Muốn ăn cơm chung tới nhà hàng xóm ở
Đến giờ vẫn vậy, mặc dù sống riêng với ba nhưng cứ đến giờ ăn cơm là nhà chị Phạm Hoài Giang (Trường Chinh, Tân Bình, TPHCM) mạnh ai nấy ăn, nếu có dọn ra và mời ba thì ông cũng trả lời, mày cứ ăn đi, khi nào đói tao tự khắc biết ăn.
Theo lời chị Giang, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình rất nghèo ở Vũng Tàu, mẹ buôn bán hàng rong cho học sinh, ba chị hằng ngày đi chài cá ngoài biển. Gia đình nghèo nên không sắm phương tiện mà ông chèo bằng thuyền thúng, hôm nào đánh được khá khá cá thì đưa mẹ mang đi bán, hôm nào ít quá thì để cho nhà ăn, những hôm trời mưa bão biển động thì cả nhà nhịn đói. Cái nghèo bủa vây mà nhà tới năm miệng ăn nên ba mẹ chỉ biết làm kiếm gạo, kiếm mắm nuôi con, để cái miệng khỏi bị đói đã là cố gắng lắm rồi, còn con cái nghĩ gì, làm gì cũng không quan trọng.
Cuộc sống cứ vậy dần trôi trong kí ức tuổi thơ cho đến khi chị lớn mọi thứ vẫn không thay đổi, cả nhà chưa bao giờ ngồi ăn cơm chung trừ những ngày lễ, Tết. Nếu nhà có khách mẹ dọn cơm ra, hai em chị cũng không ngồi cùng, khách bảo gọi bọn trẻ lên mâm ăn cùng thì ba mẹ chị bảo: Tụi nó thích lúc nào thì tự ăn, ngồi vào mâm gò bó tụi nó không thích.
Nhiều lần chị đến nhà bạn chơi thấy cả gia đình nhà bạn ngồi ăn cơm cùng rất vui, về nhà nói cho mẹ nghe thì mẹ bảo, nhà họ giàu nên có thời gian, còn nhà mình nghèo thì lo làm để có tiền mua gạo con ạ, mai mốt khá hơn rồi tính, còn ba trả lời rất lạnh lùng: Mày muốn ăn cơm chung thì tới đó mà ở. Cũng từ đó chị không bao giờ đề cập đến chuyện gia đình ăn cơm chung.
Rồi một ngày nọ đi học về chị chứng kiến ba mẹ cãi nhau, ba trách mẹ làm phụ nữ mà không biết vun vén gia đình, mẹ trách ba vô dụng, làm chồng mà không nuôi nổi vợ con nên cứ sống mãi trong cảnh nghèo. Và từ đó ba mẹ không nhìn mặt nhau.
|
Nếu có gia đình chị Giang sẽ không đi theo vết xe cũ của ba mẹ ngày xưa. |
Không đi theo vết xe cũ
Cũng nhiều lần ba mẹ cãi nhau nhưng lần này không ai nhường ai, kết quả là ba và mẹ chọn giải pháp ly thân, chị Giang và em trai theo ba lên thành phố vì phải đi học, còn mẹ với thằng út ở quê. Cứ như vậy ba mẹ chia tay trong im lặng.
Lên thành phố, ba cha con mướn phòng trọ ở, ba chị làm nghề phụ hồ, chị và em trai ngoài giờ đi học xin làm phụ quán, đi dạy kèm, miễn sao kiếm được tiền để trang trải cho cuộc sống và chuyện học. Lại chuyện mưu sinh cuộc sống nên ba cha con cũng chẳng bao giờ ngồi ăn cơm chung, những ngày nghỉ chị nấu cơm dọn ra mời ba ông cũng bảo, mày cứ để đó, khi nào ba đói thì tự ăn. Thương ba, thương mẹ nhưng chị không biết cách nào thổ lộ, nhiều lần chị lên mạng tìm hiểu, trao đổi và nhận được lời chia sẻ là khi gia đình mà các thành viên không ngồi cùng nhau trong bữa cơm thì không cảm nhận được tình thương cho và nhận.
Chị Giang tâm sự: Có những chuyện tưởng chừng như không quan trọng nhưng lâu ngày cứ âm ỉ khi bùng phát thì không còn cách cứu vãn. Từ nhỏ tôi nghĩ đơn giản, nhà mình nó thế, không cần bắt chước nhà bạn nhưng lớn lên đi học, đi làm va chạm với cuộc sống mới thấy tầm quan trọng của bữa cơm chung. Đó là niềm vui, sự ấm áp an ủi để xua tan những mệt nhọc vất vả sau một ngày lao động, tôi thèm một bữa cơm chung của gia đình, có ba mẹ và các em ngồi chung, có ba gắp cho mẹ miếng thức ăn, mẹ mời ba một miếng nhưng xem ra rất khó, bởi bây giờ hai người không nói chuyện với nhau, chỉ hỏi thăm qua con cái và luôn né tránh nhau.
Mình không còn buồn như lúc mới lớn và đã học được bài học chấp nhận sự thật, phận làm con, không kết luận ai đúng, ai sai nhưng nếu có gia đình sẽ không đi theo vết xe cũ của ba mẹ ngày xưa.
Nguyên Quỳnh