Mẹ tôi mê bói, nói đúng hơn là tất thảy những người đàn bà ở làng tôi đều ham bói toán. Những lúc nông nhàn họ thường chụm đầu thì thầm kể về một vụ gọi hồn, vài địa chỉ xem bói nghe đồn linh lắm.
Cũng có khi truyền tai nhau mấy câu chuyện nghe ngóng được trong lúc cùng ngồi khấn vái trong một cửa điện nồng mùi hương khói. Những câu chuyện không kết thúc khi họ rời nhau trở về nhà lo cơm nước cho chồng con, mà nỗi ám ảnh còn đeo bám họ vào cả bữa ăn, giấc ngủ, vào những phút giây thẫn thờ hay lo toan bật thành tiếng khóc giữa đêm khuya. Để rồi họ giấu chồng con dành dụm tiền bạc dấm dúi đi cúng bái khắp nơi. Người đi giải hạn, người cắt duyên âm, người cầu con cái, người mong tìm chồng, lại có cả những người phụ nữ ham mê đề đóm xì xụp khấn vái xin lộc khắp nơi. Chỉ cần ngồi quan sát trong cửa điện một vài giờ cũng đủ thấy bi kịch lẫn trong bi kịch. Bởi ở đó họ trở nên nhỏ bé, thấp hèn, van xin và lầm lũi đáng thương hơn bao giờ hết…
|
Ảnh minh họa. |
Mẹ tôi thường tìm đến những quẻ bói những lúc lòng bà cảm thấy bất an. Ấy là mỗi khi mấy chị em tôi gặp chuyện chẳng lành. Chị lấy chồng xa, thi thoảng lại mang về cho mẹ một vài tin dữ. Chị yếu, năm lần mang thai thì sảy đến ba lần, cơ thể xanh rớt chẳng còn sức sống. Mẹ nhiều lần xót xa bảo chị thôi đừng sinh thêm con nữa, trời cho hai đứa thì nuôi hai cũng đã là vất vả. Nhưng gia đình nhà chồng còn giữ quan niệm lạc hậu trọng nam khinh nữ nên chị cứ cố hết lần này đến lần khác. Anh rể vốn nghiện rượu lại thêm cái tính bồ bịch, thỉnh thoảng đổ lên đầu chị vài trận đòn vì cái tội “không biết sinh con trai”. Chị một mình gánh vác gia đình trong khi hai đứa con nhỏ đau ốm liên miên.
Mẹ nhìn phận mình mà cay đắng phận con. Bất lực không biết làm gì ngoài việc theo mọi người đi cúng lễ nhiều nơi mong cho cửa nhà êm xuôi, con cháu mạnh khỏe thuận hòa. Những ngày bố bị bệnh, anh trai thất bại trong làm ăn nợ nần chồng chất phải rời quê trốn nợ, mẹ đau đớn xoay xở đủ đường vẫn không nắm níu được gia đình. Đêm nào mẹ cũng quay mặt vào tường khóc trộm, tiếng thở dài buồn hiu hắt. Bỗng có ngày mẹ vui cười, nói toàn chuyện tốt đẹp trên đời. Hỏi ra mới biết thày bói bảo “vận hạn sắp qua rồi…”.
Một vài lần tôi cũng theo chân mẹ đến chốn đèn nhang. Nghe thầy bói khấn lùng bùng trong tai mà thương thay những người đàn bà đang quỳ gối khấn vái, mặt mày rầu rĩ. Chỉ cần thấy “thầy” với vẻ mặt nghiêm trọng lắc đầu phán một lời tiên đoán về những vận hạn sắp xảy ra là họ không giấu được nỗi hoang mang sợ hãi. Nào thì nhà có tang, mồ mả không yên, đất đai không thuận… Tôi tự hỏi đằng sau những người đàn bà là lũ trẻ, chúng sẽ sống ra sao với nỗi ám ảnh mà mẹ mình mang về gieo rắc trong nhà?.
Tôi cũng đã từng sống trong tâm trạng lo âu ấy một thời gian dài. Khi ấy tôi còn nhỏ, mẹ đi xem bói chỉ tay về kể với dì rằng mình không còn sống được bao lâu. Tôi tình cờ nghe được câu chuyện đó, từng sợ hãi đến mức ngay cả trong giấc ngủ chỉ sợ tỉnh dậy quờ bên cạnh không còn thấy mẹ đâu nữa. Đêm nào tôi cũng gặp ác mộng nên chẳng có giấc ngủ nào đủ sâu, người ngày càng gầy rộc đi trông thấy. Tôi cũng không còn nhớ đã thoát ra khỏi quãng thời gian trầm cảm ấy như thế nào, nhưng thực sự những lời bói toán vẫn còn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Ơn trời mẹ tôi vẫn mạnh khỏe nhưng không hiểu sao bà vẫn còn tin vào bói toán.
Dì Xuân cũng vậy, chắt bóp từng đồng tiền lẻ từ tiền bán vài nải chuối, mấy mớ rau, vài bà thúng ngô để sắm lễ hàng tháng đi làm lễ. Dì không nhờ “thầy” xem sức khỏe, cũng chẳng xin tài lộc. Lúc nào dì cũng chờ “thầy” khấn vái xin xấp ngửa đồng tiền để xem chồng mình bao giờ thì mới biết đường tìm về với mẹ con dì. Dì làm không biết bao nhiêu lễ, đốt không biết bao hình nhân, thấm đẫm không biết bao nước mắt trong sự xót xa và cả giễu cợt của người đời. Cậu tôi theo nhân tình, bỏ nhà đi biền biệt đã ba năm. Nhưng nơi cậu đến cũng vẫn cùng một làng quê, cách nhau con sông người bên lở kẻ bên bồi. Tôi chua xót bảo dì: “Cậu đâu có đi xa mà dì cứ sợ cậu không biết đường về. Dì đừng mất công đi cúng bái chi cho khổ. Nếu người muốn về thì người đã về rồi…”. Dì không nói gì chỉ khóc, mỗi ngày mỗi héo hon đi. Mẹ tôi than giá cứ để dì trông đợi vẫn hơn… Ôi những người đàn bà quê tôi cả đời lầm lũi, quờ quạng trong bóng tối để hy vọng về một tia sáng mơ hồ…
Muôn vàn tấm bi kịch cúi đầu trong những cửa điện đèn hương nhấp nháy. Họ tìm đến “thầy” như một sự cứu cánh. Đến mức tôi từng nghĩ họ nghiện bói toán như một căn bệnh cố hữu và khó chữa. Cũng bởi họ nhỏ bé từ trong gia đình đến ngoài xã hội. Dưới những biến cố ập đến họ không biết làm gì hơn ngoài chịu đựng, có muốn thay đổi cũng vô cùng khó khăn trong những lề thói cũ. Không gian làng quê không có nhiều thú vui lành mạnh giúp họ quên đi phiền muộn, cũng không có nhiều cơ hội để giúp họ đổi thay. Chính vì không biết cách vượt qua được chính nỗi sợ hãi trong mình nên họ đã trở thành những con hương đệ tử cứ xuân thu nhị kỳ lại đến tìm thầy bói. Họ loan truyền nhau về tài đặc biệt của “thầy”, cứ người này mách người kia khiến không ít người rơi vào cảnh tiền mất tật mang. Ấy là chưa kể có không ít cửa nhà tan vỡ cũng chỉ vì đàn ông trong gia đình không thể nào chịu đựng nổi những nỗi ám ảnh, bi lụy mà người phụ nữ ham bói mang về rải khắp trong nhà.