Cưới vợ giả... hậu quả thật!
Theo lời giám đốc nhiều trung tâm chuyên cho thuê vợ tại Hà Nội, đa số những người đàn ông tìm đến dịch vụ thuê vợ đều là những người gặp vấn đề về giới tính, muốn hợp thức hóa một người vợ để tránh sự đàm tiếu của dư luận và làm mất mặt gia đình, dòng họ. Một số khác, vì vướng chuyện nợ nần muốn có tiền hồi môn như một chiếc phao cứu cánh để trang trải nợ nần cũng tổ chức đám cưới giả. Tuy nhiên, đằng sau đó là rất nhiều câu chuyện bi hài đã xảy ra quanh chuyện thuê vợ.
Những người được chọn làm cô dâu cũng phải là người ăn nói nhanh nhẹn, ngoại hình xinh xắn. Họ thường được “huấn luyện” kỹ càng các kỹ năng giao tiếp, ứng xử với quan viên hai họ sao cho vừa khéo léo, dịu dàng lại có thể làm… mát mặt chú rể hờ.
Ngay cả việc phải làm sao cho thật giống vẻ e ấp, ngượng ngùng ngày mới về nhà chồng, “cô dâu hờ” cũng phải “diễn” cho đạt. Đến thời hạn kết thúc hợp đồng, chú rể sẽ lấy lý do không hợp nhau để đường ai nấy đi. Để tạo lòng tin cho khách hàng, những cô dâu hờ này thường được các trung tâm dịch vụ quảng cáo là giảng viên, nhân viên văn phòng, luật sư...
Tùy vào từng trường hợp cụ thể của khách hàng, công ty sẽ cho ê kíp lên kịch bản chi tiết, phân vai diễn chính, phụ, giống như một bộ phim hoàn hảo. Cô dâu được trung tâm chọn phải là người cách nhà chú rể tối thiểu 100 km để tránh rơi vào tình huống gặp người quen.
|
Ảnh minh họa. |
Trước khi cưới, các “diễn viên” sẽ phải dành thời gian làm quen, học thuộc kịch bản đã vạch sẵn để tránh bị ngỡ ngàng. Thậm chí, họ sẽ phải học cách diễn sao cho giống một cặp đôi yêu nhau thật sự. Nhiều cô dâu hờ vào nghề vì “bất đắc dĩ”, một số khác muốn kiếm tiền trang trải cho cuộc sống. Họ xem đây là công việc làm thêm mang lại thu nhập cao, thậm chí còn vui vẻ vì giống như đang làm việc tốt giúp đỡ người lâm vào hoàn cảnh khó khăn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Cưới hỏi T.M. tự quảng cáo với phóng viên là hiện công ty có hàng trăm nhân viên và cộng tác viên ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có hàng chục “diễn viên” là nữ có tuổi đời từ 18 đến 30, thuộc nhiều thành phần: Cán bộ về hưu, công chức, lao động tự do, nhân viên văn phòng... và tất cả đều có nhân thân tốt.
Trước khi một đám cưới diễn ra, giữa 2 bên phải ký hợp đồng, trong đó ghi cụ thể từng công việc phải làm như yêu cầu chú rể thế nào, gia đình chú rể ra sao. Đặc biệt, chú rể sẽ phải liệt kê danh sách khách mời, bạn bè, quan viên hai họ để “cô dâu” tránh được việc gặp người quen.
Đối với những khách hàng giàu có, công ty sẽ phải chọn được gia đình nhà gái “môn đăng hộ đối”, theo đó, cha mẹ cô dâu phải là người có phong cách lịch lãm, sang trọng, cô dâu là trí thức, có hiểu biết. Tuy nhiên, không phải đôi “vợ chồng hờ” nào cũng tránh được những sự cố ngoài ý muốn và những tình huống bất ngờ mà không một người soạn thảo hợp đồng cao siêu nào có thể lường trước hết được.
Nhờ trung tâm chuyên thuê vợ bày kế để… ly hôn
Theo ông T (Giám đốc một trung tâm cho thuê người đóng thế) kể: “Việc nhầm lẫn tên chú rể hay việc cô dâu không nhớ tên 'bố mẹ đẻ' của mình diễn ra như cơm bữa. Tuy nhiên, oái oăm nhất là những câu chuyện bi hài sau khi đám cưới linh đình kết thúc...”.
T. kể, nhiều gia đình chú rể yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn trước khi tổ chức hôn lễ. Với trường hợp này, trung tâm thường phải tìm những đối tượng khách hàng có nhu cầu thuê chồng để hợp thức hóa việc hôn nhân. Cũng có không ít trường hợp người đóng thế đã buộc phải ký vào giấy kết hôn.
Năm 2012, trung tâm này tổ chức lễ cưới giả cho một khách hàng tên H (35 tuổi, Quảng Trị). Người này gặp vấn đề về giới tính nên khi thấy con trai đề cập chuyện cưới xin thì gia đình mừng như vớ được vàng. Để cho chắc ăn, họ yêu cầu “cô dâu, chú rể” đăng ký kết hôn ngay trong ngày về ra mắt.
Tình huống phát sinh bất ngờ, cô dâu không biết xử lý thế nào, trong khi đó, chú rể thì khóc lóc van xin hứa sẽ trả thêm tiền hậu hĩnh để bù đắp thiệt thòi cho cô dâu. Cuối cùng cô gái này cũng tự nguyện chấp nhận.
Một trường hợp cũng diễn ra bi hài không kém. Một doanh nhân tên N.M.H (42 tuổi ở Hà Nội) muốn tiến hành một đám cưới giả để vui lòng người bố đang mắc căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Oái oăm ở chỗ, sau lễ cưới được một tuần, người bố này đột ngột qua đời. Không thể lấy lý do ly dị hay vợ đi công tác để trốn tránh việc lo hậu sự, người đàn ông này đã phải tìm đến trung tâm để ký tiếp hợp đồng “thuê vợ theo ngày”. Khổ nỗi, cô gái này lại đang ở Sài Gòn giải quyết việc cá nhân.
Người đàn ông này đã phải xuống nước năn nỉ, thậm chí đích thân đáp chuyến bay ngay trong đêm để đón cô gái ra Hà Nội “diễn” cho tròn vai người con dâu hiếu thảo. Theo quảng cáo của những trung tâm cho thuê người đóng thế, trong hợp đồng hôn nhân luôn có những điều khoản nghiêm ngặt, yêu cầu cả “diễn viên” và người thuê phải tuân thủ đúng quy định.
Trong đó, luôn có thỏa thuận: Không được động chạm vào thân thể, quan hệ tình dục với “người đóng thế”. Tuy nhiên, nhiều công ty phải thừa nhận, việc “giả thành thật”, tự nguyện đến với nhau giữa nhân viên và khách hàng họ cũng không thể kiểm soát được.
Trường hợp của người đàn ông tên M. (Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình. Ngay sau khi tổ chức lễ cưới trót lọt, cả cô dâu và chú rể hờ bỗng nhiên dọn về sống chung một nhà. Thời gian đầu, họ sống khá hạnh phúc nhưng một năm sau, mâu thuẫn bắt đầu nảy sinh.
Do chưa có giấy tờ thủ tục pháp lý ràng buộc nên chú rể quyết định “đường ai nấy đi” và nhanh chóng tìm cho mình một hạnh phúc mới. Quá ấm ức vì bị phụ bạc, “cô vợ hờ” quậy tưng bừng, hết đến cơ quan “chồng” làm ầm ĩ, lại “dọa” sẽ tự tử nếu bị bỏ rơi. Tiến thoái lưỡng nan, người đàn ông này đành đến nhờ trung tâm “cắt đuôi” và giải quyết hậu quả.
Tuy nhiên, chuyện này ngoài thẩm quyền giải quyết của công ty. “Ngay từ khi họ đến với nhau, chúng tôi đã tổ chức nói chuyện với cả hai bên và yêu cầu họ ký vào cam kết tự chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả sau này. Khách hàng lúc đó còn cảm ơn trung tâm rối rít vì đã tìm cho họ một người vợ lý tưởng.
Chúng tôi luôn có điều khoản yêu cầu “người đóng thế” không được gây rắc rối, lộ thông tin khách hàng sau khi hợp đồng kết thúc nhưng đây là họ tự nguyện yêu nhau, đến với nhau thì chúng tôi không thể can thiệp”, T., giám đốc trung tâm thuê người đóng thế phân trần.
“Từ mặt” con khi phát hiện ra đám cưới giả
Hầu hết các công ty tổ chức dịch vụ nhạy cảm này đều yêu cầu nhân viên không được sử dụng mạng xã hội để tránh những rủi ro ngoài ý muốn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, “cô dâu” hờ đã để lộ thông tin thật làm chú rể rơi vào tình huống dở khóc, dở cười.
Giám đốc trung tâm P.T. chuyên cho thuê vợ kể, đầu năm 2011 công ty này tổ chức đám cưới giả cho một khách hàng N.V.K. (ở Long Biên, Hà Nội) là người đồng tính muốn kết hôn cho bố mẹ vui lòng. Kịch bản ly hôn sau đó cũng diễn ra khá suôn sẻ và không ai mảy may nghi ngờ gì.
Tuy nhiên, sau đó do mâu thuẫn trong nhà, người em trai K. vì “bức xúc” đã lên mạng xã hội tìm hiểu thông tin về “chị dâu”. Người này tá hỏa khi phát hiện tất cả những thông tin về vợ anh trai trước đây đều là giả. Bức xúc vì dính cú lừa ngoạn mục, cả dòng họ đã họp bàn định từ mặt K. Mãi sau này, khi hiểu được hoàn cảnh và lý do tổ chức đám cưới giả của K, gia đình đã dần chấp nhận và tha thứ.
Việc thuê “vợ”, tổ chức một đám cưới giả có thể giúp người trong cuộc giải quyết những vấn đề tế nhị, vướng mắc trong cuộc sống nhưng theo phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình: Việc thuê vợ, thuê chồng là một hành động lệch lạc và hèn nhát, trong đó các bên tham gia có thể không lường hết được những hệ lụy của nó.
“Đó là cái tôi tự kỷ chứ không phải là hành động chống lại chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Nếu người ta tin tưởng việc làm của họ là đúng thì người ta đâu cần phải thuê, đâu cần phải lừa dối những người xung quanh. Còn nói đó là hành động hèn nhát vì họ không dám đối diện với thực tế.
Bạn gái tham gia dịch vụ có nguy cơ rủi ro, nguy hiểm cao, khách hàng có thể có những hành động lạm dụng, thiếu tôn trọng nhất là khi bạn gái không biết khách hàng của mình là người như thế nào, có lịch sự hay không? Sau một thời gian đóng vai “người thay thế”, người con gái nhiều khả năng sẽ bị chai sạn đi cảm xúc, công thức tính hóa tình yêu, rất khó rung động”, ông Trịnh Hòa Bình nói.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cũng nhấn mạnh: Trong một xã hội mà mọi thứ đều được mang ra mua bán, và tình cảm cũng bị vật chất hóa như một thứ hàng tiêu dùng thì rõ ràng nó thể hiện sự xuống cấp về đạo lý và nhân văn.
Đứng ở góc độ pháp luật, luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng Văn phòng luật sư Interla, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Việc làm thuê vợ, thuê chồng là trái pháp luật. Vợ chồng là được điều chỉnh theo Luật hôn nhân và gia đình. Quan hệ hôn nhân phải xuất phát từ tình yêu và dựa trên tinh thần tự nguyện.
Theo nguyên tắc, trước khi tổ chức kết hôn thì phải làm thủ tục đăng ký kết hôn ở xã, phường còn kể cả làm đám cưới mà không đi đăng ký kết hôn cũng chưa đủ để được công nhận là vợ chồng. Những công ty mà đứng ra môi giới, tổ chức dịch vụ này nếu bị phát hiện sẽ vi phạm pháp luật. Tội danh thì tùy thuộc vào hành vi mà những công ty này đã làm nhưng trước hết là sẽ bị xử phạt hành chính.
Theo Hôn Nhân & Pháp Luật