“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đó là quan niệm của một số bậc làm cha làm mẹ trong cách thức dạy dỗ con cái. Nó thể hiện sự lạm dụng quyền uy, sự bất lực của người làm cha, làm mẹ trong việc giáo dục con cái.
Quát mắng và đánh đập trẻ nhỏ không những vi phạm quyền trẻ em mà còn làm tổn thương cả thể xác lẫn tâm hồn trẻ. Dạy con đúng cách là giúp chúng hiểu ra vấn đề để có ý thức khắc phục sửa chữa.
Đòn roi thể hiện cha mẹ bất lực
Chị Hằng ở khu tập thể Thành Công (Hà Nội) có một cậu con trai bốn tuổi tâm sự: Một buổi sáng giục mãi mà thằng bé chẳng chịu ăn để còn đi học, bực mình chị Hằng vớ ngay lấy cây chổi dựng góc nhà vụt cho nó vài cái để thị uy. Khi bị mẹ đánh thằng bé khóc toáng lên và nói: “Con ghét mẹ lắm, từ giờ con chỉ yêu bố thôi!”.
Khi chị Hằng hỏi lại con: “Thành, từ giờ mẹ nói có nghe không? Con cái hư đốn không biết thương bố mẹ”, lập tức thằng bé đốp lại: “Con yêu mẹ thế mà mẹ còn đánh con, mẹ không yêu con tí nào, mẹ chỉ yêu em Bông thôi, con không cần mẹ nữa”. Chị Hằng chết lặng vì cách lý luận của con.
Còn chị Hường nhà ở quận Thanh Xuân kể: Lần đầu chị đánh con là lúc nó 6 tuổi, nguyên nhân là cậu bé đi học quên mang sách vở nên bị cô giáo phạt. Tức quá chị lột quần đánh con 5 roi khiến mông thằng bé tím bầm. Chị bảo đánh nó thật đau thì nó mới nhớ, đi học có quyển sách cũng quên thì học nỗi gì.
Lần thứ hai chị đánh con khi nó học lớp 4. Một lần bị mất 100.000 đồng trong ví, tra hỏi thế nào thằng bé cũng không chịu nhận, một mực cãi không lấy, điên tiết chị vụt cho con một trận lên bờ xuống ruộng.
Bị đánh đau là thế mà thằng bé không hề khóc hay van xin như lần trước, nó lầm lì mở to mắt nhìn mẹ, để mặc mẹ đánh bao nhiêu thì đánh. Phản ứng của con khiến chị Hường lo lắng không biết có phải mình đánh oan nó không. Sau trận đòn ấy con chị thường xuyên bỏ học, học hành sa sút, vợ chồng chị đã đánh không biết bao nhiêu lần mà nó vẫn không chừa. Càng ngày nó càng tỏ ra lì lợm khiến anh chị bất lực.
|
Ảnh minh họa. |
Rất nhiều bậc phụ huynh đang có những suy nghĩ sai lầm trong vấn đề dạy dỗ con cái, đó là dạy con phải có roi! Nhiều người lớn lạm dụng việc sử dụng roi vọt trong dạy con, bởi họ nghĩ rằng, trẻ sẽ “chừa” khi nghĩ đến những trận đòn đau. Thực tế đã có trường hợp, những trận đòn ngày càng dày lên, mạnh lên, trong khi trẻ ngày càng lì, càng không suy chuyển. Những trận đòn đã cho tác dụng ngược!
Hãy dành tình yêu thương cho trẻ
Trong thực tế không phải lúc nào lợi dụng đòn roi cũng có tác dụng đối với trẻ. Nhiều trường hợp càng đánh trẻ càng lì lợm khó bảo, kết quả là những trận đòn đó lại có tác dụng ngược.
Khi đã bị nhờn trẻ còn tỏ ra bất cần, thậm chí chống đối trước sự dạy bảo của cha mẹ. Có những trận đòn mà cha mẹ giáng xuống con trẻ rất oan ức, có người chỉ vì giận vợ, giận chồng mà trút giận lên con cái kiểu cá chém thớt. Những trận đòn như thế sẽ khiến trẻ không hiểu mình bị đánh vì lý do gì, chúng ấm ức chuyện nhỏ như vậy mà cũng bị đánh, từ đó trẻ rất dễ có thái độ oán hận người đã đánh chúng.
Có những đứa trẻ vì bị đánh nhiều lần nên khi chót phạm lỗi đã sợ hãi mà bỏ nhà đi để tránh những trận đòn roi của cha mẹ. Nguy hiểm hơn đến một lúc nào đó, trẻ sẽ trở nên chai lì.
Trẻ dù nhỏ nhưng đã ý thức được hành vi của mình. Chúng biết mắc lỗi thì sẽ bị cha mẹ quở trách thậm chí bị đòn nên sợ hãi. Trong trường hợp này cha mẹ nên độ lượng, ân cần chỉ ra những lỗi lầm của con như vậy hiệu quả giáo dục sẽ tốt hơn.
Thay những trận đòn roi và những lời quát mắng bằng sự bao dung, khuyên răn, dạy bảo con trẻ, giúp trẻ nhận ra cái sai mà sửa, đừng biến những trận đòn thành phương tiện trút giận lên đầu con trẻ. Điều cần nhất ở một đứa trẻ là tình yêu thương và sự nghiêm khắc của cha mẹ khi dạy dỗ con.
Có những người dạy con mà chưa một lần phải dùng đến đòn roi nhưng con cái vẫn sợ mỗi lần mắc lỗi. Điều đó thể hiện cái uy của cha mẹ đối với con cái. Roi vọt không đi cùng tình thương sẽ chẳng bao giờ khiến trẻ nên người. Dạy con đúng cách là làm cho trẻ hiểu ra vấn đề để có ý thức khắc phục sữa chữa. Cha mẹ nào chẳng yêu thương con và muốn con nên người, nhưng đừng để trẻ phải lớn lên trong sự khiếp sợ, bị dồn nén và tổn thương tâm hồn.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Giáo dục và Thời đại