Cõi gia đình bị biến dạng

Google News

Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?

Chị là một người đẹp, đẹp nổi tiếng ở trường đại học Q. Và, chị cũng lạnh lùng nổi tiếng như lời đồn của đám sinh viên trường ấy. Chị lấy chồng cùng quê, có một đứa con trai, rồi vợ chồng chia tay, nghe đâu vì anh nghe lời mẹ hơn vợ.
Cũng có thể như người ta nói - hồng nhan đa truân. Chị dẫn con vào thành phố sống. Xinh đẹp, độc thân, nhiều người theo đuổi, nhưng bao nhiêu năm chị vẫn sống một mình. Chị viết thư hỏi Hạnh Dung, cách nào để con trai chị đừng bị cái gánh trách nhiệm với mẹ đè lên vai, làm sao để con trai chị để ý yêu đương ai đó, làm sao để chị sớm có cháu bồng… Con trai chị đã là bác sĩ, đã 36 tuổi mà vẫn “nhẹ tâng”. Hạnh Dung nghe chị mô tả, hình như trong lòng anh bác sĩ trẻ ấy không có ai ngoài mẹ. Chẳng biết có khi nào chị nghĩ tới cuộc xung đột ngày xưa đã khiến chị bước ra khỏi gia đình chồng, sống một mình cho tới tận hôm nay?
 Ảnh minh họa.
Một bức thư khác của một người bạn 29 tuổi, nói mình đã quyết định không lập gia đình, vì thực lòng không thấy rung động với ai. Điều khiến bạn ấy băn khoăn là bố mẹ. Bạn là con trai một, cha mẹ mong có cháu nối dõi. Bạn nói, giá trời ban cho bạn một người khiến bạn thay đổi, một chút thôi cũng được, bạn sẵn sàng cưới, bạn đủ khả năng lo chu toàn cho gia đình, nhưng trời không ban! Bạn vẫn “trơ như đá vững như đồng” không thể đánh lừa bản thân vì hoàn toàn không có cảm xúc với ai! Hỏi ra mới biết, cha mẹ bạn sinh được mình bạn rồi sống ly thân. Họ không thể ly hôn, nhưng chừng ấy năm mỗi người sống cuộc đời riêng. Điều họ cần là một đứa cháu trai mang họ của dòng tộc, vì dù phong lưu chỗ này chỗ nọ nhưng cha bạn vẫn không có thêm đứa con nào nữa. Bạn là niềm hy vọng duy nhất. Giờ bạn phải làm sao?...
Nghe chuyện như thời trung cổ, với những bi kịch cá nhân, với ràng buộc gia phong, với những tâm tư kín cổng cao tường lạc lõng giữa thời hiện đại. Nhưng ngẫm lại, thấy giữa những câu chuyện ấy có một mối dây liên hệ nào đó. Những con người bị giam cầm sau lớp cửa của gia đình, mà trong đó tình yêu đã tàn lụi, dù có sống chung với nhau hay sống một mình, thì cũng chỉ là những chiếc bóng mang trong mình nỗi cô đơn truyền kiếp. Những đứa trẻ lớn lên trong những gia đình ấy cũng mang theo mình nỗi cô đơn như một gia tài thừa kế vô thức, để rồi rất có thể sẽ lại tự khép mình trong thế giới riêng.
Q. cũng là một trường hợp lớn lên trong gia đình không đầy đủ mẹ cha. Cha cô, bằng ý chí và công sức của mình, đã quyết nuôi con gái ăn học thành tài. Lấy bằng thạc sĩ ở nước ngoài, về làm việc tại một trường đại học được bảy năm, cô viết đơn gửi công đoàn trường thông báo trường hợp đặc biệt của mình: cô muốn đến bệnh viện thụ tinh ống nghiệm để có một đứa con, cô không muốn lấy chồng, nhưng cũng không muốn quá mất độ tuổi sinh nở, trong khi cha cô rất mong cô lập gia đình, mong có cháu. Lá đơn của cô làm công đoàn “choáng”, vì rõ ràng đây là một lời tuyên bố miễn trách nhiệm cho giới đàn ông, cũng là để công đoàn không đánh giá cái việc không chồng mà chửa của cô dưới lăng kính đạo đức thường thức!
Khi công nhận ly hôn, xã hội đã xuất phát từ việc công nhận quyền tự do, bình đẳng của người phụ nữ, xuất phát từ việc giải phóng con người. Và cũng như vậy, đối với những trường hợp làm mẹ đơn thân. Nhưng, có một góc khuất ít người để ý, đó là chuyện trong khi hình mẫu gia đình bình thường vốn đã được xây dựng, củng cố hàng ngàn năm, thì những hình thức gia đình mới cũng đang trong thời kỳ chật vật tìm một hướng tồn tại, đảm bảo được yếu tố cân bằng cho sự phát triển và hoàn thiện nhân cách của thế hệ kế tiếp. Khi loay hoay trong cõi hẹp của riêng mình, nhiều thứ đã bị đánh mất mà người ta không biết, khi nhận ra kết quả sai lạc so với mong muốn, cũng là khi đã không thể sửa chữa được nữa...
Mỗi ngày Hạnh Dung nhận bao nhiêu thư, với bao nhiêu cuộc hôn nhân đang vẫy vùng, ngoi ngóp. Với những người đàn ông lẫn đàn bà trong hoàn cảnh ấy, ly hôn trở thành một lối thoát gần hơn cả, dễ dàng hơn cả. Không ai hình dung cõi gia đình ấy khi bị biến dạng, bị xé làm nhiều mảnh, cho dù còn lại mẹ hay cha, cũng sẽ trở thành một cõi vô tình, sẽ khô cằn lắm, khó khăn lắm cho sự lớn lên bình thường của những đứa trẻ. Ly hôn, rồi sao nữa? Có ai nhìn vào những thế hệ hậu ly hôn, hậu ly thân, để trả lời câu hỏi ấy mà giữ cõi sống bình yên cho con cái?
Theo Phụ Nữ TP HCM