượng, lúc nào cũng nói với tôi những lời có cánh; viết cho tôi những lá thư thấm đẫm yêu thương, trân trọng. Mọi người đều vun vào cho chúng tôi. Năm đó tôi 31 tuổi. Vậy là cưới.
Sau ngày cưới, chúng tôi vẫn mỗi đứa một nơi vì tôi không thể xin cho anh chuyển về thị xã. Gần 1 năm sau thì anh quyết định xin nghỉ dạy. Chúng tôi ở nhà tập thể của cơ quan, sau đó anh chê chật chội nên ra ngoài thuê nhà. Bạn bè anh lúc trước hứa hẹn sẽ xin việc làm cho anh giờ chẳng thấy tăm hơi.
Anh thất nghiệp nhưng tôi xin chỗ nào anh cũng không chịu vì chê công việc thấp kém. Riết rồi có lần bực quá, tôi bảo: “làm chuyện gì anh cũng không chịu vậy thì về quê làm ruộng cho rồi!”. Anh về quê thật. Nhưng cũng chỉ được vài tháng rồi lại trở lên, năn nỉ tôi xin việc. Lần này tôi xin cho anh làm nhân viên văn phòng ở Sở Công nghiệp. Anh làm được 3 tháng thì chê công việc nhàm chán: “Tụi nó coi anh không ra gì, tới đứa con nít cũng sai anh được. Thôi, nghỉ”.
Anh nói nghỉ là nghỉ, không chờ tôi nói phải quấy với bạn bè bên Sở Công nghiệp. Tôi lại xin cho anh vô một trường mầm non làm giáo vụ. Lần này được 6 tháng. Đến khi trường nghỉ hè thì anh cũng nghỉ luôn với lý do: “Tụi con nít suốt ngày la hét muốn điên cái đầu”. Lần này anh theo bạn làm gỗ tận trên Đắk Lăk. Lúc đó tôi đang có bầu thằng Tí. Tôi bảo anh đừng đi nhưng anh kiên quyết: “Ở nhà để ăn bám em à?”. Vậy là anh đi. Tôi nghĩ bụng, chắc gì anh đã trụ lại lâu vì trên ấy rừng thiêng nước độc, công việc lại nặng nhọc. Mà đúng như vậy thật.
Chưa đầy một tháng đã thấy anh lù lù quay trở về. Tôi lại xin cho anh vào làm ở xưởng nước đá của một người bạn. Ở đó người ta cho anh làm quản lý. Được khoảng 3 tháng thì anh lại nghỉ. Lý do lần này là “công việc chán phèo, tiền lương không đủ đi nhậu với bạn bè”. Tôi kiên nhẫn hỏi: “Vậy bây giờ anh muốn làm công việc gì, ở đâu, nói thử em nghe coi?”. Khổ nỗi những nơi anh nói ra thì tôi không có cách gì để xin cho anh vào bởi đòi hỏi phải có trình độ, kinh nghiệm. Mà anh thì chỉ có cái bằng trung học sư phạm, sau đó năm nào cũng đi bồi dưỡng một lần. Bảo anh học nâng cao thì anh lắc đầu: “Già rồi, học không vô”.
Đôi lúc nhìn anh, tôi tự hỏi, tại sao những thứ đó hồi tôi quen anh nó không chịu lòi ra để tôi nhận diện mà tránh? Bây giờ ván đã đóng thuyền rồi tôi mới biết anh chẳng thích làm gì nhưng lại muốn ăn ngon, muốn có người phục vụ chu đáo, muốn vợ con phải phục tùng vô điều kiện...
Tôi chưa từng thấy một người nào lười biếng như anh. Nhà bị dột trúng ngay phòng ngủ của anh mấy chỗ mà anh chẳng thèm sửa, cũng không kêu thợ về sửa mà lại lấy 3,4 cái thau hứng mỗi khi trời mưa. Tôi đi làm về trễ, anh bỏ con ở nhà trẻ đến tối; chưa bao giờ anh nấu cho tôi một bữa cơm hay giặt cho tôi bộ quần áo...
Trong khi đó, tôi vừa phải chăm con nhỏ, vừa phải làm trong giờ, ngoài giờ bởi sau khi chuyển công tác sang đài phát thanh truyền hình tỉnh, tuy thu nhập cao hơn nhưng áp lực công việc rất nặng nề. Anh không thông cảm, chia sẻ với tôi mà mỗi khi tôi đạt được điều này, điều kia, anh đều mỉa mai, châm chọc. Tất cả những điều đó giống như một thứ a xít, nó ăn mòn tình yêu, hạnh phúc của chúng tôi.
Bây giờ thì anh bệnh. Một căn bệnh mà bác sĩ nói là do hậu quả của việc ăn nhậu vô độ và lười biếng kinh niên: bệnh gout. Khổ cho tôi, anh càng bị bệnh tật hành hạ đau đớn thì lại càng quay sang hành hạ vợ con. Và bây giờ thì anh chẳng làm gì cả ngoài việc ăn, ngủ, chơi và chửi! Tôi khóc với ba má chồng tôi thì ông bà cũng khóc. Ba tôi nói: “Cái này là lỗi của ba má, không biết dạy con, không tập cho nó lao động, bây giờ nó làm khổ vợ con...”.
Không phải bây giờ ba má chồng tôi mới biết con họ như vậy nhưng có lẽ họ vẫn hi vọng tôi có thể cải tạo được anh, không ngờ “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Mà cái tính của anh, càng ngày nó càng làm cho tôi ghét, thậm chí khi anh bệnh, tôi chẳng hề thấy thương xót trong lòng.
Thế nhưng tôi không muốn ly dị. Tôi không muốn mang tiếng bỏ chồng, không muốn ngôi nhà của tôi không có đàn ông vì như thế rất dễ bị hiếp đáp. Nhưng sống chung nhà với người đàn ông mà mình ghét bỏ thì tôi không lường được điều gì sẽ xảy ra...
Theo Người Lao Động