Gương mặt của những cựu vũ phu
“Lắm lúc đánh vợ, tôi thấy giật mình, nhưng rồi vẫn… đánh” là câu nói rất chân thật, có phần vụng về của anh Nguyễn Thế Trà ở huyện Tương Dương, Nghệ An khi có người hỏi anh nghĩ thế nào khi đánh vợ. Tuy vụng về nhưng câu nói đó đã nói lên một phần cuộc đời anh. Ngay từ trong bụng mẹ, anh Trà đã bị bố ghét bỏ vì nghi ngờ anh không phải con ông. Anh sinh ra và lớn lên trong sự thương yêu đầy sợ hãi của mẹ và sự hằn học, hắt hủi của bố.
|
Anh Nguyễn Thế Trà. |
Đến năm lên 10, khi bắt đầu biết phản ứng với sự vô lý của bố thì cũng là lúc anh bị bố đuổi ra khỏi nhà. Sau đó là những ngày tháng lang thang không miếng ăn, chỗ ngủ, cuộc đời cứ thế dạt trôi… Lấy vợ, có con, anh đặt tên hai đứa con là Thanh và Bình để nói lên ước mơ ngày bé của chính anh về những tháng ngày bình yên và những mong con sẽ có được cuộc đời như thế.
Anh tự nhủ nhất định phải là một người chồng tốt, người cha tốt để con cái không phải chịu cái cảnh lang thang như mình ngày xưa Nhưng rồi chính anh lại dẫm vào vết xe đổ của người cha năm xưa khi vung tay đánh vợ. Đánh vợ, rồi giật mình, rồi lại gạt đi rằng đàn ông là phải huơ tay múa chân. Chẳng mấy chốc chuyện anh Trà là người vũ phu cả xóm đều biết.
Nhìn nét mặt hiền khô của anh Đinh Công Được ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, ít ai nghĩ rằng anh là một vũ phu, mà lại là một vũ phu… “có tiếng” với “kiểu” quấn bộ tóc dài của vợ vào cột nhà cho khỏi chạy rồi mới đánh. Lý do anh Được đánh vợ thì trong xóm người đoán nọ, kẻ đoán kia.
Chỉ biết rằng vợ chồng anh sống rất được lòng láng giềng, chồng làm nghề sửa chữa điện lạnh chân chỉ, vợ là Hội trưởng Hội Phụ nữ xã năng động, nhanh nhẹn. Ấy vậy mà cứ dăm bữa nửa tháng, chị vợ lại đi làm với vài vết bầm trên mặt, trên người, lúc đầu còn giấu, sau đành phải công nhận là bị chồng đánh.
Khi vũ phu cất lời yêu
Thay đổi vũ phu – có dễ? Xin thưa là không dễ chút nào, nếu như bản thân người chồng, người đàn ông đó không nhận thức được vấn đề. Khi được chính quyền, cán bộ tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ), như những vũ phu khác, lúc đầu các anh Nguyễn Thế Trà và Đinh Công Được cũng không tránh khỏi phản ứng: “chuyện nhà tôi đừng can thiệp, vợ tôi tôi đánh”…, nhưng rồi họ đã nhận ra cái sai của mình.
|
Anh Đinh Công Được. |
Là thành viên tích cực Nhóm phản ứng nhanh PCBLGĐ của huyện Tương Dương, Nghệ An (thuộc Dự án phát huy sức mạnh cộng đồng hợp tác trong PCBLGĐ do CSAGA triển khai), anh Nguyễn Thế Trà không ngại xông vào những nơi “nóng” nhất để làm “nguội” nắm đấm của những ông chồng vũ phu. Đã từng là người có năm tháng tuổi thơ sống thiếu tình yêu thương gia đình và bản thân có hành vi bạo lực nên hơn ai hết, anh Trà rất có kinh nghiệm trong chuyện hòa giải.
“Cách đây ba chục năm khi lang thang tôi đã từng mơ ước sẽ có người chìa tay ra giúp mình, nên khi biết có mô hình này tôi tham gia ngay, hết lòng, không đắn đo. Khi đến những gia đình đang có bạo lực gia đình, vì đã có mấy chục năm lăn lộn trường đời nên tôi không sợ dao, sợ đấm. Tôi nói với họ rằng đừng cả giận mà mất khôn, hãy nghĩ tới những đứa trẻ. Cha mẹ nào cũng thương con, đời tôi không may mắn không được hưởng tình cảm đó nên thấy nó quý lắm, trân trọng lắm” – anh Trà tâm sự.
Còn với anh Đinh Công Được, câu chuyện về “cái loa thương vợ” của anh là một minh chứng đầy đủ nhất về sự thay đổi của kẻ vũ phu. Sau khi gia nhập Câu lạc bộ những người đàn ông không đánh vợ, anh Được đã nhận thức được cái sai của mình và kiểu sửa sai của anh cũng không giống ai. Anh lẳng lặng đi mua một cái loa to về bắc trên mái nhà để giúp vợ phát thanh tuyên truyền về PCBLGĐ.
Những ngày đầu anh nhận được rất nhiều phản ứng, có người bảo vợ chồng anh gây ồn ào, kẻ lại nói anh sợ vợ, nhưng anh không nản. “Bản thân tôi là người từng gây ra bạo lực gia đình nên tôi muốn tiếng loa của mình sẽ giống như một cái giếng để những người đàn ông hay đánh vợ có chỗ soi mình và thay đổi. Nghĩ thế nên tôi kiên trì làm, lắm hôm đi làm về giữa trưa nắng vẫn trèo lên mái sửa loa cho kịp buổi phát thanh chiều” - anh Được cho biết.
Giờ ở địa phương, tiếng loa của nhà anh Được đã được tất cả bà con hưởng ứng. Còn tác giả của cái loa, thành viên Nhóm phản ứng nhanh PCBLGĐ huyện Tân Lạc – anh Đinh Công Được thì lại rất thật thà khoe: “Nhờ cái loa mà tôi đi đâu cũng được phụ nữ từ trẻ đến già tươi cười hỏi thăm”.
… Có câu nói rằng: “Nếu tương lai của nhân loại đi qua mỗi gia đình, thì ngay từ bây giờ, gia đình phải là nơi bình yên, hạnh phúc và tràn ngập tình yêu thương”. Hơn ai hết, những người đã từng vũ phu như anh Nguyễn Thế Trà và anh Đinh Công Được rất hiểu điều này và đang tiếp tục truyền thông điệp đó đi bằng nỗ lực của chính mình.
Theo Pháp Luật Việt Nam