Dâu trưởng thời nay: Tốt mấy vẫn bị trách

Google News

"Cháu đầu, dâu trưởng", quan niệm về trách nhiệm của con dâu trưởng đối với gia đình, dòng tộc nhà chồng vốn rất nặng nề.

- Là người đầu tiên ở làng dám thuê người nấu cỗ, bỏ lệ nhờ anh em họ hàng, bạo gan nói chuyện hỏa thiêu khi bố mẹ chồng còn đang khoẻ mạnh, chu toàn mọi công việc nhà chồng... có thể nói hiếm có dâu trưởng nào đảm đang, có "dũng khí" được như bà Tỉnh. Thế nhưng, bà vẫn ngậm ngùi: "Làm tốt mấy vẫn bị trách".

"Cháu đầu, dâu trưởng", quan niệm về trách nhiệm của con dâu trưởng đối với gia đình, dòng tộc nhà chồng vốn rất nặng nề. Xã hội có nhiều biến đổi, các nàng dâu trưởng thời nay có còn phải chịu áp lực xưa? Họ đã làm gì để vừa có thể "giỏi việc nước, đảm việc nhà"? Kienthuc.net.vn đăng loạt bài về những nàng dâu trưởng thời nay, đưa đến cho bạn đọc những câu chuyện đa sắc màu từ nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Không sợ bị đánh giá "dâu hư"
 
Phong thái nhanh nhẹn, giọng nói nhiệt thành, tiếng cười giòn giã, bà Lê Thị Tỉnh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) tạo cho người tiếp xúc ấn tượng về một người phụ nữ giỏi giang, tháo vát "hơn người". Và khi chứng kiến những việc bà làm, nghe bà tâm sự về chuyện làm vợ, làm dâu trưởng thì thấy ấn tượng đó quả là không lầm.

Thấy chị hàng xóm bơ phờ sau chuyến về quê chồng hộ đám cưới, than thở về chuyện phải dậy từ 3h sáng, phục vụ suốt mấy hôm liền, bà Tỉnh cười: "Ngày trước tôi cũng thế đấy. Mỗi khi vào mùa cưới hỏi, mừng thọ... là sợ chết khiếp. Một tuần vài đám coi như chẳng còn làm ăn được gì ngoài việc đi phục vụ cỗ bàn. Không đi thì bị chê trách. Nhưng từ khi tôi làm cuộc "cách mạng" đến giờ, chẳng còn phải lo lắng gì nữa".

Cuộc "cách mạng" ấy chính là việc bà là người đầu tiên dám đề đạt việc thuê người nấu cỗ. "Đó quả là chuyện động trời. Vì ở quê tôi lúc bấy giờ chẳng ai làm thế cả. Mọi người quan niệm đến giúp nhau thì mới thể hiện tình cảm anh em, láng giềng. Tôi lại là phận dâu trưởng, không gương mẫu theo nếp nhà chồng thì thôi, sao dám phá ngang lệ làng như thế. Ấy thế mà giờ mọi người theo tôi tất", bà Tỉnh tự hào.

Việc làm "liều" thứ 2 của bà Tỉnh, là bà dám mời các cụ "râu dài" trong họ nhà chồng tới nhà bàn về chuyện khi bố mẹ chồng bà trăm tuổi liệu có nên hỏa táng hay không. "Đứa em dâu tôi bảo trời ơi sao chị liều thế, không sợ các cụ chửi à. Nhưng tôi nghĩ việc đó trước sau cũng xảy ra. Thà rằng hỏi trước nguyện vọng của các cụ để sau này làm cho đúng ý các cụ có phải hơn không. Ấy thế mà các cụ đồng ý hỏa thiêu đấy, trong khi nhà chồng chưa từng có ai làm như thế cả", bà Tỉnh cười. Bà bảo, bà thấy việc gì đúng, tiến bộ là làm, sẵn sàng đấu tranh vì nó, không ngại là người đi đầu, không sợ bị đánh giá "dâu hư".

Nụ cười tươi là “đặc sản” của bà Tỉnh.
Nụ cười tươi là “đặc sản” của bà Tỉnh.

Con gái quyết không lấy chồng là con trưởng

Bà Tỉnh tâm sự, những việc bà làm mới đầu bao giờ cũng vấp phải luồng phản đối dữ dội. Nhưng sau lại nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. "Bởi tôi nói được làm được. Về kinh tế tôi không tính toán, em nào khó khăn tôi đều giúp đỡ. Với bố mẹ chồng tôi một lòng hiếu kính. Việc nhà chồng tôi đảm đương chu toàn ngay cả khi chồng tôi mất rồi". Cũng chính vì lẽ đó mà bà được bố mẹ chồng thương quý, còn hơn cả con đẻ.

Có điều trong lòng bà vẫn có những khi chạnh buồn, nghĩ ngợi. "Bởi tôi nghiệm ra, dù mình có làm tốt đến mấy thì cũng vẫn bị trách. Dâu mà, nhất là dâu trưởng càng hay bị soi xét, để ý", bà Tỉnh thở dài. Và hai cô con gái của bà, chứng kiến toàn bộ nỗi vất vả của mẹ, khi chọn chồng đã kiên quyết "loại" những chàng con trưởng.

Bà Tỉnh bùi ngùi: "Các cháu sợ cũng phải. Vì thực sự ở quê, trách nhiệm dâu trưởng nặng nề lắm. Như tôi đây, dù đã cải cách thuê người phục vụ từ đầu đến cuối nhưng mỗi khi nhà có công có việc, mình vẫn phải là người lo liệu chính. Từ mua sắm, đặt cỗ, giám sát... tất tật đều trông đợi vào mình. Mỗi dịp như thế tôi sút mất mấy cân". Bà bảo, cũng chính từ nỗi khổ của mình, mà bà đối với con dâu trưởng rất "thoáng", không bắt con phải chịu vất vả như mẹ.

Mai Loan
[links()]