Có người hỏi tôi: "Không sợ mất chồng à?"

Google News

(Kiến Thức) - Xa chồng đúng lúc bầu bí, chị Hải bảo hơn ai hết, chị hiểu được nỗi vất vả của người phụ nữ khi phải tự xoay xở.

Ngày tiễn chồng ra sân bay đi xuất khẩu lao động cũng là ngày chị Đặng Thị Hải (Đông Hải, Tiền Hải, Thái Bình) hay tin mình đang mang bầu được một tháng. Niềm hạnh phúc khi sắp được làm mẹ mới vừa nhen lên đã phải nhường chỗ cho sự bùi ngùi, lo lắng khi phải tạm cách xa chồng khiến chị không khỏi chống chếnh. Nhưng vì tương lai, chị phải "nén lòng mình lại để chồng vững bước".
Chồng đi Hàn Quốc khi vợ mang thai một tháng
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm, chị Hải được về giảng dạy ngay xã bên. Chị yêu rồi lấy anh Trịnh Văn Khoẻ là người cùng xã, đang làm nhân viên kinh doanh cho công ty gạch men gần nhà. So với thu nhập từ đồng lương dạy hợp đồng của chị, tiền lương 5 triệu đồng/tháng của anh đủ giúp cho cuộc sống của hai vợ chồng thoải mái hơn nhiều gia đình trong làng. Thế nhưng, khoản tiền đó lại không ổn định nên sẽ chẳng biết đến khi nào mới có thể xây được nhà riêng, rồi lo cho con cái sau này. Đúng lúc ấy có đợt tuyển lao động sang Hàn Quốc, được hai bên gia đình động viên, anh Khoẻ quyết định làm hồ sơ và trúng tuyển.
"Mới cưới được 8 tháng đã phải xa nhau, thực tình tôi cũng chẳng muốn cho anh đi chút nào. Nhưng nghĩ đến tương lai, lại sợ nếu không để anh đi sẽ vuột mất cơ hội, sau này mình lại ân hận nên tôi cũng dần nguôi với quyết định của anh. Vả lại, lúc ấy chưa vướng bận chuyện con cái chứ có con rồi thì làm sao mà anh đi được", chị Hải chia sẻ.
Thế nhưng, ngày ra sân bay tiễn chồng sang Hàn Quốc cũng là ngày chị phát hiện mình đang mang bầu được một tháng. Chị nhớ lại: "Chưa kịp cảm nhận được niềm vui sướng khi sắp được làm mẹ thì đã phải nhường chỗ cho những bùi ngùi, lo lắng khi phải tạm xa chồng, rồi thì mình sẽ phải xoay xở như thế nào khi không có anh ở bên. Những cảm xúc trái ngược đan xen khiến tôi thật sự chênh chao. Nhưng để anh đi mà phải lo lắng thì tôi không đành lòng, thế là tôi phải cố gắng nén lòng mình lại để chồng vững bước".
 Theo chị Hải, khi vợ chồng xa nhau, điều quan trọng nhất là phải luôn giữ vững niềm tin vào nhau.
Khóc vì tủi thân nhiều hơn... đau đẻ
Xa chồng đúng lúc bầu bí, chị Hải bảo hơn ai hết, chị hiểu được nỗi vất vả của người phụ nữ khi phải tự xoay xở.
"Phụ nữ mang thai, tâm sinh lý có nhiều thay đổi, dễ xúc động. May mắn là tôi không bị ốm nghén, cả mẹ và con đều khỏe trong suốt thai kỳ. Thế nhưng nhiều lúc không khỏi chạnh lòng. Đi khám thai, thấy người ta có chồng đón đưa, mình thì cứ thui thủi. Hay lúc thèm ăn cái này, cái kia, người ta có chồng đi mua cho ăn, còn tôi gần như phải tự làm hết. Rồi thì lúc lên bàn đẻ, nước mắt cứ trào ra, khóc vì đau đẻ thì ít mà khóc vì tủi thân thì nhiều", chị xúc động nhớ lại.
Những ngày xa nhau, phương tiện liên lạc thường xuyên nhất của anh chị là mạng internet. "Hầu như tối nào, chúng tôi cũng tranh thủ lên mạng nói chuyện với nhau. Chính những lúc trò chuyện ngắn ngủi ấy khiến vợ chồng hiểu nhau nhiều hơn và cũng thương nhau hơn". Thế nhưng, điều đó vẫn là chưa đủ: "Cuộc sống của mẹ con tôi sẽ khó khăn bội phần nếu như không có sự hỗ trợ đắc lực từ hai bên gia đình", chị Hải không giấu được niềm tự hào.
Vợ chồng xa nhau, theo chị Hải, điều quan trọng nhất là phải luôn giữ vững niềm tin vào người bạn đời. "Có người hỏi tôi, để chồng đi như thế không sợ "mất" à? Tôi chỉ cười bởi tôi tin chồng mình và ngược lại, anh cũng được tôi tạo niềm tin. Tôi nghĩ, ở bất cứ hoàn cảnh nào thì niềm tin vẫn là thứ quan trọng nhất để gắn kết tình cảm vợ chồng, nhất là khi họ không được ở bên nhau. Nếu không có niềm tin sẽ phát sinh nghi kỵ, hiểu lầm, gia đình rạn nứt là điều khó tránh khỏi", chị nói.
Tết này, anh Khoẻ sẽ về Việt Nam sau hơn 2 năm đi xuất khẩu lao động. Lúc ấy, cô con gái của anh chị cũng đã gần hai tuổi. "Tôi vẫn cho con gái xem ảnh bố thường xuyên để khi bố về, cháu sẽ không khóc thét vì... lạ đấy!", chị nhìn con, nở nụ cười mãn nguyện.
Thanh Thủy