Bữa trước, thằng cháu Phi ở Mỹ Lộc, Tam Bình gọi điện cho tôi: “Chú rảnh hôn? Dìa nhậu với cha con”. Trời đang mưa bão ì đùng như vầy mà nó rủ nhậu khiến người tôi bỗng nóng ran. Nhậu chỉ là cái cớ vì mười lần như một, mỗi khi ông anh kết nghĩa gầy độ nhậu thì chắc chắn là có cô Út của thằng Phi ở Cần Thơ về.
Út Thanh làm bên Viện Lúa. Cô đẹp người đẹp nết, năm nay đã 28 tuổi mà chưa chồng. Cha thằng Phi cứ gán ghép tụi tôi nhưng cô Út lại làm thinh nên tôi cũng không dám mở lời. Bình thường thì tôi ăn sóng nói gió, chặt to kho mặn nhưng đứng trước cô gái miệt vườn ấy, tôi như gã cù lần, nói một câu cho có duyên cũng không nói được.
“Mày đúng là khôn nhà dạy chợ. Thời buổi bây giờ thương người ta mà hỏng nói thì mất như chơi”- chị hai tôi cũng mến cô Út nên đe dọa tôi như vậy. Nhưng tôi gạt ngang: “Duyên ai thì người đó hưởng, không có duyên mà muốn gặp cũng không được; mà đã có duyên thì trăm sông nghìn núi cũng thành. Chị hai cứ tin em đi. Thời buổi bây giờ cũng không biết đâu mà lường. Mấy cô làm chỗ em, ai cũng thực dụng, nói yêu nhưng cứ nhìn xem người ta đi xe gì, lương bao nhiêu, làm chức gì, có nhà riêng không... Nói xui xẻo, em mà cưới trúng một cô như vậy, chắc bỏ nhà vô chùa tu luôn cho yên cái tấm thân”.
|
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Chính vì tôi cứ nằm hả họng chờ sung rụng như vậy nên tới giờ, đã 32 tuổi đầu mà vẫn là chủ tịch Hội độc thân của công ty. Có cô bạn tấn công mãi mà tôi không đổ đã độc mồm, độc miệng rêu rao tôi “thuộc giới tính thứ ba”. Tôi mặc kệ bởi chỉ có tôi mới biết cái thằng mình như thế nào. Chỉ tôi mới biết có một người con gái mà mỗi khi nhắc đến, tôi lại tủm tỉm cười một mình rồi nhắm mắt mơ màng...
Vậy là tôi phóng xe đi ngay sau khi nhận cuộc gọi của thằng cháu Phi, không quên ghé siêu thị mua thịt bò, giò chả, xúc xích và bia để về tới là có cái mần liền. Thấy tôi xách đồ lỉnh kỉnh, chị Tư, má thằng Phi rầy: “Về chơi là quý rồi, còn mua sắm chi cho tốn tiền vậy em?”. Tôi cười, miệng trả lời chị nhưng mắt ngó quanh: “Dạ, có nhiêu đâu mà tốn kém chị Tư? Em sợ trời mưa gió vầy, mắc công chị Tư và mấy đứa nhỏ”. Chị Tư đón mấy thứ từ tay tôi: “Thì gà vịt có sẵn, bắt vô nấu cháo, có gì đâu mà mắc công em. Thôi, để đó vô nhà uống nước với anh Tư đi”.
Tôi uống chưa hết 3 tách trà thì mấy đứa nhỏ đã dọn cháo gà lên. Nhìn tô cháo bốc khói, thơm lừng hành tiêu, bụng tôi cồn cào. “Ăn chén cháo cho ấm bụng đi em. Mấy đứa kia lát nữa tụi nó qua”- anh Tư múc cháo, gắp gỏi gà bỏ vô chén cho tôi.
Nói hỏng phải nịnh chớ cái món gỏi gà bắp chuối này, tôi ăn lần nào, thấy đã lần đó. Là bởi vì chị Tư chỉ lấy phần non nhất của cái bắp chuối hột để xắt gỏi. Những cọng bắp chuối xoăn tròn dù đã ngấm gia vị nhưng vẫn giòn tan trong miệng. “Cây nhà lá vườn, hà tiện làm chi? Muốn gỏi bắp chuối ngon thì chỉ lấy phần ốp lá non, xắt ra là phải ngâm nước khế liền cho nó trắng, bỏ thêm mấy cục nước đá vô thau cho bắp chuối giòn. Chừng nào ăn hẳng vớt ra vẫy khô nước rồi trộn rau răm, chan nước mắm tỏi ớt...”- có lần chị Tư cắt nghĩa cho tôi như vậy khi tôi khen món gỏi bắp chuối tuyệt chiêu của chị...
Tôi ăn lưng chén cháo thì mấy thằng cháu kéo về đông đủ. Vừa trông thấy tôi, thằng Phi oang oang: “Thằng Thuận đi rước cô Út về gần tới rồi đó chú”. Đúng là cái thằng hiểu chuyện. Lúc ngồi vô bàn, nó còn kề tai tôi nói nhỏ: “Chú ăn cháo ít ít thôi, để dành bụng lát nữa ăn ốc lác nướng muối ớt của cô Út. Cổ dặn con ngâm ốc hôm qua tới giờ. Mà chú biết hong, con kiếm được gần chục con ốc vùi cho chú đó. Con nào con nấy mập ú”.
Thằng Phi vừa dứt lời thì tôi đã thấy người tôi đang chờ đợi xuất hiện. Cô Út gọn gàng trong chiếc áo thun, quần jeans lửng tới bắp chân, tóc cột túm lên cao y như những lần tôi gặp trước đây. Tôi thích cái dáng vẻ hiện đại mà trông vẫn rất dịu dàng, mềm mại ấy. Cô Út chào mọi người rồi xuống bếp. Anh Tư nháy mắt với tôi: “Tao kêu nó về đó. Lần này mà không xong thì tao gả cho thằng khác nghen mậy”. Đã có mấy ly Phú Lễ ngâm chuối hột nên tôi thấy người nóng ran, miệng mồm ngứa ngáy. Tôi đứng dậy: “Để em xuống bếp phụ Út nghen anh Tư”.
Tôi xin phép cho có lệ nên chẳng cần sự đồng ý của chủ nhà đã đứng dậy mon men xuống bếp. Út Thanh đang dùng dao chặt đít mấy con ốc để làm món ốc nướng muối ớt cho chúng tôi. Vừa thấy vậy, tôi đã giành lấy con dao: “Để anh làm cho”. Cô út của thằng Phi cười: “Anh làm không quen sẽ văng miểng ốc tùm lum đó. Để em làm cho coi”. Cô dùng dao khẽ thật nhẹ vào chỗ giao nhau giữa hai vòng xoắn ở đít con ốc. Miếng miểng ốc nhẹ nhàng rời ra, nằm im tại chỗ trên thớt. Đúng là người có kinh nghiệm, gặp tôi thì chặt một phát, chắc chắn vừa phạm sâu vô phần thịt ốc, vừa văng miểng ốc tứ tung bởi ốc lác cái đít nó bằng phẳng chớ không nhọn ra như ốc bươu.
Chặt xong mớ ốc, Út Thanh cho vô cái nồi bên dưới có lót lá chanh và sả rồi bắc lên bếp, dặn tôi: “Nếu anh làm thì nhớ đừng có đổ nước nha. Ốc ra nước rất nhiều”. Chỉ tích tắc nồi ốc đã sôi. Cô Út tắt lửa, gắp ốc ra bày vô dĩa phía dưới có lót rau răm. Chị Tư bưng ra chén muối tiêu ớt. Chị múc một muỗng nước ốc luộc cho vào chén muối ớt quậy đều: “Đố chú chớ trong chén muối này có bao nhiêu thứ?”. Chị hỏi rồi không đợi tôi trả lời, nói luôn: Ớt xanh, tiêu xanh, sả, lá chanh, chút xíu muối, bột ngọt, tất cả đâm thật nhuyễn, cho một muỗng nước ốc vô quậy cho tan. Lúc nào nướng ốc thì chan vô cho nó thấm... Ăn cái này phải kèm theo mấy lát sả non cho nó không lạnh bụng.
Cái lò than được đặt giữa bàn. Ông chủ nhà gắp từng con ốc mập đầy vun mặt cho lên vĩ nướng, thằng cháu Phi rưới một chút gia vị mà má nó đã chế biến lên mặt ốc: “Mau lắm vì ốc đã được luộc sơ rồi. Món này cô Út con mới sáng chế chớ hồi đó cứ muối ớt phết lên, cũng ngon nhưng không ác liệt như món này...”.
Lửa than đã bắt đầu đốt cháy vỏ ốc, một mùi thơm không thể tả được bay lên ngào ngạt khắp nhà. Nó gợi cho người ta nhớ những ngày tháng giêng đốt đồng với những đụn khói lãng đãng; mùi khoai lang nướng và tất cả những thứ tìm được trong vũng nước còn sót lại trên đồng: con cá rô mề, mấy con ốc lác, vài con cua kềnh càng...
Tôi chết trân nhìn mấy con ốc đang gợi lên biết bao thương nhớ của những tháng ngày thơ dại. Những tháng ngày giờ đã trở thành hoài niệm mà ở chốn thị thành, mỗi khi đêm về, chỉ cần nghe một cơn mưa rào cũng khiến mình thao thức.
Tối đó, lúc đã hơi xỉn xỉn, tôi nói với Út Thanh: “Chắc anh về làm rể xứ này quá Út...”. Có lẽ nghĩ rằng “rượu nói” chớ không phải tôi nói nên cô Út làm thinh. Điều đó khiến tôi khó xử nên sáng hôm sau tôi kiếm chuyện về Sài Gòn sớm. Anh chị Tư cầm không được thì cằn nhằn: “Biết vậy không thèm kêu về. Làm gì mà như ma vật ông vãi vậy không biết!”.
Tôi đưa mắt tìm Út Thanh, thấy cô đang lúi húi cho mấy thứ vô bọc ni-lông. “Anh đi nghen Út”- giọng tôi ỉu xìu. Út Thanh đưa cái bọc cho tôi: “Mấy con ốc vùi em để dành cho anh. Có rau răm và muối ớt sẵn trong đó. Nếu anh làm siêng thì nướng, còn không thì luộc ăn cũng ngon”. Rồi Út Thanh dặn tôi: “Khi nào có dịp xuống Cần Thơ, nhớ ghé qua chỗ em chơi”.
Chỉ nói vậy rồi thôi. Tôi chợt thấy bần thần trong dạ khác hẳn với những lần gặp trước. Hỏng lẽ tôi “tới tuổi muốn vợ” như lời mấy ông bạn của anh chị Tư hay nói lúc “rượu vào lời ra”? Mà có lẽ đúng như vậy thật vì mấy hôm nay, cứ nghĩ tới Út Thanh thì lòng dạ tôi hồi hộp, bồn chồn; lại thấy nhớ... mấy con ốc lác nướng muối ớt.
Hay là mình kiếm chuyện về Cần Thơ một chuyến đi ta?
Theo Người Lao Động