Chợ thôn họp vào buổi sáng mà cũng chỉ tới khoảng hơn mười giờ là tan. Vài người ngồi nán lại không phải để mong bán được thêm mà vì lý do khác như là đợi ai đó trả món tiền, hoặc đôi quang gánh với mớ hàng lèo tèo nằm đó mà chủ của nó thì đi vô trong xóm để tìm mua bí bầu chuối bắp cho buổi chợ ngày mai.
Tấm bảng ghi rõ “rau sạch” trên đôi quang gánh của người mới tới khiến toàn chợ thôn bất ngờ và... tự ái sùng sục. Ma mới không tỏ ra nể nang ma cũ thì thôi, viết như vậy hóa ra ở cái chợ toàn những người cùng xóm làng này từ trước tới nay chỉ bán rau bẩn à?
Người mới quấn khăn che mặt kín mít hốt hoảng gỡ khăn ra để lộ khuôn mặt trẻ trung trắng trẻo, cô vội vàng phân bua: “Dạ tại vì quen sống ở thành phố… người ta thích mua rau sạch... cho nên…”.
Cơn giận xẹp xuống nhanh như khi bùng lên, còn lại nỗi tò mò. Người ở đâu mà tới đây? Bán rau mà có những ngón tay thon mềm mại đến vậy?
|
Ảnh minh họa. |
Buổi chợ hôm sau thì lý lịch cô gái trẻ đẹp như một làn gió thổi khắp, cô là nàng dâu từ thành phố vừa về nhà anh Minh ở thôn kế cận. Ai cũng nói anh Minh trúng số độc đắc, người ghen tỵ thì nói “để rồi coi, ba bữa nửa ngày...”.
Một tháng sau, anh Minh đem cây gỗ dựng một cái quán và gắn bảng “Cắt gội uốn tóc nữ”. Cái quán xuất hiện giữa chợ thôn như một bông hoa nở trên đám cỏ dại thu hút bao mắt nhìn. Cô chủ khuôn mặt lúc nào cũng hồng hào và nụ cười tươi tắn, mái tóc mới dợn lăn quăn đó hôm sau đã duỗi thẳng tắp đổ xuống bờ vai thon, hôm nay cô mặc quần bó thì ngày mai mặc váy.
- Trưa bán xong mời bác vô quán gội đầu, hôm qua anh Minh hái được mớ bồ kết trong rừng, bồ kết tươi trị được gàu luôn đó bác - cô đon đả mời mấy bà sồn sồn hay giở nón đưa tay vô tóc gãi sột sột.
Nước bồ kết tự gội ở nhà khác hẳn bàn tay có nghề điệu nghệ cào cào đúng ngay những chỗ ngứa, gội xong lại còn được nhổ tóc sâu nữa. Cái quán của cô nhanh chóng trở thành chỗ… mấy bà già giành nhau ngủ trưa. Dân trong thôn gọi đùa đó là mấy bà già gân. Ai cũng có con cháu cả bầy, mắc gì thích tay cô chủ nhổ tóc sâu cho?
Vì cô chủ còn biết day huyệt nữa cho nên khách ngủ ngon lành mà thức dậy thì sảng khoái vô cùng. Chợ thôn vẫn chỉ họp tới mười giờ là vắng, mà quán của cô nằm trong chợ lúc nào cũng có khách.
Má tôi là một trong những bà già thích ra quán của cô. Người chở má ra quán là tôi. Khi má tôi đã ngủ ngon, tôi hỏi bâng quơ: “Lúc nào cũng có khách, vậy thu nhập cũng khá hả?”.
Cô lắc đầu cười buồn: “Làm luôn tay nhưng mà không được bao nhiêu hết chị ơi. Hồi ở thành phố, tay nghề của em ngày nhiều khách kiếm được bạc triệu, về đây được trăm ngàn đã mừng”.
Tôi không hỏi thêm gì nữa, nhưng như được khơi dòng, cô tuôn ra: “Hồi em thương anh Minh ba má không chịu, sợ em khổ. Khi em quyết định theo ảnh về đây, má em khóc quá chừng. Hôm bữa mấy đứa bạn tới thăm thấy cảnh chợ hiu quạnh mà quán thì chỉ một mình em làm hết mọi việc, mấy đứa bạn cũng lo cho em...”.
Tôi im lặng, cô tiếp: “Nhiều khi em cũng buồn lắm, nhớ ba má nhớ thành phố, nhớ lung tung rồi cũng nghĩ lung tung…”.
Điện thoại trong túi cô reo vang. Nhìn màn hình, đôi mắt đang buồn của cô bỗng sáng lên và giọng cô vui vẻ: “Em đang có khách, anh đem cơm ra hả? Đừng quên lấy cho em trái ớt nghe. Nhắc rồi mà ngày nào anh cũng quên hoài à. Cái anh này, mụn thì mụn có sao. Đâu phải ai ăn ớt cũng bị mụn mà lo”.
Cất điện thoại vô túi, cô nhìn tôi cười tươi: “Anh Minh nấu ăn ngon lắm. Mà anh Minh không phong kiến như người ta. Từ hồi mở quán tới giờ, em làm công việc quán thì ảnh cũng bận bịu công việc rẫy, nhưng mà ảnh giành phần làm việc nhà luôn, sợ em cực quá sinh buồn. Kể chị nghe vậy thôi nghe, đang nấu nướng giặt giũ mà thấy có người là ảnh đóng kín cửa lại. Cũng mắc cỡ lắm mà vì thương vợ cho nên…”.
Cô cười thành tiếng, đôi mắt ánh lên láu lỉnh và hạnh phúc.