- "Ngày chuẩn bị lấy chồng tôi nghe ai cũng thấy nói làm dâu trưởng khổ lắm. Mọi người nói rằng, làm dâu trưởng phải kiêng dè rồi cân nhắc đủ thứ chuyện. Nhưng thực tế cuộc sống làm dâu trưởng của tôi không như vậy. Tôi thấy cuộc đời làm dâu trưởng của tôi ở chung với bố mẹ chồng còn sướng và thoải mái hơn nhà ba mẹ đẻ", bác Nguyễn Thị Hương, 56 tuổi, kênh 3, Tân Hiệp, Kiên Giang kể về cuộc sống làm dâu của mình.
Ít người được sướng như tôi lắm
Bác Hương hào hứng kể về cuộc sống làm dâu trưởng của mình: "Chắc ít người được sướng như tôi lắm. Tôi về làm dâu nhà chồng rồi vẫn còn được đi học. Có người nói với bố mẹ chồng tôi rằng, sao không cho bọn trẻ vài công ruộng làm rồi ra riêng. Nhưng bố chồng tôi nói, cứ cho nó học kiến thức, làm nông thì làm cả đời. Phải nói thật là rất phục và thương ông cụ. Khi tôi vừa về làm dâu, bố tôi đã dặn các em, nhà mình có thêm chị Hai là vợ anh Hai, các con phải thương chị Hai như các anh em nhà mình và không có sự phân biệt".
Theo bác Hương, khi bác nghe câu nói đó của bố chồng bác đã bớt sợ đi rất nhiều. "Trước khi lấy chồng, mẹ tôi dạy cho rất nhiều về lễ nghĩa gia giáo làm dâu. Tôi nghe ù cả tai và thấy rất sợ. Nhưng khi tôi về nhà chồng thì khác hẳn, bố chồng còn tâm lý hơn cả bố ruột mình. Tuy ở quê thật nhưng ông rất cấp tiến và thoải mái với con cái, chỉ dùng lời lẽ dạy con chứ chẳng chửi bới quát mắng bao giờ.
Nhà chồng tôi có tất cả năm anh chị em nhưng rất thương nhau, anh bảo em nghe, chẳng bao giờ thấy anh em to tiếng cãi nhau. Vui nhất là ngày giỗ chạp hay tết, những người bà con ở xa về thăm không phân biệt đâu là con dâu, đâu là còn gái, ông cụ giới thiệu với mọi người đây là con gái tôi vợ thằng hai. Đối với ông: “Con dâu con rể khi về với nhà mình là con của mình, phải lấp đi khoảng cách rồi đón nhận và thương tụi nó thì tụi nó mới sống tốt và có trách nhiệm với gia đình".
|
Bác Hương: Chắc ít người được sướng như tôi lắm. |
Bỏ các nguyên tắc cứng nhắc
Sự cảm phục bố chồng của bác Hương dường như là bất tận. Khi trò chuyện với tôi, bác không ngừng nói về bố chồng mình: "Bố tôi quan niệm không quá nặng nề con trai trưởng hoặc dâu trưởng phải là người gánh vác chuyện gia đình hoặc dòng họ, vai vế trong dòng họ ai lớn tuổi hơn thì được gọi bằng anh bằng chị. Nó không xô bồ nhưng cũng đừng lệ thuộc quá nhiều vào gia giáo, cái nào hay thì phát huy, cái nào khó quá thì đơn giản nó đi, đời người có sống lâu đâu mà phải khó khăn.
Bỏ đi những nguyên tắc cứng nhắc mà anh em vui vẻ, đầm ấm thì dại gì mình không làm. Chỉ cần chúng nó biết sống kính trên nhường dưới là đủ, nếu cha mẹ quá coi trọng con trưởng thì đã đặt lên vai con mình gánh nặng, nếu nó không làm được thì anh em nhìn vào mỉa mai. Hoặc có nhiều gia đình con trưởng cứ dùng quyền của mình mà ra lệnh cho các em thì cũng không hay".
Bây giờ khi đã có sui, có dâu nghĩ về bố, tôi thấy thương ông lắm, không dễ dàng gì mà ông có suy nghĩ thoáng để kết nối các thành viên trong gia đình thành một đại gia đình. Tôi học cách sống và cách thương yêu các con dâu rể như con mình đẻ ra để giữa các anh chị em không có khoảng cách. Tôi nghiệm ra điều này, gia đình nào sống hòa thuận thương yêu nhau thì làm ăn sẽ phát đạt hơn...
Gần 40 năm được tiếng là dâu trưởng nhưng tôi không hề thấy mình bị áp lực, mình may mắn được yêu thương nên càng phải sống tốt, cuộc sống nhận được thì cũng nên cho đi để giữa người cho và người nhận luôn là niềm vui", bác Hương tâm sự.
Quỳnh Anh
[links()]