Vợ chồng vô sinh nhận con nuôi lấy khước
Sau khi mệt mỏi chữa vô sinh mà không có kết quả, nhiều cặp vợ chồng được người thân, họ hàng, nhất là những người lớn tuổi, khuyên nên nhận con nuôi để lấy khước, nhờ đó mà sinh được con. Không ít người đã làm theo "cách" này và trong số họ sau đó đã toại nguyện: sinh được đứa con máu mủ của mình.
"Tôi nghĩ là khi mình nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi hay vì lý do nào đó mà bị bỏ rơi, mình đã tạo phúc và vì thế mà trời thương, cho mình có con", chị Nguyệt Hà, mẹ của hai đứa con, một con nuôi, một con đẻ, tâm sự. Sau hai năm đón bé Hin về nhà, chị có bầu và sinh ra cu Thóc. Nguyệt Hà cho rằng, đứa con trai là phần thưởng mà trời ban cho hai vợ chồng vì đã đem lại mái ấm, tình thương yêu cho một đứa trẻ bị mẹ cho đi khi mới lọt lòng.
Anh Tùng Lâm, 39 tuổi, người vừa chào đón sự ra đời của con gái bé bỏng, cũng nhận một bé trai làm con nuôi cách đây 3 năm. Theo anh, mỗi đứa trẻ là một món quà của Chúa, mà con trai anh là món quà may mắn. Sự có mặt của cháu đã giúp "gọi" đứa em gái đến với gia đình.
Cũng có con đẻ sau khi nhận con nuôi, anh chị Linh - Nga không coi đó là điều huyền bí. Chị Nga nói: "Khi mẹ chồng tôi bảo nên nhận nuôi một đứa trẻ để lấy may thì mới dễ sinh con, tôi thấy đó là một ý hay, nhưng không nghĩ đó là chuyện duy tâm. Đơn giản là gần 7 năm chạy chữa, hết hy vọng rồi đến thất vọng, thậm chí có những lúc tuyệt vọng muốn buông rơi tất cả, tôi thực sự kiệt quệ cả về thể xác lẫn tinh thần".
"Tôi nghĩ, việc nhận con nuôi sẽ cho tôi được làm mẹ, được chăm sóc, ấp yêu một đứa bé thiên thần. Nó sẽ đem lại tiếng cười, niềm vui, sự bận rộn đầy bằng an cho cả nhà, giúp vợ chồng tôi hồi phục và biết đâu nhờ thế, việc thụ thai sẽ trở nên dễ dàng hơn". Quả thật, dù vất vả chăm con - một đứa bé sơ sinh bị bỏ rơi trong bệnh viện - chị Nga trở nên tươi tắn, béo tốt trở lại, tính tình hết cáu gắt, đỡ nhạy cảm và tự ái.
Anh Linh, chồng chị, cho biết: "Chúng tôi nhận nuôi bé đến 4 năm mà vợ tôi vẫn chưa có bầu. Ông bà nội ngoại sốt ruột lắm, nhưng hai vợ chồng thì chẳng lăn tăn nữa. Chúng tôi bảo nhau, mình đã có con rồi, thương yêu nó khác gì con đẻ đâu, nên nếu không sinh được nữa thì cũng chẳng có gì thất vọng. Ấy thế mà sau 5 năm, ở tuổi 36, vợ tôi lại mang thai".
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Cặp vợ chồng may mắn này cho rằng, chính sự thoải mái về tâm lý đã đem lại phép lạ. Cũng như chị Nguyệt Hà và anh Tùng Tâm, bên cạnh tình yêu thương, vợ chồng Linh - Nga còn có chút biết ơn đối với đứa bé tuy không máu mủ nhưng đã là con của họ. Thế nhưng, không phải bố mẹ nuôi nào cũng có tình cảm "thủy chung như nhất" như vậy với đứa bé họ đã nhận làm con.
Có con đẻ, con nuôi thành người thừa
Có lẽ khi giao con cho gia đình chị Bích, người phụ nữ sinh ra bé Kim Ngân, con nuôi chị Bích, đã mừng thầm và trong tủi cực vẫn có chút an lòng vì bé được lọt vào gia đình khá giả, không sợ bị thiếu thốn, khổ sở. Quả thật, bé Kim Ngân về nhà cha mẹ nuôi được cả đại gia đình chăm sóc, cưng nựng, từ thực phẩm đến đồ dùng đều là hàng tốt, chỉ cần hắt hơi sổ mũi là đã gọi bác sĩ tới nhà... Ba tuổi, trông bé như một công chúa nhỏ ăn diện điệu đàng, nụ cười tươi rói khiến ai cũng phải nở nụ cười nhìn theo.
Rồi bé có em. Đang là cục cưng, Kim Ngân bỗng bị bỏ rơi. Bé giận dỗi, khóc lóc, gây rối để lôi kéo sự chú ý. Lúc đầu, bố mẹ nhắc nhở nhẹ nhàng, về sau họ cáu quá, quát bé là đồ hư hỏng, bướng bỉnh, được chiều quen thói. Bé bắt đầu bị ăn đòn.
Hồi đầu, Kim Ngân có những phản ứng rất dữ dội khi thấy những quyền lợi của mình bị cắt bỏ. Nhưng sự nghiêm khắc của bố mẹ nuôi cũng như lời quở trách của những người lớn khác khiến bé dần trở nên biết thân biết phận. Kim Ngân trở nên không nói không rằng, lủi tha lủi thủi.
Khi em bé được 9 tháng, chị Bích than phiền rằng vừa nuôi con nhỏ vừa phải đi làm quá vất vả, osin thì cứ dăm bữa nửa tháng lại thay một người, chẳng ai vừa ý cả, thực sự chị không đủ sức chăm bé Kim Ngân nữa, nên gửi về quê nhờ mẹ chồng nuôi hộ.
Mới đây, mẹ chồng chị đau ốm, không thể trông nom đứa cháu nuôi tội nghiệp lúc nào cũng ủ ê, nên gọi điện cho vợ chồng chị Bích đón con lên Hà Nội. Bà gọi đã mấy tháng mà chị vẫn lần lữa chưa đón. Khổ thân đứa bé mới gần 4 tuổi đầu đã trở thành vật bị chối bỏ bởi những người từng nâng niu mình.
Cũng được nhận làm con nuôi nhưng cậu bé Vinh vốn là trẻ mồ côi. Vinh được đón về ngôi nhà của anh Bình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lúc bé 4 tuổi. Năm bé học lớp hai thì bố mẹ có em bé. Hồi đầu, Vinh rất vui sướng vì sự kiện này, nhưng chỉ được ít ngày, bé đã buồn bực, tức giận vì bố mẹ hoàn toàn không để ý đến mình nữa, lúc nào cũng chỉ chăm chăm vào em.
Cậu bé ghen tỵ, nhưng rồi cô và dì nhanh chóng nói cho Vinh biết là bé phải ngoan: "Cháu chỉ là con nuôi thôi, được cho ăn ngon mặc đẹp thế này đã là may mắn lắm rồi, nên phải ngoan, không được quấy rầy bố mẹ, bố mẹ phải chăm em bé".
Nếu nhiều tuổi hơn, chắc Vinh đã hiểu là mình cần biết thân biết phận, nhưng vì mới 7 tuổi, bé không chấp nhận nổi việc bị "mất ngôi" nên bao nhiêu tức giận đều trút hết vào em bé. Khi anh Bình phát hiện ra Vinh lén cấu em, vợ chồng anh đánh cho thằng bé một trận nhừ tử. Từ đó, đứa trẻ mồ côi bị coi là độc ác, hư hỏng, là kẻ vô ơn bạc nghĩa nên bị mắng suốt ngày, bị cảnh cáo, đe dọa, cấm bén mảng vào phòng em bé và không được quấy rầy người lớn.
"Lẽ ra khi nhận nuôi nó, chúng tôi phải tìm hiểu kỹ hơn, không biết bố mẹ đẻ nó là ai, chắc họ phải là những người xấu tính nên mới truyền cái gene đó cho thằng bé. Dù sao thì đã làm phúc nhận làm con, chúng tôi cũng sẽ đối xử tốt với nó, nuôi nó đến khi trưởng thành", vợ anh Bình nói.
Có lẽ họ nghĩ, với một đứa trẻ mồ côi như Vinh, được nuôi ăn đã là tốt lắm rồi, còn tình yêu thì họ phải dành cho con đẻ. Những người hàng xóm của anh Bình cho rằng, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu sau này lớn lên, Vinh trở thành một đứa trẻ hư, thù nghịch với xã hội khi ngay từ thời ấu thơ, nó đã bị những người thân duy nhất mặc định là một kẻ vô giá trị và xấu xa.
Cô bé Thu Lan thì từ địa vị con nuôi đã dần dần trở thành osin trong nhà từ lúc nào không biết. Bố mẹ nuôi của Lan không khá giả, sống ở một huyện thuộc tỉnh Nam Định. Về nhà họ ở tuổi lên ba, bé được chăm sóc khá tử tế nhưng không được cưng chiều mấy. Bởi vậy khi trở thành chị ở tuổi lên 9, bé không hề tỏ ý ghen tị với em. Như nhiều bé gái khác ở nông thôn, Thu Lan giúp mẹ làm việc nhà, chăm sóc em trai bé bỏng. Ai cũng bảo, con bé chăm và ngoan hết sức.
Thế nhưng bố mẹ nuôi của Lan thì ngược lại, ngày càng phàn nàn về con gái nhiều hơn. "Nó vụng lắm. Nó chậm như rùa bò. Con gái con lứa gì mà chẳng biết việc", chị Mến, mẹ nuôi Thu Lan, thường nhăn nhó than thở như vậy khi có khách khen con gái mình. Những lúc đó, cô bé cúi mặt im lặng, ra chiều biết lỗi, rồi tiếp tục lúi húi lau nhà, giặt giũ, nhặt rau, nấu cơm...
"Nó bận luôn chân luôn tay, nhưng ăn mắng suốt ngày, lúc nào bố mẹ nó cũng chê là đồ vô tích sự", người hàng xóm sát vách nhà chị Mến lắc đầu nói. "Con gái ở quê đứa nào chả bị sai việc, nhưng không đứa nào phải quần quật như con bé Lan. Có hôm nó sang quán nhà tôi mua gói mì chính, đang chờ lấy tiền thừa thì mẹ nó đã mắng ầm lên bên nhà là đồ lười biếng trốn việc đi chơi, thế là con bé lại quắn đít lên chạy về, rõ tội".
Đến mẹ chồng chị Mến nhiều khi cũng phải lên tiếng: "Chúng mày đừng vì có thằng cu Bảo mà hắt hủi nó, cũng nhờ nó mới có thằng Bảo đấy". Thế nhưng bà già rồi, lại đau yếu, chẳng đỡ đần được việc gì, nên con dâu cũng vâng dạ rồi vẫn đổ hết việc cho con gái nuôi. Cô bé như một osin trong nhà. Sau khi có em, qua lời xì xào của hàng xóm, nó đã biết mình không phải do bố mẹ đẻ ra nên càng cố gắng ngoan ngoãn. Nó sợ nếu làm bố mẹ nổi giận thì sẽ bị đuổi ra khỏi nhà.
Vợ chồng chị Mến thì nghĩ, họ không giàu có gì, họ đã có con trai, vậy mà vẫn nuôi bé Lan, thế là đã nhân đạo lắm rồi, còn hơn làm đứa trẻ vô thừa nhận hay ở trại mồ côi. Những bậc phụ huynh này không nhận ra rằng, khi nghĩ như vậy, họ không còn là người cha, người mẹ nữa, bởi đứa trẻ được họ nhận làm con nuôi không hề được họ coi là con, mà chỉ là lá bùa cầu tự cho họ, nay đã hết vai trò.
Họ không nghĩ rằng, dù là trẻ mồ côi hay vô thừa nhận thì cũng là một con người, một cuộc đời, mà không ai có quyền sử dụng cuộc đời người khác làm công cụ, phương tiện của mình cả, dù là với danh nghĩa đẹp đẽ "cha con, mẹ con".
Theo Tri Thức Thời Đại