È cổ “vác tù và” cho bố mẹ chồng

Google News

Bố mẹ chồng thích vác tù và thì đó là tính nhiệt tình của các cụ, nhưng nhiều khi, các cụ nhận tù và về và bắt con dâu vác.

Tốn tiền “chạy” công việc cho cả họ
Làm dâu, Hạnh không khổ vì bị bố mẹ chồng hắt hủi xem thường, mà khổ vì được các cụ tín nhiệm và đánh giá cao. Lúc nào ông bà cũng khoe: “Cái Hạnh nó quan hệ rộng lắm, toàn thân với các ông to”, khiến họ hàng phục lăn. Nhưng sự tự hào của bố mẹ chồng cũng có cái giá của nó.
Bắt đầu bằng việc ông chú họ có miếng đất mãi chưa làm được sổ đỏ, trong lúc ngồi ăn giỗ có vô tình than chuyện đó với bố chồng Hạnh. Bố chồng nói: “Sao chú không bảo cái Hạnh nó làm cho? Nó quen với nhiều người bên địa chính lắm. Bây giờ ngoài chuyện tiền lót tay ra còn phải có quan hệ chú ạ”. Ông chú mừng như bắt được vàng, vội bảo vâng vâng bác nói với cháu giúp em, may quá. Ngay hôm đó, bố chồng gọi điện cho Hạnh, chỉ đạo lo cho chú việc này.
“Chết, bố ơi, con quen thì quen nhưng đâu có đến mức ấy…”. Ông bố cắt ngang: “Bố đã bảo chú ấy rồi, con làm sao cho bố khỏi mất mặt thì làm. Cố lên con ạ, giúp người nhà mình chứ có đi đâu mà thiệt”. Nghe giọng bố, Hạnh biết không làm không xong, thế là cố nhờ mối nọ mối kia, chạy vạy. Tiếng là quen nhưng cô cũng phải mất không ít tiền quà cáp, bôi trơn. Đến khi xong việc, ông chú lịch sự hỏi cháu Hạnh có phải chi tiền lót tay cho người ta không để chú thím gửi lại, Hạnh chưa kịp nói thì bố đã gạt đi: “Đã bảo chú không phải lo”.
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Sau vụ đó, chả cần bố chồng Hạnh quảng cáo, trong họ hễ có việc gì cần “chạy” là lại đến nhờ ông cụ “nói với cháu nó một tiếng”, và bao giờ bố chồng cũng nhiệt tình nhận lời, rồi bảo Hạnh lo mà không để ý đến sự lo lắng, mệt mỏi của con dâu.
“Cứ cái gì dính đến chữ ‘chạy’ là họ tìm đến tôi, nào là chạy giấy tờ, chạy trường cho con cho cháu”, Hạnh chia sẻ. “Ai cũng biết, dù quen biết thế nào thì khi cần chạy việc, bao giờ cũng phải có tiền. Thế nhưng mấy người họ hàng chồng, họ cứ ủy thác cho tôi hết, đôi người cũng giả vờ hỏi có tốn kém gì không để họ đưa, nhưng họ chẳng hỏi tôi mà hỏi bố chồng tôi, ông cụ từ chối một câu là họ không đề cập đến lần nào nữa. Bố đã nói vậy, tôi lại hỏi tiền họ thì thể nào bố cũng mất thể diện, nên tôi đành chịu. Vừa mệt mỏi, mất thời gian, vừa tốn kém, lại ức chế vì mình không tự nguyện, sự thiệt thòi của mình không ai hiểu cho”.
Hạnh cho biết, chuyện chạy trường cho mấy đứa cháu trong họ nhà chồng không chỉ khiến chị tốn kém tiền bạc, mà còn khiến cho việc xin học cho con chị khi đến tuổi lại đâm ra khó khăn, vì những suất ưu tiên do quen biết, chị đã dùng hết cho người khác. Vì thế, để con được vào học trường “ngon”, chị phải chi một khoản rất lớn.
Còn Nguyệt, 28 tuổi, lại được cả họ nhà chồng tín nhiệm vì có chị họ làm… ngân hàng. Biết mẹ chồng thích đi lễ chùa, lễ phủ, gần Tết, Nguyệt nhờ chị họ đổi cho ít tiền lẻ, mang về quê biếu mẹ để đi lễ. Cùng đi một hội với nhau, các bà cô, bà bác, bà thím thấy mẹ chồng Nguyệt đặt lên đĩa những đồng tiền mới coóng “cạo râu được” chứ không phải gom góp những tờ bạc lẻ nhầu nhĩ cũ mèm như họ, bèn hỏi han. Và thế là về sau, cứ đến gần Tết là người trong họ đua nhau đến gặp bố mẹ chồng nhờ đổi hộ tiền lẻ loại 500 đồng, 1.000 đồng.
Nghỉ Tết, Nguyệt về quê, ngoài quà cáp cho gia đình còn mang theo cả bọc tiền lẻ mà cô đổi hộ cho họ hàng. Nghe tin Nguyệt về, mọi người nô nức sang thăm và lấy tiền đi lễ. Nguyệt chia cho họ xong, mọi người đưa tiền ra định trả cho cô thì bố chồng đã nhanh nhảu gạt đi: “Thôi thôi, đáng bao nhiêu đâu”. Thấy ông phản đối quyết liệt quá, các bà nói thêm vài câu nữa rồi cũng chịu cất tiền vào túi.
“Ở quê họ không có nhiều tiền, nên chỉ đổi mệnh giá 500 và 1000 đồng thôi, mỗi người đổi dăm chục, một trăm nghìn thôi. Thế nhưng đến gần 2 chục người nhờ đổi, tổng cộng đâu có ít, mà giữa buổi khó khăn như thế này. Mà nếu mình dự định sẵn là biếu họ thì không sao, nhưng bị bỏ bom kiểu đó, rất bực”, Nguyệt nói. Vì thế, Nguyệt không nhiệt tình đổi tiền trong những Tết sau, nhưng khi bố mẹ chồng đã có lời, chị cũng không thể không giúp.
Mướt mồ hôi “vác tù và” thay bố mẹ chồng
Thỉnh thoảng, chị Liên lại nhận được điện thoại của mẹ chồng: ngày này tháng này, con cố gắng thu xếp về nấu cỗ giúp thím X, cô Y nhé, thím ấy/cô ấy cưới con trai… “Mang cái tiếng đảm đang, giỏi nấu nướng, lại có bố mẹ chồng nhiệt tình, nhiều khi mệt lắm. Nếu là cuối tuần và mình khỏe mạnh, không bận việc gì thì không sao, mình về giúp họ một tay, kết hợp thăm bố mẹ chồng luôn”, chị Liên nói.
“Vấn đề là không ít lần họ nhờ vào giữa tuần, hoặc lúc mình đang bận bù đầu cả đống việc, hay sức khỏe đang có vấn đề… Nhưng bố mẹ chồng mình toàn cái kiểu nhận lời trước rồi mới bảo mình. Mình không về thì không phải bị họ hàng trách, mà bố mẹ sẽ không để cho yên. Họ sẽ nói mình làm họ mất uy tín, xấu mặt với cả họ”. Vì thế, chỉ khi không thể, còn thì Liên vẫn cố gắng để nghe lời, và sự cố gắng đó khiến bố mẹ chồng càng nhiệt tình “giao việc” cho chị hơn.
Không chỉ “chạy sô” về quê, ngôi nhà của Liên ở Hà Nội tuy chật chội nhưng cũng là điểm đến của hầu hết những người họ hàng nhà chồng mỗi lần có việc ra Hà Nội.
“Thực ra trong họ đâu có phải mỗi mình tôi sống ở Hà Nội, vấn đề là không ai xởi lởi nhiệt tình như bố mẹ chồng tôi cả, khiến tôi cũng được mang tiếng nhiệt tình xởi lởi theo. Vì thế họ cứ đến nhà tôi. Đành rằng người ở quê, họ phải quý, phải tin cậy họ mới đến, nhưng nhiều khi cũng mệt lắm. Mình cũng nhiều thứ phải lo toan, nhiều lúc mệt mỏi căng thẳng, đâu thể lúc nào cũng nhiệt tình một cách thật bụng được”, chị Liên nói.
Hễ trong họ hàng ai có việc cần lên Hà Nội là bố chồng lại bảo: “Đến nhà cái Liên mà ở, cháu nó được gặp bác là vui lắm”. Mãi rồi chả cần ông bảo, họ cứ thế mà đến, nhiều lúc cũng chẳng cần báo trước. Lắm hôm đang làm việc ở cơ quan, Liên lại nhận được điện thoại: “Chú X đây, chú đang ở cổng nhà cháu rồi, về mở cửa cho chú với”, thế là chị lại tất tả trốn sếp về, vì để họ hàng đứng chực ngoài cổng lâu thì chết chắc.
Mà chuyện ở lại gắn với chuyện ăn. Nếu khách có việc đi xuyên trưa thì thôi, còn nếu trưa họ ở nhà thì Liên kiểu gì cũng phải ăn bớt giờ làm, về làm cơm mời họ, trong khi giờ nghỉ trưa ở cơ quan rất ngắn. “Người ở quê họ đón khách, tiếp khách rất nhiệt tình, không có chuyện khách đến ở trong nhà mà chủ đi tối mới về không mời ăn trưa. Mình mà để họ ăn quán, nếu họ không hiểu để thông cảm, thì bố mẹ chồng mình sẽ bị mang tiếng”, chị Liên giải thích.
Nhưng cái làm chị Liên sợ nhất là những lần có người nằm viện ở Hà Nội, vì kiểu gì bố chồng cũng phân công chị “thay mặt bố mẹ thăm nom, giúp đỡ”. Cái thăm nom ấy không có chừng có mực, mà thực sự làm chị quá tải.
Bố mẹ chồng ngày gọi điện mấy lần, dặn dò, động viên, nào con cố gắng nấu cơm mang vào, đừng để người ốm phải ăn cơm hàng cháo chợ, nào mọi người chăm sóc mệt rồi, con chịu khó vào trực thay vài đêm, nào con cố gắng quan hệ, chạy bác sĩ cho mổ sớm kẻo để lâu khổ quá… “Hình như mình được bố mẹ tín nhiệm quá, cứ nghĩ mình là siêu nhân ba đầu sáu tay, gì cũng làm được mà không biết mệt mỏi”, chị Liên chia sẻ.
Liên cho rằng, thực ra lỗi một phần cũng do chị đã không dám nói một cách thẳng thắn với bố mẹ chồng vì sợ các cụ giận dỗi hoặc thất vọng. Bởi uy tín của bố mẹ chồng ở quê quá lớn, niềm tự hào của các cụ vào điều đó cũng quá lớn, điều đó gây sức ép cho các cụ và sức ép ấy cũng bị dồn cho nàng dâu sống ở thành thị. Liên nói, chừng nào chị chưa dám thẳng thắn “can gián” bố mẹ chồng, chừng đó chị còn phải thay các cụ vác tù và hàng tổng thôi.
Theo Tri Thức Thời Đại