Chồng Tây hưởng trăng mật với vợ Việt ở Viện K

Google News

Những bệnh nhân cùng phòng không thể quên dáng vẻ cao lớn của "ông Tây" lụi cụi thức đêm, tiếp nước và bón cho người vợ bé nhỏ từng thìa cháo. 

Thiên hạ nói “đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai” nhưng những người phụ nữ trong câu chuyện dưới đây lại ngoại lệ. Vì họ nhận được tình yêu của chồng từ những việc làm, những hành động, những cử chỉ. Và tình yêu đó còn mạnh mẽ, đằm thắm hơn bất kỳ lời yêu có cánh nào.
Người đàn ông chia sẻ trăng mật với vợ ở Viện K
Được tôn vinh tại Hội nghị điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội giai đoạn 2008-2013 và được mời giao lưu với khán giả, dù rằng người dẫn chương trình đã nghẹn giọng khi nói về căn bệnh mà Nguyễn Thị Khánh Thương - giảng viên ngành truyền thông Khoa báo chí Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đang mang, về những công việc Khánh Thương đang làm trước khi quỹ thời gian cuộc đời cạn kiệt. Nhưng cô lại không nói nhiều về mình.
 Vợ chồng Khánh Thương - Aaron.
Bằng chất giọng nhỏ nhẹ, Khánh Thương chỉ giản dị nói rằng, cô vẫn còn rất nhiều những hoạt động thiện nguyện muốn làm và những khát khao sẽ mở được nhiều cánh cửa tri thức hơn nữa cho lớp trẻ… Và khi nhắc đến người chồng yêu thương đang ngồi dưới hàng ghế khán giả đăm đắm nhìn vợ, Khánh Thương cũng chỉ giản dị nói: “Đây là Aaron, chồng em, người Australia”.
Quen nhau và yêu nhau khi Khánh Thương đang du học tại Australia, Aaron đã cầm chặt tay Khánh Thương và khẳng định “Em sẽ không phải chiến đấu một mình" khi biết cô mang trong mình căn bệnh trọng: ung thư vú di căn vào xương, chỉ có thể duy trì sự sống chứ không thể chữa khỏi.
Thương Aaron, Khánh Thương đã nói hết bệnh tình của mình để anh có một sự lựa chọn khác tốt đẹp hơn cho cuộc đời. Nhưng Aaron đã chọn ở lại cùng Khánh Thương để đi tiếp chặng đường chông gai phía trước. Sau đám cưới, Aaron xin nghỉ việc và theo vợ về Việt Nam. Không có tuần trăng mật, mà thay vào đó là những ngày điều trị trong Bệnh viện K chen chúc người, ngột ngạt thuốc.
Những bệnh nhân cùng phòng không thể quên dáng vẻ cao lớn của "ông Tây" lụi cụi thức đêm, tiếp nước và bón cho người vợ bé nhỏ từng thìa cháo. Khi Khánh Thương ra viện đi làm, những buổi vợ mệt, Aaron lại đưa vợ đi làm. Aaron đã quyết định ở lại Việt Nam tìm việc để đồng hành cùng vợ mình, giúp Khánh Thương hoàn thành những dự định về thiện nguyện và giảng dạy còn dở dang…
Tôi không thể quên giọng nói vỡ òa của người dẫn chương trình khi Aaron ngượng nghịu đứng dậy trong tiếng vỗ tay tràn ngập khán phòng: “Cảm ơn anh, cảm ơn tình yêu của anh đã dành cho một người phụ nữ Việt Nam. Thế mới hay tình yêu đâu chỉ nói bằng lời!”
Tránh nhắc đến “con trai” vì yêu vợ
Là trưởng tộc nhưng ông Nguyễn Quang Vịnh ở thôn Đông Khánh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang có rất nhiều con gái, hẳn 6 cô. Vậy mà trong nhà ông bao nhiêu năm nay chưa hề có cãi nhau, hay tiếng bấc tiếng chì. 6 cô con gái của ông (5 người đã đi làm, cô út đang học ĐH Y) đều khôn lớn, trưởng thành trong sự yêu thương của cha mẹ.
 Ông Nguyễn Quang Vịnh tại hội nghị tôn vinh.
Ông tâm sự: “Sinh nhiều con gái, vợ chồng tôi cũng phải chịu nhiều áp lực của cha mẹ, dòng họ lắm chứ, vì tôi là trưởng tộc mà. Vợ tôi là giáo viên, tính hay nghĩ, nụ cười của cô ấy cứ héo hon sau mỗi lần sinh nở. Thú thực, nhiều lúc tôi cũng nghĩ giá như mình có cậu con trai, nhưng nhìn vẻ mặt buồn rầu của vợ, nét thơ ngây của các con gái, tôi không cho phép mình làm điều không phải”.
Đối mặt với sự dèm pha của bạn bè, dòng họ, ông Vịnh luôn giữ thái độ đúng mực. Ông giảng giải với họ hàng rằng mình là bộ đội Cụ Hồ nên phải có suy nghĩ tiến bộ, rằng con nào cũng là con, quan trọng là phải nuôi con nên người. Nói đi đôi với làm, hai vợ chồng ông làm việc không quản mệt mỏi để nuôi 6 cô con gái ăn học thành người. Thấy thế, những lời ong tiếng ve mới thôi không còn quấy nhiễu ngôi nhà nhiều con gái của vợ chồng ông nữa.
“Nhưng tôi biết vợ tôi vẫn có lúc buồn. Thương vợ nên tôi luôn để ý từng lời ăn tiếng nói của mình. Trong chuyện gia đình, tôi tránh nhắc tới hai chữ “con trai” để khỏi đau lòng vợ. Bốn mươi năm lấy nhau hai vợ chồng chưa bao giờ to tiếng” – ông Vịnh cho biết.
Mới đây, gia đình ông Nguyễn Quang Vịnh với thành tích gia đình hiếu học nhiều năm liền đã được tôn vinh trong hội nghị 100 gia đình tiêu biểu của tỉnh Bắc Giang. Giản dị trong chiếc áo sơ mi ngả màu, tay người cha của 6 cô con gái khẽ run run khi cầm micro trả lời phỏng vấn. Nhưng, những lời ông nói ra về tình yêu đối với vợ và con gái, về cái cách ông vượt qua những định kiến, áp lực trọng nam khinh nữ thì rất đáng khâm phục.
Theo Pháp Luật Việt Nam