Ngồi đối diện với tôi là một người đàn ông trắng trẻo, khuôn mặt luôn rạng rỡ khi trò chuyện. Năm nay đã ngoài ngũ tuần nhưng ít ai nghĩ rằng, ông đã có một thời lầm lỗi để phải trả giá cho chính cuộc đời mình bằng cái án chung thân.
Ngày ra trại, không như bao số phận cùng cảnh ngộ trở về quê hương để được đoàn viên, ông quyết tâm ở lại ngay chính mảnh đất mà mình từng cải tạo để làm lại cuộc đời.
Chuyện chàng trai quê tận Hải Phòng sau khi ra tù chọn mảnh đất xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) làm quê hương để hoàn lương khiến ai cũng mến phục.
Cái giá bồng bột của tuổi trẻ
Từ một chàng trai đã được tôi luyện trong quân đội (từ năm 1974 đến năm 1979), sau khi rời quân ngũ, Phạm Văn Trắng tham gia lớp Trung cấp hàng hải rồi trở thành thủy thủ của Cục Vận tải đường biển. Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, từ nhỏ, Trắng đã được bố mẹ cho ăn học đến nơi đến chốn. Tuy nhiên, nếu không có cái ngày định mệnh vào cuối tháng 7/1980, khi Trắng ra tay sát hại người chị dâu thứ 2 của mình chỉ vì sự nông nổi của tuổi trẻ, thì giờ Trắng cũng có một cuộc đời tươi sáng hơn. Ngày ấy, người dân xã Tiên Tiến, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) vẫn không thể tin nổi một chàng trai hiền lành, đẹp trai, được sinh ra trong một gia đình nề nếp lại mang tội giết người.
|
Ông Phạm Văn Trắng và vợ.
|
Cuối năm 1980, Phạm Văn Trắng bị TAND Hải Phòng tuyên phạt án chung thân. Kể từ đó, ngã rẽ cuộc đời của chàng trai ở độ tuổi 22 còn phơi phới xuân xanh đã phải trả giá bằng suốt chuỗi ngày tù tội. Sau khi tòa án phán xét tội danh, Phạm Văn Trắng được đưa đi cải tạo tại Trại giam Hòa Bồ (Quảng Ninh) 1 năm rồi chuyển vào Trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) cho đến ngày được giảm án và mãn hạn tù.
Cô giáo làng thức tỉnh chàng trai tù tội hoàn lương
Chỉ đến khi bừng tỉnh lòng khao khát được hoàn lương, làm lại cuộc đời, Phạm Văn Trắng không ngừng nỗ lực, cố gắng cải tạo tốt. Từ một phạm nhân với cái án chung thân, Trắng đã được giảm án xuống còn 20 năm, rồi xuống còn 17 năm. Những chuỗi ngày ở Trại, vì cải tạo tốt nên Trắng được cán bộ cho ra ngoài làm kinh tế theo kế hoạch của Trại giam. Và, thế là thêm cho Trắng cơ hội sớm hoàn lương để làm lại cuộc đời.
Những ngày ra ngoài dân làm thợ mộc, Trắng đã phải lòng cô giáo Nguyễn Thị Nhật dạy học trường làng ở xã Nghĩa Dũng. Mặc dù cô giáo Nhật đã từng có một đời chồng với 2 đứa con và hơn tuổi mình, nhưng qua từng cử chỉ, 2 người đã cảm mến nhau. Còn với cô giáo Nhật, dù phận nữ đa đoan nhưng vẫn dành cho Trắng - một người tù tình cảm chân thành và khơi dậy khát vọng hoàn lương cho Trắng sớm cải tạo tốt để có ngày đoàn viên.
“Áp Tết năm 1997, tôi được cán bộ Trại giam thông báo mình đã thực hiện xong án phạt tù. Năm đó, khi bước ra khỏi cổng Trại giam, tôi đã thấy vợ mình bây giờ chờ sẵn. Niềm vui vỡ òa trong sung sướng, lần đầu tiên trong đời sau gần 20 năm ở tù, tôi đã được gia đình Nhật cưu mang rồi ở lại đón một cái Tết đầy ý nghĩa nơi mảnh đất xứ Nghệ” - Phạm Văn Trắng kể lại.
Dù bà con lối xóm lời ra, tiếng vào, nhưng bằng lòng bao dung, tình yêu thương, cô giáo Nhật đã gạt bỏ tất cả quyết định chung sống với một người đàn ông đã từng tù tội. Và, đến tháng Giêng năm đó, ông Trắng và bà Nhật được 2 bên nội ngoại tổ chức một đám cưới giản dị nhưng tràn ngập hạnh phúc. Với những ân nghĩa của gia đình bà Nhật, ông Trắng quyết định ở lại quê vợ ngay tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ để làm lại cuộc đời.
Ngày mới đến với nhau, mặc dù bà Nhật đang nuôi 2 con riêng còn nhỏ nhưng ông Trắng vẫn luôn yêu thương như chính con đẻ của mình. Để vượt qua hoàn cảnh khó khăn, với nghề mộc đã được học thời còn ở Trại, ông Trắng bàn với vợ mở một xưởng mộc nhỏ ngay tại nhà mình. Hàng ngày, cô giáo Nhật vẫn đến trường làng, còn ở nhà, Trắng lại hì hục đục đẽo, đóng giường, tủ, bàn ghế… để kiếm thêm thu nhập.
Đến năm 2005, do ảnh hưởng của chất độc da cam hồi còn tham gia thanh niên xung phong thời kỳ chống Mỹ ở chiến trường Lào, nên sau khi nghỉ hưu, bà Nhật bị tai biến mạch máu não. Khi biết vợ mình lâm bệnh, sức khỏe yếu đi, ông Trắng lại thay vợ làm mọi việc. Cuộc sống của họ tuy còn nghèo nhưng trong gia đình luôn tràn ngập yêu thương. Và, hạnh phúc hơn cả là ông Trắng đã viết tiếp cuộc đời hoàn lương của mình thật sự có ý nghĩa.
Theo Công An Nghệ An