Làm xa để củng cố tương lai
Anh Lô Văn Sơn ở Tương Dương (Nghệ An) là một chàng trai hiền lành, chất phác lại rất mực thương vợ. Cưới vợ được gần 6 tháng, Sơn bàn với vợ là chị Vũ Thị Hiền để anh đi lao động xuất khẩu vài năm, kiếm chút vốn liếng để xây căn nhà cũng như lo cho tương lai gia đình.
Chị Hiền gật đầu cái rụp đồng ý cho chồng đi xuất khẩu lao động. Anh Sơn cho hay: "Vợ tôi vốn là con gái thành phố, tôi lấy về làm vợ cũng có nhiều áy náy. Vì quê tôi miền núi, người dân quanh năm suốt tháng chỉ lo tới nương rẫy, vất vả mà cũng chẳng đủ ăn".
Thương vợ làm dâu miền sơn cước sẽ phải vất vả nên anh Sơn dò hỏi bạn bè và tìm mối đi sang nước ngoài làm công nhân. Cuối cùng anh quyết định sang Hàn Quốc làm thợ hàn xì. Ngày chia tay gia đình ra sân bay, vợ chồng trẻ quyến luyến không muốn rời xa. Nhưng rồi, anh nghĩ vì tương lai và cũng để vợ con sau này được sung sướng nên anh Sơn quyết gạt nước mắt.
Ở xứ người, tháng nào anh Sơn cũng gọi điện về nói chuyện với vợ. Nhờ thế, nỗi nhớ và sự vất vả với anh tan biến hết. Anh rất mực tin tưởng vào người vợ ngoan hiền của mình. Cứ 3 tháng một lần, anh Sơn lại ra ngân hàng gửi tiền về cho vợ và không quên kèm theo một bức thư đầy tình cảm bày tỏ nỗi nhớ và tình yêu với vợ. Đồng thời, cũng anh nhắc nhở vợ dành dụm tiền mua vàng để khi anh trở về sẽ đem số vốn ấy xây nhà và buôn bán.
Về phần Hiền, sau khi anh Sơn vắng nhà vài tháng, chị xin phép gia đình nhà chồng cho về nhà mẹ đẻ ở TP Vinh để tiện làm ăn buôn bán. Thế nhưng, chẳng ai ngờ, chị Hiền đã đem số tiền mà anh Sơn gửi về hằng tháng để "bao" cho tình nhân ăn chơi.
|
5 năm xuất khẩu lao động, anh Sơn vẫn hoàn trắng tay. |
"Tôi muốn chết quách cho xong"
Ngồi trong căn nhà nhỏ xíu, xập xệ ở huyện miền núi Tương Dương, giữa cái nóng như đổ lửa của miền Tây xứ Nghệ, anh Sơn không khỏi uất ức, giọng nghẹn lại: "Không còn nỗi nhục nào lớn hơn việc bị vợ mang của cải đi "bao" cho người tình. Phận người xuất khẩu lao động đâu có sung sướng gì. Một tuần 40 tiếng làm việc, thêm 20 tiếng nữa tăng ca những mong kiếm thêm chút tiền để gia đình đỡ khổ. Nào ngờ...".
Ở bên Hàn Quốc, anh Sơn cũng không biết chuyện vợ đem tiền "bao" người tình. Người chị gái của anh Sơn nghe bạn bè đồn thổi về người em dâu nên sinh nghi liền viết thư cho Sơn. Sơn về nước, Hiền vẫn ra sân bay đón vẻ mừng rỡ. Bữa tối xong xuôi, Sơn hỏi vợ về số tiền anh đã ky cóp suốt 5 năm vừa rồi. Vợ anh, sau một hồi trả lời vòng vo đã thừa nhận tiêu hết số tiền ấy.
Nhưng đau đớn hơn, toàn bộ số tiền anh Sơn làm ra đều bị vợ đem nuôi người tình. Anh Sơn lúc ấy như phát điên phát dại, nhưng vợ anh thì thản nhiên bỏ về nhà mẹ đẻ như không có chuyện gì xảy ra. Bố mẹ Hiền biết chuyện, họ mười phần đau khổ vì đứa con gái mất nết đã phá huỷ hạnh phúc mà người chồng cố tạo dựng.
Từ đó, tâm lý anh Sơn không ổn định, đã có lần anh tìm đến cái chết nhưng không thành. Gia đình phải đưa anh đi chữa trị ở bệnh viện nhưng sự tổn thương tâm lý vẫn dai dẳng trong anh. Anh Sơn chia sẻ: "Đã nhiều lần tôi muốn chết quách cho xong nhưng nghĩ về gia đình nên không đành tâm. Đã nhiều lần tôi đem đơn ly hôn cho cô ấy ký nhưng cô ấy không đồng ý".
Anh Sơn cũng thổ lộ rằng, việc tiền nong anh làm ra bị vợ tiêu tán hết cũng chưa hẳn là một lý do lớn cần phải ly hôn. Nhưng việc một người vợ không tôn trọng công sức lao động vất vả của chồng, lại đem công sức ấy nuôi người tình đã khiến con tim anh không thể tha thứ.
BÀI LIÊN QUAN
dại tra
Thái Hoà