Khi đó, chị đang trong thời gian chờ li dị với anh. Mâu thuẫn giữa họ kéo dài cũng khá lâu mới đi đến quyết định cuối cùng. Lần đó, chị kể với tôi nhiều chuyện với giọng điệu cay đắng và chua chát của người thua cuộc, bị thiệt thòi về mặt tình cảm lẫn tiền bạc (bởi khi ấy anh là người làm kinh tế chính trong gia đình). Tôi còn chưa quên giọng quyết tâm của chị khi nói về tương lai: “Chị sẽ làm lại, chị sẽ lo cho con chị chu đáo không để ai khinh khi!”.
Và chị đã làm được. Mười năm sau, từ số vốn ít ỏi chia được sau ly hôn, chị kinh doanh, gặp thời, thêm tính kỹ càng, thận trọng, biết tính toán chị gầy lại đủ đầy: nhà cửa, xe cộ, con cái có điều kiện tốt để học hành. Cái được nhất về mặt tinh thần là hai con chị học rất giỏi. Con gái đầu của chị vừa tốt nghiệp đại học đã có nơi mời đi làm ngay. Cháu trai thứ hai mới học lớp 10, nhưng đã nhận được cùng lúc đến hai học bổng đi học nước ngoài. Và đó cũng chính là nỗi lo lắng của chị hôm nay.
|
Ảnh minh họa. |
Chị tâm sự, nhờ tôi “tư vấn”: “Nếu học ở Singapore thì cháu được học bổng toàn phần nhưng phải học lại hai năm trung học nữa, vị chi cháu sẽ mất đến 9 năm mới xong đại học, còn nếu học ở Mỹ thì học tiếp lớp 10 nhưng chỉ là học bổng bán phần, “tiềm lực” của chị chưa đủ mạnh để lo cho cháu hai năm trung học và năm năm đại học. Việc làm ăn nay thế này, mai thế khác biết đâu mà lần. Giờ thì mình có, mai mình mất, thương trường chẳng dễ chịu chút nào. Làm người phụ nữ đơn thân khổ lắm em, chuyện gì chị cũng phải quyết định một mình, mà đâu phải lúc nào mình cũng tính đúng”. Rồi chị chép miệng: “Phải chi gia đình đủ đầy, có ông bố bên cạnh thì mẹ con đâu đến nỗi lo lắng quá như vầy!”.
Chị kể, hai năm rồi anh không một lần gọi điện thăm hỏi các cháu. Nghe nói mấy năm nay anh làm ăn thua lỗ liên tiếp, bán nhà lớn, mua nhà nhỏ rồi bán cả nhà nhỏ. Gia đình mới của anh hình như không hạnh phúc bởi người phụ nữ ấy không cam chịu cảnh lên bờ xuống ruộng theo anh. Cách đây 6 tháng chị gọi điện cho anh báo là con gái được một công ty nước ngoài nhận vào làm việc, con trai đang thi lấy học bổng, anh chỉ im lặng, không có ý kiến gì, kể cả lời chúc mừng. Chị thở ra với câu nói buồn: “Thì hồi đó ổng chọn như vậy, chị cũng cay đắng quá chừng. Chuyện quá khứ nói ra chỉ thấy buồn, thấy toàn nước mắt! Giờ hoàn cảnh vậy, chắc ổng mặc cảm! Mọi chuyện qua rồi, mình cũng nguôi ngoai dần, không dám lên mặt tài giỏi hơn ổng. Vậy mà buồn em ạ, buồn vì con có cha mà chẳng ai chỉ lối. Chị thật đâu muốn như vầy!”.
Chơi với nhau nhiều năm tôi biết chị là người giàu lòng vị tha và khoan dung, độ lượng. Chưa bao giờ kể từ sau khi chia tay với anh tôi nghe chị nói xấu về anh. Và giờ đây tôi hiểu, trong cái được của một người mẹ, chị lại bị hẫng vì tiếc nuối đã không cố gắng giữ cho trọn vẹn một gia đình. Chị nói với tôi : “Phải xác định làm người phụ nữ là khổ, là thiệt thòi. Cố gắng mà giữ lấy và nếu bỏ qua được thì bỏ”.
Tôi chẳng biết “tư vấn” chị điều gì, chỉ gợi ý liệu con gái lớn của chị đã đi làm rồi có thể phụ chị nuôi em mấy năm học ở Mỹ không? Chị im lặng trầm ngâm suy nghĩ.
Cuối cùng thì con trai chị đi học ở Singapore. Cái lý của chị đưa ra cũng hết sức thuyết phục: mỗi người có một đời riêng, con gái chị không thể vì em mà hy sinh những năm tháng đẹp nhất và sung sướng của đời nó. Chị thì không biết khi nào được, khi nào mất. Thôi thì cứ chọn phương án dễ thở nhất, có thể đứa con trai sẽ bị thiệt thòi, nhưng ai biết trước được phương án nào là phương án tối ưu!
Tôi gặp lại anh ngày đưa cháu ra phi trường. Không còn một thời hào hoa, phong độ của người thành đạt. Có lẽ cái mặc cảm không tròn trách nhiệm với con khiến anh có vẻ bọc ngoài vừa xa cách vừa hờ hững. Lúc cháu chia tay gia đình vào khu cách ly. Tôi thấy anh bước đến bắt tay cháu như hai người đàn ông đã từng là bạn của nhau. Tôi thấy chị quay đi, nước mắt lưng tròng. Nhìn kỹ gương mặt anh, tôi thấy hai mắt anh đỏ hoe, buồn bã.
Tôi hiểu, họ chia tay nhau một lần nữa trong tâm trạng ngổn ngang của sự chia ly và mất mát với ít nhiều nuối tiếc!