Dâu, rể xếp... hàng riêng

Google News

Có không ít trường hợp dâu/rể xem cha mẹ chồng/cha mẹ vợ như đấng sinh thành của mình. Nhưng trong vấn đề thừa kế, họ “xếp ở một hàng riêng”.

15 năm cơ cực
Rời phiên tòa, chị Liên (*) rụng rời. Khoảng một tháng nữa là tới ngày Khang rước vợ con về nhà ở. Chị chỉ còn căn phòng 14m2 được chia và phải ra vào bằng cửa hậu dọc bờ sông Rạch Tra (huyện Hóc Môn, TP.HCM). Văng vẳng bên tai Liên lời vị thẩm phán: “Xét về công sức đóng góp của chị Liên, gia đình và anh Khang bố trí cho chị chỗ ở, không cắt hộ khẩu là hợp lý…”.
15 năm trời kể từ ngày cưới, sáng nào cũng vậy, từ 4h, Liên đã phải tất tả cùng mẹ chồng chở hàng bông lên chợ Bàn Cờ để bán. Bày hàng xong, chị chạy ngược gần 17km quay về nhà chăm người cha chồng bại liệt. 4g chiều, đồ hàng bông giao tới, chị phân loại, bỏ vào trạc cho hành trình ngày kế tiếp.
Nhớ thời gian đầu mới cưới, sáng nào Khang cũng thức dậy phụ Liên, khi Liên lên xe chạy khuất, anh mới vào đóng cửa… Trưa nào, Khang cũng về ăn cơm chung với Liên. Nhưng sau bốn, 5 năm, hai người không con cái ẵm bồng, lấy cớ hay trực đêm ở cơ quan, Khang ít về nhà. Sau khi cha chồng qua đời ít lâu, má chồng bị tai biến, nằm một chỗ. Ngày má khỏe mạnh, hay nấu món này món nọ, con cháu của bà kéo về chật nhà, nhưng khi bà đau ốm nằm liệt giường, chỉ mỗi mình Liên tắm táp, bón cơm, dìu đi hóng gió…
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ba năm trước, chị đã nghe phong thanh chồng có bồ. Một ngày, người chị chồng kêu lại nói Liên thu xếp dọn ra chái nhà sau vì Khang sẽ cưới người phụ nữ đang mang giọt máu của anh. Đơn ly hôn đã nộp ở tòa án huyện. Liên chết ngất. Má chồng Liên cũng khóc: “Con ơi, má sai rồi, má phải làm sao? Hay để má làm di chúc cho con căn nhà này để con thờ phụng ba má?”. Nhưng chưa kịp làm gì thì mấy ngày sau, bà đã ra đi trong cơn tức tưởi vì các con trai gái cùng trở về giành tài sản.
Trắng tay
Năm 1991, chị Nguyễn Thị Thu ở huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang kết hôn với anh Lê Văn Hùng ngụ cùng huyện. Lần lượt bốn đứa con gái ra đời trong sự thất vọng của cả gia đình anh Hùng. Ba má chồng chị Thu vốn rất thương con dâu trong những năm đầu chung sống, bỗng trở nên lạnh nhạt. Có lần ông bà nói thẳng với Thu: “Không sinh được con trai thì cho thằng Hùng đi kiếm người sinh con nối dõi!”. Thêm những lời đàm tiếu của mấy cô em chồng, có lần chị Thu toan tự tử.
Nghĩ mình có lỗi, chị Thu cắn răng chịu đựng. Còn Hùng, khi được cha mẹ “mở đường”, bắt đầu đi sớm về khuya. Đã vậy, những lần về nhà, anh ta lại tìm cớ đánh vợ. Năm 2001, khi con trai nằng nặc đòi cưới một cô tiếp thị bia ở Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, hai ông bà phản đối. Bị gia đình ngăn cản, Hùng quay về đánh chị Thu một trận thừa sống thiếu chết phải nằm viện cả tháng trời. Sau đó, anh ta bỏ nhà đi theo một cô gái khác.
Mấy tháng sau, nóng ruột vì con bỏ nhà đi quá lâu, ba má chồng của Thu chở nhau đi tìm, nào ngờ gặp tai nạn. Ông qua đời, còn bà bị gãy một chân và tổn thương nặng vùng bụng. Nghe tin, Thu tất tả gửi con về ngoại, lên BV Cần Thơ chăm sóc má chồng. Hai tháng sau bà xuất viện, năn nỉ con dâu: “Con hãy ở cùng với má, nghe con”. Bà gọi điện báo tin với các con gái sẽ “cấm cửa thằng Hùng nếu nó không về với con Thu”. Thu gửi hai con lớn về bên ngoại, còn chị ở lại vừa chăm sóc má chồng vừa lo cho hai con gái nhỏ.
Hùng đi suốt 11 năm, ngày anh ta về thăm nhà là ngày má qua đời. Anh ta đã có thêm hai cô con gái nữa cùng người vợ mới.
Sau đám tang của má chồng Thu hai tuần, các anh chị em trong nhà họp công bố chuyện cô em út muốn lấy lại miếng đất có căn nhà vách ván mà chị Thu và các con đang ở. Mãi đến lúc này, chị Thu mới hay các chị em của Hùng đã làm giấy phân chia nhau tài sản của cha mẹ. Chẳng có phần nào cho chị và bốn đứa cháu nội.
Chị khóc: “Suốt 22 năm qua tôi đổ biết bao mồ hôi, nước mắt làm ruộng, cũng không kể được biết bao đàn heo, đàn gà mà tôi đã chăm sóc, bán đi lấy tiền nộp cho ba má, để ba má cho các cô và anh Hùng tậu xe cộ, ti vi, đầu máy… Đến giờ tôi sắp phải đi khỏi nhà với hai bàn tay trắng”.
Khuyến khích lòng hiếu thảo
Có lẽ vì những trường hợp tương tự như trên mà quy định tại mục 3 điều 46b Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thu hút sự quan tâm đặc biệt: “Trong trường hợp con dâu, con rể và bố mẹ chồng, bố mẹ vợ sống chung với nhau đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như cha mẹ và con thì được thừa kế di sản của nhau như giữa cha mẹ và con”.
Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính, cơ sở TP.HCM) cho rằng: “Quy định mới này sẽ ảnh hưởng tốt tới tâm lý các thành viên trong gia đình, nhất là con dâu, con rể, khuyến khích trách nhiệm, tình yêu thương trong gia đình. Họ sẽ cảm thấy được là một thành viên chính thức của gia đình, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ như những người con đẻ…”.
Đồng tình về ý nghĩa nhân văn của quy định nhưng chuyên viên tâm lý Nguyễn Thu Hiên (Trung tâm Tư vấn tình yêu hôn nhân gia đình – Hội Liên hiệp Thanh niên VN) băn khoăn: “Luật đã có những quy định khá chặt chẽ, hợp lý về thừa kế di sản. Vì vậy, “chuyển” lòng hiếu thảo, tình cảm gắn bó... hướng đến mục đích tài sản thì không đáng khích lệ. Yêu thương là ở tình cảm, bổn phận chứ không phải để được chia tài sản. Nếu cha mẹ chồng/vợ muốn dành quyền lợi vật chất cho dâu/rể thì nên thể hiện ý nguyện của mình trong di chúc. Đó mới là sự xác nhận chính xác. Chỉ người trong cuộc mới biết rõ ai đối xử thực sự tốt với mình. Đợi đến khi cha mẹ chồng/vợ chết, xác minh ở người ngoài hoặc chính quyền để khẳng định người con dâu/rể này “thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ…” thì ai sẽ đánh giá, đánh giá vào lúc nào?”.
Khó rạch ròi
Luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định: “Bản thân quy định này có tính nhân văn sâu sắc, phù hợp với thực tế của một số trường hợp quan hệ nghĩa tình sâu đậm giữa con dâu, con rể, bố mẹ chồng/vợ sống chung với nhau. Tuy nhiên, “quy định này rất khó khả thi vì thế nào là thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ như cha mẹ và con? Thực hiện quyền/nghĩa vụ gì giữa con dâu, con rể, bố mẹ chồng/vợ”? Cơ sở để giải quyết vấn đề quyền thừa kế di sản giữa dâu, rể, bố mẹ chồng/vợ sẽ được xem xét như thế nào? Quy định này sẽ làm phát sinh nhiều tranh chấp phức tạp. Theo tôi, vấn đề này cần có lộ trình để thực hiện. Do đó, Luật Hôn nhân và gia đình nên quy định một số trường hợp con dâu/rể, bố mẹ chồng/vợ sống chung với nhau sẽ được thừa kế di sản của nhau, trên cơ sở nêu ra những tiêu chí cụ thể. Không thể quy định một cách rất chung chung như dự thảo là: đã thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ như cha mẹ và con”.
Thẩm phán Hà Thị Thanh (Phó Chánh án TAND huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết, thực tế tại tòa án, có nhiều vụ tranh chấp xảy ra sau khi vợ hoặc chồng chết. Tòa án áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành để giải quyết mà chưa có vướng mắc gì. Do đó, việc quy định thêm về quyền lợi cho con dâu/rể là rất phức tạp và tính khả thi không cao, bởi khi đưa các chế định về quyền thừa kế của con dâu/rể thì đồng thời cũng phải quy định thêm các nghĩa vụ của con dâu, con rể đối với cha mẹ chồng/vợ.
Theo Phụ Nữ