Mới đây Tòa án Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh đã đưa vụ án ly hôn giữa nguyên đơn là bà Hoa, bị đơn là ông Sơn (tên nhân vật đã được thay đổi) ra xét xử. Điều đặc biệt là hiện hai ông bà đã gần bước sang tuổi 80 mà vẫn đưa nhau ra tòa để ly hôn.
Dù vị chủ tọa và các thành viên trong hội đồng xét xử ai cũng khuyên rằng hai cụ tuổi cao, sức yếu, thời gian sống với nhau chẳng còn bao lâu nữa, vì vậy, hãy rút đơn dể bỏ qua những hiểu lầm trước đây, về sống nhàn hạ bên con cháu. Ông cũng năn nỉ bà hãy rút đơn, về sống với ông, nhưng bà Hoa vẫn một mực khẳng định: “Nếu tòa không cho tôi ly hôn, tôi cũng cứ bỏ đi, không sống với ông ấy nữa”.
Vợ chồng tuổi xế chiều
Bà Hoa và ông Sơn kết hôn từ năm 1976, họ có với nhau 3 người con. Đến nay các con của ông bà đã trưởng thành và đều có gia đình riêng, nhưng vẫn cùng sống trong một nhà. Bà Hoa kể, trước đây khi các con còn nhỏ, hai ông bà sống hạnh phúc, ông yêu và chăm sóc cho bà. Bà cũng thế, hằng ngày cơm nươc, chăm sóc cho chồng, để ông lo kinh tế gia đình.
Cuộc hôn nhân ấy trong suốt hơn 30 năm đầu rất hạnh phúc, hòa thuận. Thế nhưng, từ năm 2008, mâu thuẫn gia đình bắt đầu xảy ra. Lúc đó, ông thường xuyên đánh và mắng chửi bà. Các con cũng vậy, thấy ba đánh mẹ không khuyên bảo lại còn cùng tiếp tay cho ông.
Tủi thân, năm 2010, bà Hoa làm đơn ly hôn, nhưng không được Tòa án Nhân dân quận 1 chấp thuận. Bởi theo tòa, hai ông bà tuổi đã cao, sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa, cần phải nương tựa vào nhau, bỏ qua những lỗi lầm cho nhau để sống vui vẻ bên con cháu. Hơn nữa, hai ông bà lúc này đã có con cháu đề huề, nếu ly hôn ông sống một nơi, bà sống một nơi sẽ làm cho con cháu chăm sóc vất vả hơn. Nghe vậy, bà cũng xuôi và nghĩ hai ông bà sẽ hòa thuận được như xưa.
|
Ảnh minh họa. |
Thế nhưng, hai ông bà sống chung với nhau chưa được bao lâu lại tiếp tục xảy ra mâu thuẫn không thể giải quyết, thậm chí càng ngày càng gay gắt hơn. Bà nói, ông đánh bà phải nhập viện, chính quyền địa phương can thiệp và phạt hành chính, ông vẫn không bỏ thói vũ phu đi. Bị phạt hành chính, sửa lỗi được mấy hôm, ông lại đánh bà.
Bà gạt nước mắt nói: “Chẳng biết thế nào, ông ấy cứ đánh và mắng chửi tôi. Tôi buồn lắm. Vợ chồng bao nhiêu năm sống với nhau, trải qua không biết bao sóng gió, ông ấy vẫn yêu thương và một lòng với vợ. Vậy mà giờ, bước qua cái tuổi gần đất xa trời ông ấy lại thay tính đổi nết, đánh vợ. Chịu không nổi, tôi phải chuyển đến nhà em gái ở. Nay, tôi làm đơn ly hôn một lần nữa để giải thoát cho mình. Dù tôi biết, tuổi mình đã cao, sẽ làm ảnh hưởng đến con cháu, nhưng tôi không có cách nào khác”.
Cuộc tranh luận không hồi kết
Trước tòa, vị chủ tọa nhiều lần khuyên bà hãy nghĩ đến tình nghĩa vợ chồng với ông bao nhiêu năm, nghĩ đến con cháu mà rút đơn, phía tòa sẽ chấp thuận và đứng ra hòa giải cho ông bà. Vậy nhưng bà vẫn một mực xin tòa cho ông bà ly hôn. “Lần trước tòa cũng hòa giải và kêu tôi với ông ấy hàn gắn lại, nhưng đâu có được. Tôi với ông ấy sống chung một nhà mà chẳng bao giờ nhìn mặt nhau. Giáp mặt nhau mà cũng không chào hỏi. Một tiếng hỏi thăm, hay một câu hỏi ăn cơm chưa cũng không có".
"Nhiều lần ông ấy nói đừng ly hôn, ảnh hưởng đến con cháu, ông ấy sẽ nghĩ lại và xin lỗi tôi. Nhưng ông ấy chỉ nói mà đâu có thực hiện được. Ông ấy còn đánh tôi nhập viện. mấy vết thương đó vẫn còn ở trên đầu, đến giờ vẫn chưa hết. Đã thế, khi tôi nhập viện điều trị, ông ấy không thèm đoái hoài. Một mình tôi nằm trong bệnh viện, buồn lắm. Đó, thử hỏi tôi không ly hôn sao được”.
Nghe vợ nói vậy, ông cụ gần 80 tuổi nói: “Bà ấy nói hoàn toàn không đúng sự thật. Tôi không la mắng, không đánh bà ấy nhập viện đâu. Mấy vết thương trên đầu bà ấy là do bà ấy đi cầu thang bị té đó. Lúc bà ấy nhập viện, một mình tôi túc trực chăm sóc, lo cho bà ấy từng giấc ngủ, từng muỗng cháo. Mấy tháng bà ấy nằm viện là ngần ấy thời gian tôi phải sống trong bệnh viện. Giờ bà ấy nói trái ngược, phủ nhận những gì tôi làm cho bà ấy”.
Nhìn ông, bà nói: “Tòa đừng nghe ông ấy. Ông ấy nói láo đó. Trước tòa, ông ấy nói thế là để tôi rút đơn, nhưng tôi không có dại đâu. Nếu tòa không đồng ý cho tôi ly hôn, tôi cứ kháng cáo mãi. Tòa thấy đó, trước kia tòa không đồng ý là vì tôi với ông ấy còn sống với nhau. Nay tôi dọn ra sống riêng, không còn phụ thuộc với ông ấy nữa”.
Ông cãi: “Bà khó tính lắm, bắt bẻ tôi đủ điều ấy. Ngày nào cũng nói tôi không quan tâm, chỉ lo trò chuyện với con cháu. Khi thấy tôi nằm nghỉ bà ấy lại nói tôi lười, không chịu làm việc nhà. Rồi cứ hễ có chuyện gì là bà ấy xỉu lên, xỉu xuống, nhõng nhẽo như đứa con nít. Hay khi cái vòi nước trong nhà bị hư, cũng một mình tôi mày mò đi mua về sửa".
"Cái nhà bẩn, tôi cũng lấy chổi quét. Bà ấy không ăn được cơm, tôi bảo con nấu cháo, năn nỉ bà ấy ăn… Nói thật, tôi cũng không chiều được tính bà ấy. Nhưng vì tuổi cao, mà dẫn nhau ra tòa ly hôn thế này, hàng xóm, bạn bè họ cười cho, tôi phải nhẫn nhịn. Vậy mà bà ấy cứ đòi ly hôn thôi”.
Lặng đi một lúc, ông nói bà đừng ly hôn nữa, ông sẽ sống với bà tốt hơn. Nhưng bà chỉ nói tiếng “không”. “Nếu không ly hôn, về sống với ông, lại bị ông đánh, ông hắt hủi nữa à. Tôi không có dại đâu, ông đừng dụ. Nếu ông biết thương tôi thì đồng ý ly hôn đi”.
Nghĩ một lúc, ông lại năn nỉ tiếp: “Bà không nghĩ đến tôi thì nghĩ đến con. Hai đứa lớn tôi không nói làm gì. Đứa út nó bị bệnh, không tự chăm sóc, ăn uống, tắm rửa hàng ngày được. Một mình tôi làm sẽ mệt, vì vậy bà là mẹ nó, bà chăm sóc tốt hơn tôi”. “Vậy thì ông và mấy đứa con dâu tự mà chăm sóc. Tôi già rồi, không có sức đâu”, bà nói.
Đến đây vị chủ tọa hỏi: “Nếu được chấp thuận ly hôn, bà sống với ai?”. Bà cụ nói: “Tôi sống với thằng nhỏ, ông ấy sống với thằng lớn. Chỉ cần tòa chấp thuận ly hôn, gia đình tôi sẽ sắp xếp được”. Và dù không được sự đồng ý của ông, tòa vẫn chấp thuận đơn ly hôn của bà. Khi vị chủ tọa vừa tuyên xong, hai ông bà vội vàng thu hành lý ra về, không ai nhìn ai.
Tâm sự cùng chúng tôi, bà cụ cho biêt, chuyện ông bà dẫn nhau ra tòa ly hôn cũng một phần do các con. Từ ngày hai người con trai lớn của ông bà có gia đình tiêng thì xảy ra chuyện tranh chấp tài sản chung của bố mẹ, vì vậy, ông sống với người anh, còn bà sống với người em. Từ đó, hai bên thường xuyên có mâu thuẫn không thể giải quyết được. Và để phân chia tài sản hợp lý, bà phải ly hôn với ông.
“Thực ra, tôi cũng không muốn ly hôn đâu, vì tuổi đã cao và ông ấy còn thương tôi. Nhưng nhìn mấy đứa con cứ tranh giành tài sản, tui phải làm vậy, dù biết ông ấy rất buồn”, bà cụ nói.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật